Những thói quen xấu khi sử dụng điều hòa, bạn có mắc phải?

Có những thói quen sử dụng điều hòa tưởng như hợp lý, nhưng thực tế lại là nguyên nhân khiến máy điều hòa tốn điện và giảm tuổi thọ.

Tưởng tiết kiệm điện mà không phải

Một thói quen khá phổ biến là người dùng thường bật điều hòa làm mát phòng, rồi tắt đi để… tiết kiệm điện. Khi không khí trong phòng nóng trở lại thì tiếp tục lặp lại chu trình tắt, bật này.

Đó không phải là cách dùng máy điều hòa tiết kiệm điện, mà lại còn gây tiêu tốn thêm, thậm chí gây hỏng điều hòa. Việc tắt đi bật lại nhiều lần khiến điều hòa cũng phải khởi động lại nhiều lần. Mỗi lần bật máy, điều hòa phải tiêu tốn nhiều điện để khởi động máy nén, động cơ quạt để làm lạnh không khí lên mức mà người dùng cài đặt nhiệt độ. Thao tác này gây tiêu thụ điện năng gấp 3 lần so với mức năng lượng cần để duy trì khí lạnh trong phòng.

Cũng có nhiều người khi bật điều hòa lập tức cài đặt nhiệt độ điều hòa rất thấp, thậm chí chỉ 16 - 18 độ C để phòng được làm lạnh nhanh nhất. Liệu cách này có hiệu quả?

Thực tế, công suất làm lạnh của điều hòa có giới hạn, máy cũng cần thời gian để kéo nhiệt xuống từ từ. Do vậy, việc chọn nhiệt độ 16 độ C cũng không thể làm không khí mát nhanh được, ngược lại còn làm điều hòa bị quá tải, tốn nhiều điện năng. Khi bật máy và đưa nhiệt độ xuống thấp nhất sẽ làm điều hòa chạy hết công suất ngay lập tức và về lâu dài sẽ khiến máy nhanh bị hỏng.

Quên bảo dưỡng định kỳ

Nhiều gia đình không có thói quen bảo dưỡng điều hòa định kỳ. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính khiến điều hòa tiêu thụ nhiều điện, cũng đồng thời làm chi phí tiền điện của gia đình “đội” lên đáng kể trong mùa hè.

Máy điều hòa đưa không khí lạnh vào nhà, đồng thời hút khí nóng và các bụi bẩn ra ngoài. Quá trình hoạt động thường xuyên này khiến bộ lọc không khí và hệ thống quạt gió bị tích tụ bụi bẩn. Đó là lý do cần thiết phải thực hiện vệ sinh điều hòa định kỳ.

Không những vậy, nếu điều hòa không được bảo trì thường xuyên còn có nguy cơ gây ra các bệnh về đường hô hấp cho người sử dụng như: Viêm họng, viêm mũi...

Ngoài ra, rất nhiều người thường xuyên tắt điều hòa bằng điều khiển chứ không tắt từ áp-tô-mát, việc này cũng gây lãng phí điện. Khi tắt bằng điều khiển, thiết bị được chuyển về trạng thái chờ (standby) giúp cho việc tái khởi động thiết bị được dễ dàng, nhưng máy vẫn tiêu thụ điện ngang một bóng đèn 15W. Vậy nên, mỗi khi tắt máy lạnh buộc phải tắt cả nguồn điện. Động tác này không những giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ, ngoài ra, còn giúp kéo dài tuổi thọ cho máy khi nguồn điện có sự cố.

Mở máy điều hòa cả ngày

Bật máy điều hòa liên tục trong suốt cả ngày ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe khi ở lâu trong phòng kín bật điều hòa. Bạn chỉ nên ngồi trong phòng điều hòa không quá 2 giờ.

Khi ra khỏi phòng nên mở cửa to và đứng ở cửa vài phút để cơ thể kịp thích nghi với không khí mới. Ngoài ra, nếu nằm ngủ máy lạnh thì lưu ý càng về đêm, cơ thể thiếu sự vận động, dễ bị cảm lạnh nên bạn cần điều chỉnh máy lạnh tăng nhiệt độ lúc đêm khuya.

Một số điều hòa dân dụng hiện nay lắp đặt gần với giường ngủ. Nếu bật điều hòa qua đêm không chú ý sáng dậy sẽ rất dễ khô da, nẻ da, đau họng.... Vì vậy hẹn giờ tắt là phương án hiệu quả để giảm thiểu những vấn đề trên

Say rượu bia nhưng bật điều hòa đi ngủ

Khi đang trong trạng thái lâng lâng dễ ngủ vì say bia, rượu, nhiều người có thể ngủ quên khi điều hòa mới khởi động mở mức nhiệt độ thấp. Cơ thể khi bị nhiễm lạnh lâu mà bản thân người nằm điều hòa không ý thức được để phòng vệ sẽ dẫn tới tình trạng nguy kịch như sốc, tê liệt.

Sử dụng điều hòa khi vừa tắm xong

Sau khi tắm, nhiệt độ cơ thể giảm, nếu tiếp tục ở dưới quạt hay điều hòa sẽ gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động lưu thông máu trong cơ thể, kéo theo hệ lụy là máu lên não chậm, không những thế còn ảnh hưởng tới nhịp đập của tim và huyết áp. Đặc biệt, những người có sức khỏe và sức đề kháng yếu nếu nằm điều hòa ngay sau khi tắm sẽ rất dễ gặp tai biến, đột quỵ.

Để tránh điều này, sau khi tắm xong nên lau khô người, không ngồi điều hòa chiếu thẳng vào người. Tốt nhất là không vào phòng có điều hòa ngay khi vừa tắm xong. Nếu phòng đang bật sẵn điều hòa thì nên tắt đi để cơ thể dần thích nghi với nhiệt độ phòng rồi mới bật điều hòa lại.

Theo EVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/tu-van/nhung-thoi-quen-xau-khi-su-dung-dieu-hoa-ban-co-mac-phai-167037