Những thông tin đáng chú ý về Olympic Paris 2024
Olympic Paris 2024 - Kỳ Thế vận hội thứ 33 trong lịch sử sẽ chính thức khởi tranh vào ngày 26/7 và khép lại bằng lễ bế mạc vào ngày 11/8.
Đây là lần thứ 3 Pháp đăng cai Olympic sau các năm 1900 và 1924, trở thành thành phố thứ hai đăng cai 3 kỳ Thế vận hội sau London (Anh).
Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 diễn ra ở đâu?
Olympic Paris 2024 sẽ bắt đầu bằng bữa tiệc khai mạc hoành tráng, chưa từng có trên sông Seine (Pháp), vào lúc 19 giờ 30 ngày 26/7 theo giờ địa phương (1 giờ 30 sáng 27/7 giờ Việt Nam).
Theo tiết lộ, buổi lễ có sự xuất hiện của 160 chiếc tàu thủy, trong đó 94 chiếc chở theo gần 11.000 vận động viên, diễu hành dọc 6km sông.
Ban tổ chức phát hành 326.000 vé xem lễ khai mạc, cho những chỗ ngồi hai bên bờ sông Seine, trong đó 104.000 vé tính phí.
Tuy nhiên, những người không có vé cũng có thể quan sát các tiết mục từ những vị trí khác, khi ban tổ chức bố trí tới 80 màn hình lớn để khán giả tiện theo dõi.
Bao nhiêu vận động viên tham dự?
Kỳ Thế vận hội năm nay quy tụ gần 11.000 vận động viên đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đoàn thể thao Mỹ tham dự Olympic Paris 2024 đông nhất, với 592 vận động viên. Đứng tiếp theo là các Đoàn thể thao Pháp (573 vận động viên), Australia (460 vận động viên), Đức (428 vận động viên), Italy (403 vận động viên), Nhật Bản (393 vận động viên), Trung Quốc (388 vận động viên).
Các Đoàn thể thao Belize, Nauru, Somalia, Liechtenstein tham dự với số lượng vận động viên ít nhất (1 vận động viên).
Đoàn Thể thao Việt Nam có 16 vận động viên tham dự bao gồm: Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Lê Quốc Phong (Bắn cung), Trần Thị Nhi Yến (Điền kinh), Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (Cầu lông), Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh (Boxing), Nguyễn Thị Hương (Canoeing), Nguyễn Thị Thật (Xe đạp), Phạm Thị Huệ (Rowing), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (Bắn súng), Nguyễn Huy Hoàng, Võ Thị Mỹ Tiên (Bơi), Trịnh Văn Vinh (Cử tạ), Hoàng Thị Tình (Judo).
Các vận động viên mang quốc tịch Nga và Belarus được phép thi đấu nhưng sẽ hưởng thành tích độc lập, không đại diện cho đất nước của họ.
Theo giới chuyên gia dự báo, Đoàn thể thao Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục thống trị Bảng tổng sắp huy chương ở ngôi vị số 1.
Olympic 2024 có bao nhiêu môn thể thao?
Gần 11.000 vận động viên đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tranh tài tại 32 môn thể thao với 329 bộ huy chương.
Chủ nhà Pháp năm nay bổ sung thêm môn breakdance (nhảy đường phố). Đây là môn thể thao lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Olympic. Môn trượt ván, leo núi thể thao và lướt sóng ra mắt tại Tokyo 2020 và tiếp tục có mặt tại Paris 2024.
Các môn thi chủ yếu diễn ra tại sân Stade de France và các địa điểm khác ở Paris. Chỉ có bóng đá, bắn súng, chèo thuyền, bóng rổ và lướt sóng là những môn được tổ chức ở những thành phố khác.
Trước khi giải đấu chính thức khởi tranh, các môn thi đấu như bóng đá, bắn cung, rugby hay bóng ném sẽ bước vào thi đấu.
Huy chương Olympic có gì đặc biệt?
Olympic 2024 đánh dấu tròn 100 năm kể từ lần gần nhất kỳ Thế vận hội tổ chức tại Paris. Để tôn vinh sự sự kiện này, mỗi huy chương ở giải đấu này sẽ có một mảnh sắt nguyên bản của tháp Eiffel - biểu tượng của thủ đô Pháp.
Tại Olympic Paris 2024 sẽ có 5.084 huy chương được trao cho các vận động viên tham gia 329 nội dung ở 32 môn thi đấu.
Mặt trước huy chương là logo Thế vận hội 2024, còn mặt sau có hình ảnh nữ thần chiến thắng của Hy Lạp Athena Nike, đang tiến bước với một bên là thành cổ Acropolis và một bên là tháp Eiffel. Đồng xu lục giác 18gram chính là điểm nhấn của tấm huy chương, bởi nó được làm từ mảnh kim loại của tháp Eiffel.
Trang web của Thế vận hội Paris 2024 không nêu rõ giá của từng huy chương. Nhưng dựa trên giá trị của vàng và bạc, một huy chương có thể có giá khoảng 750 đến 850 USD (tương đương từ 19 đến 21 triệu đồng).
Thiết kế huy chương vàng, bạc, đồng của Olympic Paris 2024 (Ảnh: IOC).
Linh vật Thế vận hội Olympic 2024
Linh vật của Thế vận hội năm nay là chiếc mũ Phrygian - biểu tượng của sự tự do trong suốt lịch sử nước Pháp và tượng trưng cho những nhân vật ngụ ngôn của nền cộng hòa Pháp.
Hai linh vật đều có tên là Phryges: Olympic Phryge và Paralympic Phryge. Hai linh vật lần này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là “cách mạng.”
Về mặt ngoại hình, ngoài một bên chân của chú Paralympic Phryge có dạng lưỡi dao ra, những bộ phận và chi tiết khác đều gần như giống hệt nhau.
Linh vật được kết hợp bởi màu cờ đỏ, xanh, trắng của Pháp, song dưới hình dạng trông như sao biển ba cánh.
Bục trao giải cho vận động viên
Giống như các huy chương, thiết kế của bục vinh quang sử dụng cho các sự kiện trao giải tại Thế vận hội (Olympic) và Thế vận hội người khuyết tật (Paralympic) Paris 2024 cũng lấy cảm hứng từ Tháp Eiffel nổi tiếng với cấu trúc viền kim loại bao quanh bề mặt bên ngoài.
Với tông màu xám-trắng đẹp mắt và trang nhã, bục được làm bằng gỗ và 100% nhựa tái chế, đồng thời sử dụng thiết kế gồm các modun để đáp ứng nhu cầu của các sự kiện khác nhau.