Những thói quen xấu ảnh hưởng đến phát triển xương hàm ở trẻ

Theo bác sĩ nha khoa, các thói quen xấu là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra những lệch lạc về răng, khớp cắn và phát triển xương hàm ở trẻ...

Sự lệch lạc này phụ thuộc vào loại thói quen, tần suất và thời gian kéo dài của thói quen. Điều này thường xuất hiện từ khi trẻ còn rất nhỏ.

Theo Ths.BS Nguyễn Văn Anh, Giám đốc chuyên môn Nha khoa Wesimle, cha mẹ cần phát hiện sớm và đưa trẻ đến các cơ sở điều trị để được thăm khám và hướng dẫn cách loại bỏ thói quen xấu của con.

Ths.BS Nguyễn Văn Anh, Giám đốc chuyên môn Nha khoa Wesimle.

Ths.BS Nguyễn Văn Anh, Giám đốc chuyên môn Nha khoa Wesimle.

BS. Nguyễn Văn Anh liệt kê một số thói quen xấu thường hay gặp ở trẻ em cha mẹ cần chú ý:

Thói quen đẩy lưỡi

Đẩy lưỡi ra trước khi nuốt là đặt đầu lưỡi về phía trước, chêm giữa các răng cửa trên và dưới lúc nuốt. Trước đây, đẩy lưỡi được cho là nguyên nhân gây ra các lệch lạc về răng.

Thực tế trong 1 ngày, mỗi người trong chúng ta chỉ nuốt chưa đến 1.000 lần nên lực từ lưỡi đặt lên răng chỉ trong 1.000 giây, tức là chưa đến 20 phút/1 ngày. Khoảng thời gian lưỡi tác động lực lên răng như thế là quá ít, không thể làm di chuyển răng.

Đẩy lưỡi được cho là nguyên nhân gây ra cắn hở răng trước. Thực ra, lưỡi đẩy ra trước là kết quả cắn hở vùng răng trước. Bệnh nhân cắn hở vùng răng trước và răng cửa trên nghiêng ra trước, không thể khép kín môi lúc nuốt, nên có khuynh hướng đưa lưỡi ra trước chêm giữa các răng cửa trên và dưới để đóng kín phần trước của khoang miệng.

Do đó, không nên tập cho bệnh nhân kiểu nuốt với vị trí lưỡi không đẩy về trước nếu chưa bắt đầu chỉnh hình.

Thói quen mút ngón tay hoặc núm vú cao su

Mút ngón tay là một phản xạ sinh lý hình thành từ thời kỳ bào thai và là thói quen hay gặp nhất. Trẻ có thể mút một ngón tay (thường là ngón cái) hoặc nhiều ngón tay. Điều này có thể xảy ra ở khoảng 25-50% trẻ em với độ tuổi 3-6 tuổi. Tới thời điểm 6-7 tuổi, nếu con không bỏ được thói quen này thì sẽ có thể gây ảnh hưởng đến hàm răng.

Dấu hiệu thường gặp là các răng cửa trên chìa ra trước (các bố mẹ thường gọi theo cách dân gian là “vẩu”) và răng cửa dưới nghiêng về sau do tỳ đè của ngón tay. Biểu hiện rõ nhất ở trẻ là hình ảnh cắn hở vùng răng cửa, các răng cửa trên chìa ra trước, hẹp hàm trên, răng cửa dưới nghiêng về phía lưỡi…

Răng di chuyển nhiều hay ít phụ thuộc vào thời gian tác động của thói quen. Nếu trẻ mút tay với áp lực mạnh nhưng không liên tục và thời gian không quá lâu thì các răng di chuyển ít.

Ngược lại, trẻ mút tay với áp lực nhẹ nhưng kéo dài hơn 6 giờ/ngày, đặc biệt là những trẻ mút tay suốt đêm thì sẽ bị sai khớp cắn trầm trọng.

Tương tự, thói quen mút núm vú cao su là thói quen xấu do người lớn tập cho bé cũng có thể gây hậu quả tương tự. Khi lớn lên, thay cho núm vú bé có thể sẽ có thói quen mút ngón tay.

Thói quen mút môi

Thường xảy ra ở môi dưới nhiều hơn môi trên. Trẻ mút môi dưới thường có biểu hiện môi dưới nằm gọn giữa các răng cửa hàm trên và dưới, in dấu răng cửa hàm trên lên môi dưới, tăng trương lực cằm.

Răng cửa hàm trên chìa ra về phía trước, làm thưa các răng cửa, răng cửa hàm dưới đổ vào phía lưỡi, cắn vào vùng lợi ở mặt trong răng cửa trên, khấp khểnh vùng răng cửa dưới, khớp cắn sâu…

Thở bằng miệng

Thở miệng là một thói quen hay gặp ở trẻ nhỏ do tắc nghẽn đường hô hấp trên như viêm mũi, họng… Với tình trạng này, cần phối hợp với chuyên khoa Tai Mũi Họng để điều trị, giải quyết các vấn đề bệnh lý đường hô hấp trên để trẻ có thể thở bằng mũi.

Thói quen thở miệng sẽ gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng xương hàm, hình dạng sọ, sức khỏe toàn thân của trẻ. Và có thể gây ra sai khớp cắn, mà các bậc cha mẹ có thể nhìn thấy rõ nhất là hình ảnh khuôn mặt dài, nhọn, môi khô không khép kín, miệng hẹp, cung hàm hẹp, nhọn hình chữ V, cười hở lợi, các răng trước hàm trên nhô trước, cắn hở,…

Các thói quen xấu khác

Ngoài những thói quen xấu trên, chúng ta có thể gặp các thói quen xấu khác ở trẻ như nghiến răng khi ngủ, cắn móng tay, cắn đồ chơi, vật cứng… các thói quen này có thể gây ra tình trạng mòn răng, sứt răng, vỡ răng, bệnh lý tủy răng… Thói quen ăn nhai 1 bên, chống cằm,… cũng có thể gây ra các ảnh hưởng trong quá trình phát triển sọ mặt của trẻ.

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhung-thoi-quen-xau-anh-huong-den-phat-trien-xuong-ham-o-tre-10290428.html