Những thông điệp thực chất, lan tỏa (Ghi chép của phóng viên Báo Quân đội nhân dân)

Việt Nam luôn mang đến những tin vui và thông điệp thực chất, tích cực trong thảo luận và thông qua các nghị quyết mang tính lịch sử của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ).

Đó là nhận định của nhiều đại biểu bên lề Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79. Không chỉ vậy, những ngày tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc tại Hoa Kỳ, chúng tôi cảm nhận được tình cảm tốt đẹp của các nghị sĩ, bạn bè quốc tế mỗi khi nhắc đến Việt Nam.

Dấu ấn Việt Nam

Quận Manhattan - trung tâm tài chính nổi tiếng thuộc thành phố New York, đón đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong một buổi chiều ngập nắng. New York - thành phố có hơn 8 triệu người, nói khoảng 800 ngôn ngữ thì cũng chẳng có gì bất ngờ khi LHQ chọn làm nơi đặt trụ sở. Trụ sở LHQ được thiết kế bề thế, hoành tráng bởi 11 kiến trúc sư đến từ các quốc gia trong tổ chức, thể hiện tinh thần hợp tác LHQ cao. Đây cũng chính là nơi đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79.

Đứng trước trụ sở LHQ ngắm nhìn lá cờ Việt Nam tung bay trong gió, xung quanh là quốc kỳ các cường quốc, tôi liên tưởng về hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trong mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lòng trào dâng cảm xúc vinh dự, tự hào. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến Chủ tịch Đại hội đồng LHQ và nhiều quốc gia thành viên, đề nghị kết nạp Việt Nam vào LHQ. Vậy nhưng, phải đến ngày 20-9-1977, ước nguyện lớn lao của Bác mới thành hiện thực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác Vietjet Air-Honeywell.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác Vietjet Air-Honeywell.

Thật trùng hợp, đúng 47 năm sau, ngày 21-9-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm, làm việc đầu tiên của mình trên cương vị mới dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ. Sự tình cờ lịch sử ấy nhưng lại nói lên rất nhiều điều ý nghĩa. Điều này cho thấy lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta không chỉ quan tâm xây dựng mối quan hệ chính trị giữa hai nước mà còn tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả.

Nhìn lại hơn 47 năm hành trình, với những kỳ họp của Đại hội đồng LHQ, hai tiếng Việt Nam luôn được nhắc đến như một điểm sáng, một “cánh chim báo tin vui”. Việt Nam đã viết nên câu chuyện truyền cảm hứng mãnh liệt. Từ một đất nước bước ra khỏi chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu đã vươn mình phát triển năng động. Từ một nước bị bao vây cấm vận, nay đã mở rộng quan hệ với hầu hết các quốc gia trên thế giới, gắn mình với tương lai của khu vực và thế giới, đóng góp thiết thực nhằm xây dựng một tương lai hòa bình, thịnh vượng và tươi đẹp.

Chúng tôi nhớ lại những dòng cảm tưởng của Tổng thư ký LHQ António Guterres nhân chuyến thăm Việt Nam vào đúng dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của LHQ hồi tháng 10-2022 rằng: “Trong vòng chưa đến một thế hệ, Việt Nam đã chuyển từ một nước tiếp nhận hỗ trợ của LHQ vươn lên trở thành một quốc gia xuất khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu của thế giới và đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ”.

Trong suốt quá trình hợp tác, bạn bè quốc tế và LHQ đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam. Đặc biệt, nổi bật nhất trong hàng loạt trọng trách, vai trò được cộng đồng quốc tế, LHQ tin tưởng giao phó là Việt Nam đã đảm nhiệm thành công cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021, cùng nhiều trọng trách khác. Nhiều người gọi đây là một hành trình kỳ diệu.

Tinh thần ấy một lần nữa được tái khẳng định trong các cuộc gặp gỡ, làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hoa Kỳ. Các lãnh đạo nước bạn đều đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam trong quan hệ quốc tế hiện nay. Đóng góp của Việt Nam với công việc chung ngày càng thực chất, hiệu quả, có ý nghĩa tại cả 3 trụ cột chính: Hòa bình - an ninh, hợp tác phát triển và quyền con người.

Hòa bình, khát vọng và thông điệp lan tỏa

Tòa nhà Đại hội đồng LHQ, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh tương lai có cấu trúc độc đáo với các mặt dốc lõm, trên đỉnh có mái vòm cung cấp ánh sáng tự nhiên. Hội trường có sức chứa gần 200 đoàn, mỗi ban công có thể đáp ứng khoảng hơn 50 chỗ ngồi và hàng trăm phương tiện truyền thông... Mặc dù chúng tôi có mặt từ rất sớm trước hội nghị, song hội trường gần như kín chỗ bởi sự hiện diện của đại biểu đến từ hơn 150 quốc gia trên thế giới, cho thấy sức nóng, sự quan tâm của các quốc gia với sự kiện đặc biệt này.

Với chủ đề “Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn”, Hội nghị thượng đỉnh tương lai là sự kiện đa phương quan trọng hàng đầu của LHQ trong năm 2024. Với ý nghĩa, tầm quan trọng ấy, ngay trước thềm hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thông điệp ghi hình tới sự kiện Lời kêu gọi toàn cầu về Hội nghị thượng đỉnh tương lai. Với niềm tin và khát vọng mạnh mẽ về một thế giới hòa bình, thịnh vượng và tươi đẹp, trong đó người dân là trung tâm của các chính sách và hành động, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến 3 vấn đề lớn, đó là: Vai trò dẫn dắt của LHQ trong thiết lập khung pháp lý, hỗ trợ các quốc gia phát triển công nghệ mới và tiên phong như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa một cách an toàn, công bằng, hữu ích và bao trùm. Đề xuất nghiên cứu thiết lập một diễn đàn toàn cầu để ASEAN và các tổ chức khu vực khác cùng chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy công nghệ xanh. Thúc đẩy tiến trình cải tổ LHQ và các thể chế tài chính đa phương để ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức toàn cầu, huy động tốt hơn nguồn lực để hỗ trợ các nước đang phát triển.

