Những thói quen lái xe 'xấu xí' âm thầm phá hỏng chiếc xe của bạn

Lái xe là kỹ năng ai cũng có thể học, nhưng lái xe đúng cách để bảo vệ chiếc xe yêu quý của mình thì không phải ai cũng làm được.

Có những thói quen lái xe xấu mà chúng ta thường lặp đi lặp lại hằng ngày mà không biết rằng chính điều đó đang âm thầm bào mòn, phá hỏng xe, thậm chí khiến bạn tốn cả đống tiền sửa chữa. Dưới đây là những "tật xấu" khi cầm vô-lăng mà bạn nên sớm sửa để xe luôn bền khỏe.

1. Khởi động xong là chạy ngay, không chờ xe "thức dậy"

Bạn có từng lên xe, đề máy và... chạy luôn chưa? Nếu có, xin chia buồn, đây là một trong những thói quen dễ làm hại động cơ nhất. Đặc biệt là khi xe để lâu không chạy hoặc vào những ngày trời lạnh. Việc để động cơ nổ không tải khoảng 1-2 phút sẽ giúp dầu nhớt được làm ấm và bơm đều khắp các bộ phận, tránh mài mòn.

Nếu bạn vội vàng nhấn ga khi máy còn "nguội", dầu chưa kịp bơm đủ nơi cần thiết, thì các bộ phận cơ khí bên trong sẽ phải làm việc trong tình trạng khô dầu - dễ gây hư hại nặng nề về lâu dài. Đặc biệt, xe dùng động cơ diesel càng cần phải làm ấm kỹ hơn.

Hãy chờ động cơ xe hoạt động vài phút trước khi di chuyển

Hãy chờ động cơ xe hoạt động vài phút trước khi di chuyển

2. Rít ga quá đà, để xe phải "gồng mình"

Động cơ xe nào cũng có giới hạn vòng tua, và các hãng xe đã tính toán kỹ để xe vận hành tối ưu trong mức đó. Với xe số tự động, hệ thống sẽ tự chuyển số để tránh quá tải, nhưng với xe số sàn, nếu bạn về số sai lúc vòng tua đang cao, hoặc ép số để "kéo" xe lên dốc, rất dễ khiến động cơ gào rú, nổ máy, và nguy cơ hỏng hóc là không nhỏ.

Thay vì đợi tới mức "rướn cổ" mới chuyển số, hãy học cách chuyển số sớm, đúng dải vòng tua, vừa bảo vệ động cơ, vừa tiết kiệm nhiên liệu. Lưu ý là đừng nhầm giữa việc chuyển số hợp lý và "vê ga" khớp vòng tua đó là hai kỹ thuật khác nhau.

3. Ngó lơ những tiếng động lạ

Tiếng kêu lạ từ xe chưa bao giờ là tín hiệu tốt. Đôi khi chỉ là tiếng lạch cạch nhẹ, nhưng cũng có thể là cảnh báo cho sự cố nghiêm trọng đang tới gần.

Hãy đặc biệt cảnh giác nếu nghe thấy những âm thanh sau:

- Tiếng gõ hoặc nổ phát ra từ khoang động cơ

- Tiếng nghiến khi chuyển số (xe số sàn)

- Tiếng kêu lạ khi đánh lái

- Tiếng rít hoặc rít ken két khi phanh

- Tiếng vo vo dưới gầm xe

Đừng chủ quan. Nghe thấy là đi kiểm tra ngay. Càng để lâu, hậu quả càng tốn kém.

4. Đổ xăng “đầy bình” - lợi bất cập hại

Nhiều người có thói quen khi đổ xăng cứ phải đầy tràn miệng bình mới "đã". Nhưng thực tế, đây là hành động gây hại nhiều hơn lợi.

Không đổ quá đầy bình xăng

Không đổ quá đầy bình xăng

Hầu hết các xe hiện đại hiện nay đều có hệ thống EVAP là hệ thống thu hồi hơi xăng để đốt cháy lại, giảm ô nhiễm. Nếu bạn đổ tràn thường xuyên, hệ thống này dễ bị hỏng do ngập xăng, gây ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ và tốn kém chi phí sửa chữa.

