Những thí nghiệm tâm lý gây tranh cãi nhất trong lịch sử
Một số công trình nghiên cứu cách trí óc con người vận hành, hoạt động và phát triển theo thời gian từng bị quy kết là vô nhân đạo, phi đạo đức và không trung thực…
Thay đổi mạnh mẽ sở thích tình dục
Thí nghiệm này được tiến hành ở Nam Phi từ năm 1971 đến năm 1989, trong thời kỳ Apartheid, và có sự tham gia của những người đồng tính luyến ái nam và nữ trong Quân đội Nam Phi. Trong thời gian đó, chính phủ có luật nghiêm ngặt chống đồng tính luyến ái. Đồng tính được coi là bất bình thường và là một bệnh tâm thần.
Thí nghiệm được thực hiện bởi Đại tá Aubrey Levin, người cũng là một nhà tâm lý học. Hàng nghìn người đồng tính đã bị giam cầm trong một bệnh viện quân sự và họ phải chịu nhiều hình thức trị liệu ác cảm khác nhau nhằm thay đổi sở thích tình dục của họ một cách cưỡng bức.
Liệu pháp ác cảm bao gồm thiến hóa học, sốc điện, nhiều loại thuốc khác nhau, điều trị bằng hormone… Hơn 900 nam giới và phụ nữ buộc phải trải qua một cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính để tái định hướng bản thân, mà không có sự đồng ý của họ. Ngay sau khi kỷ nguyên Apartheid kết thúc ở Nam Phi, Tiến sĩ Aubrey Levin đã bỏ trốn khỏi Nam Phi vì nhận thức rằng đã tra tấn rất nhiều người và tham gia vào các hoạt động phi đạo đức.
Dự án QKHILLTOP
Dự án QKHILLTOP là một thử nghiệm do CIA phát triển để nghiên cứu các kỹ thuật tẩy não người Trung Quốc. Thí nghiệm tâm lý gây chấn động này ra đời từ mong muốn của CIA nhằm tạo ra những phương pháp thẩm vấn hiệu quả hơn. Được Tiến sĩ Harold Wolff của Trường Y Đại học Cornell chỉ đạo, các thí nghiệm gây tranh cãi đã khám phá các loại ma túy, giam cầm, đày đọa, sỉ nhục, tra tấn, tẩy não và thôi miên trên nhiều đối tượng khác nhau.
Đại học Pennsylvania thử nghiệm trên tù nhân
Năm 1951, các nhà nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania bắt đầu thử nghiệm trên các tù nhân tại Nhà tù Holmesburg ở Philadelphia. Trong suốt 20 năm, Tiến sĩ Albert M. Kligman đã thử nghiệm kem đánh răng, chất khử mùi, dầu gội đầu, kem bôi da, chất tẩy rửa, đồ ăn kiêng dạng lỏng, thuốc nhỏ mắt, bột bôi chân và thuốc nhuộm tóc trên da của các tù nhân, để xác định xem chúng có an toàn để sử dụng hay không. Các xét nghiệm yêu cầu sinh thiết da liên tục với các thủ tục gây đau đớn.
Thí nghiệm với bé Albert
John Watson là một nhà tâm lý học nổi tiếng và được mọi người biết đến với biệt danh "Cha đẻ của Chủ nghĩa Hành vi" và là người sử dụng trẻ mồ côi trong nhiều thí nghiệm của mình. Trong một trong những thí nghiệm đặc biệt phi đạo đức này, Watson và người vợ tương lai Rosalie Rayner đã thuê Albert, một đứa trẻ mồ côi 9 tháng tuổi. Trong thí nghiệm, Watson đã cho Albert tiếp xúc với âm thanh và các thứ khác như khỉ, thỏ, mặt nạ và một tờ báo đang cháy.
Trong phần thứ hai của thí nghiệm, cậu bé Albert đã được làm quen với một con chuột bạch. Lúc đầu, Albert không sợ con chuột. Nhưng sau đó, mỗi khi Albert chạm vào con chuột, Watson lại tạo ra những tiếng động lớn bằng một thanh thép. Cậu bé Albert đau khổ nghĩ rằng tiếng ồn là do con chuột phát ra. Theo thời gian, bé tỏ ra sợ hãi bất cứ thứ gì có màu trắng và/hoặc lông tơ. Nghiên cứu gây tranh cãi không chỉ vì nó phi đạo đức mà còn vì kết quả có xu hướng được báo cáo theo cách không chính xác và đơn giản hóa quá mức.
Nghiên cứu chứng nói lắp ở trẻ em
Năm 1939, hai nhà nghiên cứu Wendell Johnson và Mary Tudor đã tiến hành nghiên cứu chứng nói lắp ở trẻ em và cách phục hồi. Nghiên cứu có sự tham gia của 22 người tham gia, tất cả đều là trẻ em mồ côi. Chúng được chia thành hai nhóm, một nhóm liên tục nhận được phản hồi tích cực và lời khen ngợi vì khả năng nói trôi chảy. Tuy nhiên, nhóm còn lại phải chịu những phản hồi tiêu cực và bị đối xử rất khắc nghiệt với bất kỳ lỗi nào trong lời nói mà chúng mắc phải. Bị coi thường đến mức hầu hết những đứa trẻ ngừng giao tiếp hoàn toàn.
