Những 'thiên thần chết chóc' của bệnh viện Lainz nước Áo
Từ những 'thiên thần áo trắng', chúng biến thành 'thiên thần chết chóc'. Đây là trường hợp đặc biệt vì có tới 4 kẻ phạm tội là những nữ trợ lý y tá tại Bệnh viện Đa khoa Lainz ở Áo.
4 kẻ giết người hàng loạt gồm: Maria Gruber, Irene Leidolf, Stephanija Meyer và Waltraud Wagner. Những kẻ này là trợ lý y tá bệnh viện với chức năng là chăm sóc bệnh nhân, nhưng chúng đã sát hại rất nhiều bệnh nhân từ năm 1983 đến năm 1989 mới bị phát hiện.
Bệnh viện Đa khoa Lainz được xây dựng vào năm 1839 và là một trong những cơ sở y tế lớn nhất ở Vienna, Áo. Tám cánh của bệnh viện được gọi là Pavillion. Tòa nhà Pavillion 5 tại Lainz được dành riêng cho những trường hợp đặc biệt, những bệnh nhân lớn tuổi, bị bệnh tâm thần hoặc cần được chăm sóc, nhiều người trong số họ mắc bệnh nan y. Nhân viên ở bệnh viện cho rằng công việc ở tòa nhà đấy là tồi tệ nhất. Nơi được biết đến là “tòa tử thần”, nơi những ca bệnh không còn nhiều hi vọng.
Waltraud Wagner là nữ trợ lý y tá 24 tuổi làm việc tại tòa Pavillion 5. Các trợ lý của y tá được giao những công việc khó khăn và đòi hỏi khắt khe từ việc dọn dẹp bệnh nhân hàng đêm đến lau máu và những chất bẩn khác trên giường sau khi một bệnh nhân qua đời. Thật không may, trong bối cảnh hỗn loạn này, cô ta được giao ca trực.
Trong những ca trực đêm muộn này, các y tá phụ tá thường phải thực hiện những nhiệm vụ vượt quá trách nhiệm bình thường của họ, bao gồm cả việc tiêm thuốc vì các bác sĩ trực mệt mỏi đôi khi ngủ suốt ca và chỉ bị đánh thức trong những trường hợp khẩn cấp.
Wagner luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình và nổi tiếng là một người chăm chỉ. Cô cũng được yêu thích trong số các y tá và trợ lý khác, nhiều người mô tả cô là người lạc quan và quyến rũ. Nhưng công việc và điều kiện ở Wardah đã ảnh hưởng đáng kể đến cô. Mỗi buổi sáng, cô rời bệnh viện trong tình trạng kiệt sức về tinh thần và thể chất.
Cô bị ảnh hưởng bởi những gì mình đã trải qua đến nỗi thường nôn mửa ngay khi về đến nhà. Làm việc với bệnh nhân giai đoạn cuối có thể gây ra một số vấn đề thực sự về mặt cảm xúc cho y tá và các nhân viên chăm sóc sức khỏe. Nhìn thấy cái chết và đau khổ là điều đương nhiên rất khó chịu đựng và việc phải đối mặt với điều này là thường xuyên nếu bạn làm việc trong phòng bệnh giai đoạn cuối.
Wagner sau đó bắt đầu thấy rằng cái chết là một sự giải thoát cho cả bệnh nhân đang đau khổ và cho chính cô. Cô hiểu công việc của mình chỉ đơn giản là chờ người bệnh chết. Vì thế, Wagner đã quyết định làm "tăng tiến độ" quá trình này khi lần đầu tiên thực hiện một vụ giết người. Một bệnh nhân 77 tuổi cầu xin Wagner hãy chấm dứt nỗi đau khổ của mình, cô đã nghe theo bằng việc tiêm morphin quá liều cho bà. Wagner sau đó phát hiện ra mình thích đóng vai Chúa, nắm giữ quyền sinh tử trong tay.
Wagner quyết định chia sẻ cái “cảm giác quyền lực” khi quyết định sự sống chết của bệnh nhân với 3 người bạn của mình. Tất cả những người phụ nữ này đều là trợ lý y tá làm ca đêm ở Pavilion 5. Maria Gruber, 19 tuổi, là một người mẹ đơn thân; Irene Leidolf, 21 tuổi, đã kết hôn nhưng thích đi chơi với các cô gái hơn; Stephinija Meyer, 43 tuổi, đã lên chức bà ngoại, ly hôn và di cư từ Nam Tư đến.
Wagner là người có sức thuyết phục cao, cho rằng “cái chết nhân đạo” cho những bệnh nhân đang vô cùng đau đớn là một hành động nhân từ. Cô thuyết phục họ rằng đó là điều đúng đắn nên làm. Phương thức hoạt động ban đầu của những kẻ giết người này là cho bệnh nhân dùng quá liều morphin hoặc các loại thuốc an thần khác. Họ đã sử dụng những loại thuốc không gây ra bất kỳ triệu chứng cực kỳ bất thường nào. Các trợ lý của y tá tự nhủ rằng họ được thúc đẩy bởi lòng thương xót, nhưng lý lẽ đó ngày càng yếu đi theo thời gian.