Đặc biệt, trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chia sẻ thông điệp xuyên suốt, đó là củng cố chủ nghĩa đa phương, cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người.

Sau bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, bên hành lang hội nghị, chúng tôi có dịp tiếp xúc với một số nhà báo và nghị sĩ quốc tế. Họ đều ấn tượng với những phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam. Một đất nước đã trải qua quá nhiều mất mát do chiến tranh, nay tiếp tục có những đóng góp đầy trách nhiệm cho hòa bình, phát triển bền vững của thế giới. “Dập tắt chiến tranh cho muôn đời, để mở nền thái bình muôn thuở”-chân lý được cha ông đúc kết nay tiếp tục trở thành quan điểm, tiếng nói của Việt Nam với khát vọng chung tay xây dựng thế giới hòa bình, phát triển bình đẳng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân loại. Ngày hôm nay, trên chính đất Hoa Kỳ, cường quốc thế giới, tư tưởng ấy của dân tộc Việt Nam một lần nữa được truyền đi và lan tỏa.

Tình hữu nghị từ bên kia bán cầu

Chuyến làm việc tại Hoa Kỳ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lần này diễn ra với chuỗi các sự kiện, hoạt động dày đặc, có ngày diễn ra hơn 10 hoạt động tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo các nước, các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ... Sự xuất hiện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam ở bất cứ sự kiện nào cũng được chào đón nồng nhiệt. Qua các cuộc trò chuyện, hình ảnh về một đất nước Việt Nam tươi đẹp hiện lên đầy đủ hơn trong con mắt, suy nghĩ của bạn bè.

Tối 22-9, theo giờ địa phương, tiết trời New York trở lạnh hơn thường ngày. Trong khán phòng ấm cúng tại tòa nhà Asia Society, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry bắt tay Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm như nắm tay một người bạn quý lâu ngày gặp lại. Ông John Kerry chia sẻ rằng, cá nhân ông luôn dành nhiều tình cảm cho đất nước và người dân Việt Nam, luôn nỗ lực để hàn gắn những vết thương chiến tranh. Dường như trong mọi câu chuyện chia sẻ hôm ấy đều hướng về tương lai. Câu nói “cách tốt nhất để đoán định tương lai là kiến tạo tương lai” của Abraham Lincoln-Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ-được nhắc lại nhiều lần.

Cách đây gần 30 năm, có lẽ ít ai hình dung được Việt Nam và Hoa Kỳ có thể vượt qua nỗi đau của chiến tranh để xây dựng mối quan hệ phát triển mạnh mẽ và tích cực như hiện nay. Thế nhưng hai nước đã làm được và chính những bước tiến dài trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã giúp hai bên hiểu nhau hơn.

Tình hữu nghị Việt Nam-Hoa Kỳ còn được thể hiện rất rõ trong buổi gặp gỡ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với đại biểu Đảng cộng sản, tổ chức cánh tả và bạn bè Hoa Kỳ tại New York. Những câu chuyện trong hành trình xây đắp mối quan hệ hai nước đã chạm đến trái tim của nhiều người có mặt tại khán phòng hôm ấy. Bà Margot Delogne, Giám đốc điều hành Tổ chức Dự án hai phía (2 Sides Project) xúc động khi chia sẻ về sự thay đổi từ hận thù sang hữu nghị của một người con mất cha trong chiến tranh Việt Nam. Bà đã lập Dự án hai phía với sự tham gia của nhiều con em các cựu binh, quân nhân Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam. Họ cùng nhau sang Việt Nam tìm hiểu về lịch sử, đất nước, con người nơi đây và nỗi đau chiến tranh. Trên hành trình kết nối từ hai phía, bà đã tìm lại bình yên trong tâm hồn và thúc đẩy hiểu biết, xây dựng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước...

Trong hành trình làm việc tại Hoa Kỳ, dù lịch trình dày đặc, song Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vẫn dành thời gian gặp mặt nhóm trí thức Việt Nam tại thành phố Houston, bang Texas. Đa phần người Việt tại Hoa Kỳ đều luôn hướng về đất nước, trong đó có ông Vũ Văn Lê, một doanh nhân tiêu biểu người Mỹ gốc Việt đang sinh sống tại thành phố Houston. Sau 3 năm miệt mài sưu tầm, bộ sưu tập cổ vật và văn hóa Việt Nam trải dài lịch sử 4.000 năm của ông đã có hơn 5.000 món đồ quý giá. Ông ấp ủ một ngày nào đó, những món đồ này sẽ được chuyển về Việt Nam. Đặc biệt, bằng tấm lòng người con xa quê, nhóm các trí thức người Việt đã gửi 10.000 USD hỗ trợ bà con các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

Trong không gian ấm áp, hội ngộ của những người con trong gia đình lớn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá rất cao cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng công tác thu hút, kết nối trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Điều đó càng khẳng định, cùng với mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế thì việc nhân lên tình yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc cũng là một chìa khóa giúp cho đất nước ngày càng thêm phát triển, thịnh vượng.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN (từ New York, Hoa Kỳ)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nhung-thong-diep-thuc-chat-lan-toa-ghi-chep-cua-phong-vien-bao-quan-doi-nhan-dan-795954