Về sau, mọi thứ diễn biến theo chiều hướng tồi tệ nhất. Những trẻ em tham gia không biết rằng đang được sử dụng cho mục đích nghiên cứu và chỉ được cho biết rằng sẽ được trị liệu bằng ngôn ngữ. Một bé gái đã bỏ trốn khỏi trại trẻ mồ côi vì mọi thứ trở nên quá căng thẳng. Theo New York Times, những đứa trẻ trên đã phải mang những tổn thương tâm lý và tình cảm suốt đời chỉ vì một thí nghiệm.
Thử nghiệm chuyển đổi giới tính
Một trường hợp bi thảm xảy ra do những quyết định sai lầm được đưa ra sau một tai nạn phẫu thuật, khi một cậu bé người Canada 7 tháng tuổi "vô tình bị thiến" trong khi cắt bao quy đầu định kỳ. Sau khi dương vật của David Peter Reimer chẳng may bị biến dạng, một nhà tâm lý học đã thuyết phục cha mẹ cậu bé rằng cậu có nhiều khả năng đạt trưởng thành về giới tính nếu trải qua phẫu thuật chuyển giới thành nữ.
Nhà tâm lý học John Money đã báo cáo việc phẫu thuật thành công. Tuy nhiên, khi Reimer lớn lên, anh nhận ra rằng mình không phải là một cô gái và ở tuổi 15, chuyển sang sống như một nam giới. Reimer cuối cùng đã công khai câu chuyện của mình để giúp ngăn ngừa các trường hợp tương tự. Reimer đã tự sát ở tuổi 38, sau khi bị trầm cảm nặng.
Thử nghiệm ma túy trên khỉ
Các thí nghiệm phi đạo đức không chỉ giới hạn trên người, đôi khi còn được mở rộng sang cả động vật. Từ năm 1969 tại Trường Đại học Y Michigan, các nhà nghiên cứu sử dụng khỉ để quan sát hậu quả của việc lạm dụng ma túy để kết luận chứng nghiện có thể xảy ra ngoài loài người hay không. Trong giai đoạn đầu, những con khỉ được cho uống những liều thuốc này thường xuyên để gây nghiện. Sau khi bị nghiện, những con vật tội nghiệp được dạy cách tiêm nhiều loại thuốc khác nhau như morphine, cocaine, codeine, thuốc lắc và rượu vào cơ thể chúng.
Sau đó, những con khỉ đã nghiện ma túy bị bỏ lại một mình với rất nhiều loại thuốc này. Chúng tự tiêm những loại thuốc này sau mỗi giờ. Hậu quả khủng khiếp đến mức những con khỉ tự xé lông, ngón tay và gãy tay chân. Những con nghiện morphine chết trong vòng hai tuần. Các nhà nghiên cứu đã có thể thiết lập mối liên hệ giữa sự lệ thuộc tâm lý và lạm dụng ma túy. Tuy nhiên, giá trị khoa học của thí nghiệm đáng nghi ngờ, vì kết quả có thể không áp dụng được ở người.
Sinh viên bị lạm dụng về thể chất và tinh thần
Thí nghiệm được thực hiện vào năm 1971 tại Đại học Stanford. Mục đích của thí nghiệm này là để xem các động lực quyền lực có thể khiến một nhóm (nhóm thống trị) lạm dụng quyền lực như thế nào. Trong nghiên cứu, những người tham gia được chỉ định làm cai ngục hoặc tù nhân trong một nhà tù giả trong trường đại học.
Thử nghiệm cho thấy những người được giao vai trò cai ngục ngày càng trở nên tàn ác hơn và thậm chí sẵn sàng tra tấn tâm lý, trong khi nhiều "tù nhân" chấp nhận hành hạ tâm lý một cách thụ động và chủ động quấy rối các tù nhân khác. Sự tra tấn tâm lý thực sự đến với một số nam sinh viên, họ trở nên vô cùng đau khổ và lo lắng. Thử nghiệm đã bị hủy sớm, do bị chỉ trích sử dụng một phương pháp luận phản khoa học.
Chiến dịch Cao trào lúc nửa đêm
Một dự án nghiên cứu, được đặt tên là Chiến dịch Midnight Climax, một phần của Dự án MKULTRA, được tiến hành vào những năm 1950 dưới sự chỉ đạo của Allen Dulles, Giám đốc CIA lúc đó. Foster Dulles đã ra lệnh cho các nhà nghiên cứu tìm ra những loại ma túy, thôi miên, liệu pháp sốc điện, cách ly cực độ, bằng lời nói và/hoặc lạm dụng tình dục, và các phương pháp khác nhau có thể được sử dụng để kiểm soát tâm trí con người.
Các đối tượng bị bắt từ nhiều khu vực khác nhau, có thể là trường đại học, bệnh viện và thậm chí cả nhà tù. Vô tình, các khách hàng đã bị gái mại dâm dụ đến các nhà thổ do CIA điều hành, và các chất kích thích thần kinh như LSD được đưa vào đồ uống của họ. Những người này sau đó được theo dõi từ phía sau một tấm gương hai chiều khi họ tham gia vào các hoạt động tình dục.
Các hoạt động của dự án diễn ra trong nhiều năm để thử nghiệm các tác nhân như bom hôi và heroin. Cuối những năm 1960, sau khi bị văn phòng tổng thanh tra của CIA phát hiện, Quốc hội Mỹ vào cuộc và yêu cầu phải đóng cửa Dự án ngay lập tức. Tuy nhiên, hai chương trình liên quan, MKSEARCH và Project OFTEN, vẫn tiếp tục cho đến năm 1972 và 1973.