Những 'thị trấn ma' của Fukushima 10 năm sau thảm họa

10 năm sau thảm họa Fukushima, Nhật Bản đã chi hàng trăm tỷ USD cho dự án tái thiết tốn kém bậc nhất thế giới. Nhưng chúng vẫn không thể đưa cuộc sống trước kia trở lại Fukushima.

Tỉnh Fukushima của Nhật Bản vẫn chật vật vực dậy từ thảm họa hạt nhân cách đây một thập kỷ, ngay cả khi chính phủ đã rót hàng trăm tỷ USD để đưa cuộc sống và việc làm trở lại.

Chính phủ Nhật Bản nỗ lực tái thiết từ các siêu thị, cơ sở hạ tầng giao thông, cho đến nhà máy năng lượng hydro tiên tiến. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa thể đưa những người dân trở lại.

10 năm sau trận động đất mạnh 9,1 độ richter, kéo theo sóng thần cao 40 m gây thảm họa hạt nhân, các khu vực của Fukushima vẫn phục hồi chậm chạp. Theo Bloomberg, tương lai của tỉnh vẫn bị phủ đen khi quá trình ngừng hoạt động nhà máy điện Fukushima Daiichi với số lượng lớn nước phóng xạ có thể mất đến 30-40 năm.

Các hoạt động kinh tế tại Fukushima vẫn phục hồi chậm. Nhiều người tiêu dùng Nhật Bản không dám sử dụng thực phẩm từ tỉnh này. Ảnh: Bloomberg.

Các hoạt động kinh tế tại Fukushima vẫn phục hồi chậm. Nhiều người tiêu dùng Nhật Bản không dám sử dụng thực phẩm từ tỉnh này. Ảnh: Bloomberg.

"Không bao giờ trở lại như trước"

Tại thị trấn Namie, toàn bộ 21.000 cư dân đã phải rời đi 10 năm về trước. Ngay cả vào thời điểm hiện tại, 4 năm sau khi một phần của thị trấn mở cửa đón người dân trở lại, chỉ có khoảng 1.600 người quay về. Dân số đã sụt giảm hơn 90%.

Các cuộc khảo sát chỉ ra hơn một nửa số người đã sơ tán không có ý định trở lại. "Sẽ không bao giờ trở lại như trước khi thảm họa xảy ra", ông Akihiro Zenji, 39 tuổi, giám đốc điều hành một công ty cho thuê máy móc, chia sẻ.

Hồi năm 2019, ông đã mua một căn nhà ở Namie, dự định bắt đầu cuộc sống mới với người vợ Ryoko, 29 tuổi. "Những ai thực sự muốn trở lại đã trở lại rồi. Một số bạn bè của chúng tôi cũng quay về giúp đỡ. Nhưng không ai trong số họ trở về để sống", ông tiết lộ.

Một thập kỷ kể từ đại thảm họa, những ngôi nhà mới bắt đầu mọc lên, các con đường cũng được tân trang. Tất cả nằm trong dự án tái thiết tốn kém nhất thế giới với quy mô 300 tỷ USD.

Tuy nhiên, khu vực này vẫn phải đối mặt với một mối đe dọa khác. Đó là sự sụt giảm dân số và hoạt động kinh tế.

 Chính phủ Nhật Bản chi hàng trăm tỷ USD cho các dự án tái thiết trong vòng 10 năm qua. Ảnh: Bloomberg.

Chính phủ Nhật Bản chi hàng trăm tỷ USD cho các dự án tái thiết trong vòng 10 năm qua. Ảnh: Bloomberg.

Tỉnh Fukushima chứng kiến dân số lao dốc 10% xuống còn 1,8 triệu người trong 10 năm qua. Để so sánh, dân số của tỉnh Miyagi lân cận giảm 2,5%.

Trong khi nền kinh tế của Miyagi tăng trưởng 19% từ năm 2010 đến năm 2019, Fukushima chỉ leo dốc 8,1%.

Theo nhà kinh tế học Yutaro Suzuki tại Daiwa Institute of Research Holdings, khả năng khôi phục năng lượng sản xuất của Fukushima kém xa các khu vực khác. Vào năm 2012 và 2013, tỉnh Iwate và Miyagi lân cận đã phục hồi sản lượng sản xuất lên mức trước thảm họa. Trong khi đó, Fukushima phải mất tới 6 năm, tức năm 2017.

 Ông Akihiro Zenji, 39 tuổi, và người vợ Ryoko, 29 tuổi đã mua một căn nhà ở Namie hồi năm 2019. Ảnh: Bloomberg.

Ông Akihiro Zenji, 39 tuổi, và người vợ Ryoko, 29 tuổi đã mua một căn nhà ở Namie hồi năm 2019. Ảnh: Bloomberg.

Ngành du lịch - vốn đã trở lại gần mức trước thảm họa - lại một lần nữa bị đại dịch Covid-19 vùi dập.

