Những thiếu sót tại Công ty thủy lợi Thái Nguyên và trách nhiệm của Sở Tài chính

Chưa lập báo cáo quyết toán nguồn kinh phí duy tu, chưa báo cáo đầy đủ số kinh phí không sử dụng hết các năm, giữa xây dựng – quyết toán vênh nhau số tiền lớn…

Đó là những tồn tại, hạn chế, thiếu sót xảy ra tại Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Thái Nguyên có một phần trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước của Sở Tài chính tỉnh này.

Công ty chưa báo cáo, Sở Tài chính quyết toán “trên giấy”

Ngày 21/3/2023, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên ban hành Kết luận số 05/KL-TTr, kết luận thanh tra về việc thanh tra Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Thái Nguyên (Công ty thủy lợi Thái Nguyên).

Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong công tác hạch toán kế toán; lập dự toán, quyết toán kinh phí quản lý, bảo trì phao tiêu, biển báo; cấp, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí duy tu, sửa chữa công trình; việc chấp hành pháp luật về đầu tư tại Công ty thủy lợi Thái Nguyên, trong đó có trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước của Sở Tài chính.

Nhiều thiếu sót tại Công ty Thủy lợi Thái Nguyên và trách nhiệm của Sở Tài chính.

Nhiều thiếu sót tại Công ty Thủy lợi Thái Nguyên và trách nhiệm của Sở Tài chính.

Một trong những tồn tại, hạn chế, vi phạm nổi cộm được thanh tra chỉ ra là kinh phí quản lý và bảo trì hệ thống phao tiêu, biển báo tín hiệu đường Hồ Núi Cốc. Theo kết luận thanh tra, hệ thống phao tiêu, biển báo tín hiệu đường thủy Hồ Núi Cốc được UBND tỉnh Thái Nguyên giao cho công ty quản lý, bảo trì theo Quyết định số 1195/QĐ-UBND, ngày 11/06/2012.

Hàng năm, Công ty thủy lợi Thái Nguyên lập dự toán kinh phí trình Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh Thái Nguyên phân bổ dự toán và cấp kinh phí. Tuy nhiên, việc lập dự toán của Công ty này chưa thực hiện theo tiêu chuẩn định mức kỹ thuật về quản lý, bảo trì đường thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Đáng chú ý, kết luận thanh tra còn xác định, Sở Tài chính Thái Nguyên thực hiện việc cấp kinh phí bằng lệnh chi tiền theo số dự toán nhưng hồ sơ, chứng từ thực hiện cấp kinh phí chưa đầy đủ các điều kiện chi theo quy định.

Kết thúc năm ngân sách, Công ty thủy lợi Thái Nguyên cũng chưa lập báo cáo quyết toán nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa công trình gửi Sở Tài chính theo quy định tại Nghị định 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ; không thực hiện báo cáo, hoàn trả kịp số kinh phí quản lý, bảo trì phao tiêu, biển báo được cấp nhưng không sử dụng hết.

Trong khi đó, Sở Tài chính lập, báo cáo quyết toán kinh phí ngân sách tỉnh theo số kinh phí cấp mà không căn cứ kết quả thực hiện dự toán của công ty.

Kết luận thể hiện, trong thời gian đoàn thanh tra tiến hành thanh tra, ngày 17/8/2022, Sở Tài chính đã tiến hành rà soát kinh phí quản lý, bảo trì hệ thống phao tiêu biển báo tín hiệu đường thủy Hồ Núi Cốc đã cấp từ năm 2013 đến năm 2021.

Qua rà soát, Sở Tài chính đã yêu cầu Công ty này nộp lại ngân sách số tiền hơn 8 tỷ đồng. Ngày 18/8/2022, Công ty đã nộp lại số tiền hơn 8 tỷ đồng vào tài khoản thu ngân sách Nhà nước tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc này là Sở Tài chính Thái Nguyên khi thẩm định dự toán kinh phí còn thiếu sót trong việc kiểm soát nội dung dự toán; thiếu sót trong kiểm soát thanh toán bằng lệnh chi tiền; không yêu cầu công ty thực hiện báo cáo quyết ngân sách nguồn kinh phí hàng năm; thiếu sót trong việc giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước hàng năm theo Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 của Chính phủ, Kết luận thanh tra nêu rõ.

Vẫn theo kết luận thanh tra, trách nhiệm để xảy ra những tồn tại nêu trên thuộc về Sở Tài chính Thái Nguyên, Công ty thủy lợi Thái Nguyên và cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ.

Thực tế xây dựng - quyết toán vênh nhau số tiền khủng

Về việc phân bổ, cấp và sử dụng kinh phí duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi cho Công ty thủy lợi Thái Nguyên, kết luận thanh tra cho biết, Sở Tài chính thực hiện cấp kinh phí chưa căn cứ vào hồ sơ, chứng từ thanh toán đủ điều kiện chi theo quy định tại Thông tư 342/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Hàng năm, Công ty chưa lập báo cáo quyết toán nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa công trình gửi Sở Tài chính theo quy định; chưa báo cáo đầy đủ số kinh phí không sử dụng hết các năm trước với Sở Tài chính để trình UBND tỉnh phương án xử lý; sử dụng kinh phí không sử dụng hết các năm trước để thực hiện các công trình năm 2020 khi chưa được UBND tỉnh phê duyệt là hơn 4 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm ngày 26/12/2022, chênh lệch giữa kinh phí cấp đã quyết toán ngân sách với giá trị công trình thực hiện đến hết năm 2020 là hơn 6,89 tỷ đồng. Ngày 22/2/2023, công ty đã nộp lại ngân sách nhà nước số tiền này.

Đối với Sở Tài chính, hàng năm tổng hợp, báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh kinh phí duy tu, sửa chữa công trình theo số kinh phí đã cấp, chưa kiểm tra, rà soát đối chiếu với kết quả thực hiện dự toán của Công ty.

Theo Thanh tra tỉnh Thái Nguyên, nguyên nhân dẫn đến việc này là do lãnh đạo Công ty thủy lợi Thái Nguyên còn có những hạn chế, thiếu sót trong việc chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát.

“Sở Tài chính khi thực hiện cấp kinh phí chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc kiểm soát thanh toán bằng lệnh chi tiền theo quy định của Bộ Tài chính; không yêu cầu Công ty thực hiện báo cáo quyết toán ngân sách nguồn kinh phí hàng năm; còn thiếu sót trong việc giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hàng năm theo quy định”, Kết luận thanh tra cho biết.

Trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, thiếu sót nêu trên thuộc về Sở Tài chính; Công ty thủy lợi Thái Nguyên và cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ.

Bùi Anh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nhung-thieu-sot-tai-cong-ty-thuy-loi-thai-nguyen-va-trach-nhiem-cua-so-tai-chinh-376378.html