Lời khuyên: Khi cò bơm xăng tự ngắt, hãy dừng lại, đừng cố "nhồi thêm vài nghìn".

5. Để xe nằm không quá lâu

Xe để lâu không chạy không chỉ khiến ắc quy "chết lâm sàng" mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khác: lốp bị biến dạng, dầu bị xuống cấp, thậm chí là sơn xe bị hỏng do nắng, mưa, phân chim...

Nếu không sử dụng xe thường xuyên, hãy khởi động xe định kỳ 1-2 lần/tuần, chạy một vòng ngắn, hoặc ít nhất nổ máy để hệ thống hoạt động. Và nhớ: đừng đỗ xe dưới trời nắng quá lâu, sơn xe và nội thất sẽ không "tha thứ" cho bạn đâu.

Không đỗ xe quá lâu

Không đỗ xe quá lâu

6. Những thói quen nguy hiểm, không chỉ hại xe mà còn hại người

Một số hành vi tuy không trực tiếp phá hỏng xe, nhưng lại khiến bạn gặp rắc rối lớn hơn, đó là an toàn tính mạng.

Lái xe nhanh:
Nếu bạn đang lái một chiếc xe thể thao hiệu suất cao thì việc chạy nhanh không phải lúc nào cũng gây hại, miễn là bạn làm điều đó ở nơi phù hợp. Nhưng nếu cứ đạp ga "tới bến" trên đường phố, hậu quả không chỉ là tiền phạt, mà còn là nguy cơ tai nạn, hao mòn hệ thống phanh, giảm tuổi thọ xe.

Hút thuốc trong xe:
Ngoài việc làm nội thất ám mùi, nghiên cứu chỉ ra hút thuốc trong xe làm giảm lượng Oxy và tăng CO, ảnh hưởng đến khả năng tập trung của người lái, rất nguy hiểm.

Vừa ăn vừa lái:
Nhai đồ ăn, cầm cốc cà phê khi lái xe là cách nhanh nhất để mất kiểm soát khi có tình huống bất ngờ. Chưa kể nếu làm đổ cà phê nóng lên người khi đang lái xe với vận tốc cao sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Dùng điện thoại khi lái:
Không có gì để biện minh cho thói quen này. Dù chỉ vài giây lơ là nhìn màn hình, bạn cũng có thể bỏ lỡ những tình huống nguy hiểm. Hãy dùng tai nghe, hoặc tốt nhất là cất điện thoại vào túi.

Không phân tâm khi lái xe

Không phân tâm khi lái xe

7. Chở quá tải - “oằn lưng” vì nặng

Việc chất quá nhiều hàng, đặc biệt với các mẫu xe phổ thông, sẽ gây áp lực nặng nề lên hệ thống treo, truyền động và phanh. Không chỉ gây mòn nhanh, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gãy gầm, nổ lốp hoặc mất kiểm soát khi phanh gấp.

8. Phóng nhanh qua gờ giảm tốc và ổ gà

Đừng nghĩ rằng cứ xe gầm cao là có thể “ủi” mọi loại địa hình. Gờ giảm tốc, ổ gà, nếu vượt qua ở tốc độ cao, có thể khiến mâm xe bị méo, nổ lốp hoặc làm lệch thước lái. Hệ thống treo cũng có thể bị tổn thương nghiêm trọng.

Hãy giảm tốc độ mỗi khi thấy chướng ngại, vừa bảo vệ xe, vừa tránh bị hất tung lên như cưỡi ngựa.

Xe cộ cũng như con người, nếu chăm sóc đúng cách, chúng sẽ bền bỉ và ít "bệnh vặt". Những thói quen xấu tưởng chừng nhỏ nhặt đôi khi lại là nguyên nhân chính khiến bạn phải "móc hầu bao" nhiều nhất. Vậy nên, hãy tập thay đổi ngay từ hôm nay - để hành trình của bạn luôn êm ái và chiếc xe luôn khỏe mạnh như mới.

Nguồn: Carbuzz

Nguyễn Kim Nhâm

Nguồn Cartimes: http://cartimes.tapchicongthuong.vn/nhung-thoi-quen-lai-xe--xau-xi--am-tham-pha-hong-chiec-xe-cua-ban-17108.htm