Các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi sóng thần có thể nhanh chóng tái thiết. Tuy nhiên, ô nhiễm phóng xạ kéo dài tại Fukushima khiến một số khu vực thậm chí vẫn còn xa vạch xuất phát.

Đến năm 2018, các lô hàng sản xuất từ khu vực Futaba (gần nhà máy Fukushima Daiichi) vẫn chỉ bằng 25% mức trước thảm họa. Trong khi đó, cảng cá Ukedo nhộn nhịp một thời giờ hoang lạnh. Nhiều người tiêu dùng không dám sử dụng thực phẩm từ Fukushima.

Những chiếc xe tải vẫn ầm ầm trên các con đường ở khu vực ven biển, chuyển những bao tải chứa đầy lớp đất bề mặt và thực vật ra khỏi khu dân cư. Việc dọn dẹp nhằm đưa cư dân trở lại ngôi nhà cũ. Tuy nhiên, nhiều trong số họ đã bỏ đi nơi khác.

Những dự án hàng trăm tỷ USD

"Điều quan trọng để phục hồi là tiến hành các chính sách nhằm khôi phục cuộc sống hàng ngày và hướng tới tương lai mới", ông Masao Uchibori, Thống đốc tỉnh Fukushima, khẳng định với báo giới.

Đầu tiên là mục tiêu khôi phục cuộc sống hàng ngày. Năm 2019, một siêu thị Aeon đã được khai trương ở Namie. Một chi nhánh của Muji sẽ mở cửa tại thị trấn vào cuối tháng này. Trong khi đó, một tuyến xe lửa từ Tokyo chạy dọc theo bờ biển Fukushima cũng được khôi phục.

Song song với đó là những dự án hướng tới tương lai. Bờ biển Đổi mới Fukushima - một loạt dự án thúc đẩy năng lượng thân thiện với môi trường, công nghệ robot và các ngành công nghệ cao khác - được đưa ra nhằm tái thiết sản lượng công nghiệp.

Một loạt dự án mới nhằm thúc đẩy năng lượng thân thiện với môi trường, công nghệ robot và các ngành công nghệ cao khác. Ảnh: Bloomberg.

Một loạt dự án mới nhằm thúc đẩy năng lượng thân thiện với môi trường, công nghệ robot và các ngành công nghệ cao khác. Ảnh: Bloomberg.

Một trong số đó là nhà máy nghiên cứu và sản xuất hydro được xây dựng ở Namie. Xa hơn một chút về phía bắc, chính quyền Nhật Bản cũng xây dựng một bãi thử nghiệm robot trị giá 7,7 tỷ yen (71 triệu USD), bao gồm đường hầm gió thử nghiệm máy bay không người lái và hồ bơi để nghiên cứu robot dưới nước.

Tuy có quy mô tương tự Tokyo Disneyland, Trường Thử nghiệm Robot chỉ thuê khoảng 40 nhân viên. Nhà máy nghiên cứu và sản xuất hydro cũng không có nhân viên toàn thời gian. Các nhà máy năng lượng khác được xây dựng trên những sườn đồi bị bỏ hoang cũng tạo ra rất ít việc làm.

Tôi đã chứng kiến tất cả từ khi lò phản ứng nổ tung, không còn ai xung quanh, đèn giao thông không hoạt động, mọi thứ lặng như tờ. Nhưng giờ, mọi người đã có thể sống ở đây

- Ông Akihiro Zenji

Ông Hidehiro Asada, 53 tuổi, trở lại Namie để mở lại công ty gỗ của gia đình. Theo ông, thiếu hụt cơ hội việc làm đã cản trở nỗ lực phục hồi của thị trấn. Hiện, ông Asada thuê khoảng 21 nhân viên, ít hơn 9 người so với hồi trước thảm họa.

"Ngay cả khi người dân trở lại, việc làm cũng không quay về theo", ông chia sẻ.

"Chỉ những người nghỉ hưu mới trở lại. Người trẻ đã có việc làm sẽ ở lại luôn nơi đó. Họ không dễ quay về", ông Asada nói thêm.

Tuy nhiên, ông Zenji - giám đốc điều hành một công ty cho thuê máy móc - đã mở rộng quy mô công ty từ 15 người hồi trước thảm họa lên 70 người. Ông thấy thất vọng khi mọi người không thừa nhận những tiến bộ trong quá trình tái thiết nhiều năm qua.

"Tôi đã chứng kiến tất cả từ khi lò phản ứng nổ tung, không còn ai xung quanh, đèn giao thông, đèn đường không hoạt động, mọi thứ lặng như tờ. Nhưng giờ, mọi người đã có thể sống ở đây", ông Zenji chia sẻ.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-thi-tran-ma-cua-fukushima-10-nam-sau-tham-hoa-post1191964.html