Chẳng bao lâu sau, họ không còn giả vờ đặt lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân của mình nữa. Thay vào đó, có vẻ như họ bắt đầu giết bất kỳ bệnh nhân nào gây ra vấn đề hoặc gây khó khăn cho cuộc sống của họ. Chỉ cần bệnh nhân có dấu hiệu khó chịu hoặc phàn nàn nhỏ nhất, Wagner và “các đệ tử” của mình sẽ lên kế hoạch giết bệnh nhân vào đêm hôm sau. Theo Wagner, những điều khó chịu bao gồm tiếng ngáy, việc tè ra ga trải giường, từ chối uống thuốc hoặc kêu gọi y tá giúp đỡ vào những thời điểm bất tiện. Những lúc như vậy, Wagner sẽ thông báo “người này sẽ có được một tấm vé đến với Chúa” .
Cuối cùng, sau vài năm giết chóc với cùng phương pháp gây nhàm chán, Wagner giới thiệu cho họ phương pháp “thủy trị liệu”, trong đó một người giữ đầu bệnh nhân và bịt mũi họ, trong khi người còn lại đổ nước xuống cổ họng nạn nhân. Đây có thể là một phương pháp giết người tương đối nhanh chóng hoặc lâu dài tùy thuộc vào sức khỏe thể chất của nạn nhân và lượng nước đổ vào tỷ lệ theo thời gian.
Với những vụ giết người kiểu này thường diễn ra dưới 30 phút và cái chết được dễ dàng che đậy. Nạn nhân chắc chắn có một ít nước vào phổi, điều này trông giống như chứng phù phổi hoặc sự tích tụ chất lỏng trong phổi, tình trạng này khá phổ biến ở người cao tuổi có bệnh tim tiềm ẩn. Do đó, những vụ giết người đã không bị phát hiện và phương pháp tàn bạo này trở thành cách thức giết người chính của chúng. Lúc đầu, các vụ giết người diễn ra ngẫu nhiên và lẻ tẻ, nhưng đến năm 1987 tần suất của chúng ngày càng tăng.
Nhưng đến năm 1988, khi loạt vụ giết người của họ bước sang năm thứ sáu, tỷ lệ tử vong cao cuối cùng đã thu hút sự chú ý. Các công nhân khác trong bệnh viện có nghi vấn về số lượng lớn các thi thể được đưa ra khỏi khu 5 và tin đồn bắt đầu lan truyền về khả năng xảy ra hành vi đáng ngờ.
Cảnh sát cũng đã biết về những tin đồn và bắt đầu một cuộc điều tra. Nhưng ban quản lý Bệnh viện Đa khoa Lianz đã không chấp nhận những cáo buộc về sơ suất y tế. Bác sĩ trưởng khoa đã ngăn cản cảnh sát và từ chối để họ điều tra, đảm bảo với họ rằng không có điều gì bất thường xảy ra trong thời gian ông theo dõi. Cuộc điều tra nhanh chóng thất bại và có thể khiến 4 nữ y tá này cảm thấy quyền lực hơn trước. Có vẻ như họ không bị nghi ngờ. Họ tin chắc rằng sẽ không có ai bận tâm đến việc tìm kiếm kẻ giết người trong khu tử thần.
Nhưng vào tháng 2/1989, trong một lần uống rượu, họ đã cười khúc khích trước cái chết của Julia Drapal, người bị “điều trị” bằng phương pháp “thủy trị liệu” vì từ chối uống thuốc và gọi Wagner bằng một từ khó nghe. Một bác sĩ của bệnh viện Lainz đã tình cờ ngồi gần đó và ghi lại cuộc trò chuyện của họ. Kinh hoàng với những gì mình nghe được, anh lập tức báo cảnh sát. Sau cuộc điều tra kéo dài sáu tuần, “thiên thần chết chóc” của Lainz đã bị bắt giữ.
Cuộc điều tra liên quan đến việc kiểm tra khoảng 300 người chết, nhưng vì đuối nước không để lại bất kỳ bằng chứng nào nên cảnh sát chỉ có thể thu thập đủ bằng chứng cho 39 vụ giết người. Khi bị giam giữ, bọn tội phạm đã thú nhận đến 49 vụ giết người trong vòng sáu năm, từ 1983 đến 1989. Tuy nhiên, số vụ giết người có thể lên đến 200. Trong đó, Wagner được cho là đã có 39 vụ là do riêng mình.
Khi đưa ra xét xử, thẩm phán và bồi thẩm đoàn gọi hành vi của các “thiên thần chết chóc” là tội ác tàn bạo và khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Áo. Wagner bị kết tội 15 vụ giết người, 17 vụ cố ý giết người và hai tội hành hung, ả bị kết án tù chung thân. Leidolf cũng nhận bản án chung thân vì liên quan đến Wagner, ả được kết luận là có 5 tội giết người. Mayer và Gruber mỗi người nhận 20 năm và 15 năm tù vì tội ngộ sát và cố ý giết người.