Những thứ có thể khiến thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung 'đứt gánh'
Nếu các cuộc đàm phán có thể tách rời khỏi những khía cạnh gây tranh cãi như công nghệ, thì cơ hội cho việc đạt được thỏa thuận thương mại sẽ cao hơn.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc bên lề hội nghị G20 vừa qua đã kết thúc với một số bất ngờ. Cả hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán, đồng thời phía Mỹ đồng ý ngừng đánh thuế lên hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ mua thêm nhiều nông sản từ Mỹ.
Một bất ngờ ít người có thể ngờ tới đó là Tập đoàn Huawei lại có thể tiếp tục mua các sản phẩm điện tử của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cho biết đây chỉ là giải pháp tạm thời nhằm buộc phía Trung Quốc ngồi lại vào bàn đàm phán. Huawei vẫn sẽ tiếp tục nằm trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ “cho tới khi các cuộc đàm phán kết thúc”.
Viêc tránh được sự leo thang căng thăng đã giúp cả hai nước Mỹ-Trung quay lại thời điểm trước hôm 6/5. Và theo SCMP trích lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hiện “đã đạt được 90% trên con đường đến với thỏa thuận”.
Tuy nhiên đối với các nhà đầu tư, cuộc gặp trên đạt được rất ít sự đột phá nhằm giải quyết các bất đồng vẫn còn đang tồn tại, mà chính những bất đồng này đã khiến các cuộc đàm phán rơi vào thế bế tắc. Cụ thể là ba vấn đề sau:
Thứ nhất là những vấn đề cần tập trung trong các cuộc đàm phán. Các vấn đề chủ đạo về thương mại, thường gắn liền với sự thâm hụt song phương lại rất dễ giải quyết. Nhưng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung lại gặp rất nhiều khó khăn, khi phía Mỹ thường đưa ra nhiều vấn đề gây tranh cãi liên quan tới các chính sách công nghệ và công nghiệp của Trung Quốc xen vào thương mại. Chính điều này khiến các vấn đề trên khó có thể cùng giải quyết một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán sắp tới có thể tách biệt từng vấn đề một và tập trung hẳn về mặt thương mại, thì cơ hội để đạt được thỏa thuận sẽ cao hơn.
Thứ hai là về chính trị. Chính trị có thể chi phối đường lối trong các cuộc đàm phán. Trong khi cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống Mỹ đang nóng lên từng ngày, vấn đề “Mối đe dọa tới từ Trung Quốc” dường như đã trở thành trọng tâm của chiến dịch tranh cử. Tâm lý chống lại quốc gia tỷ dân đang lớn dần lên tại Mỹ sẽ khiến ông Trump khó có thể đạt được một thỏa thuận mà không bị dư luận Mỹ cho rằng đã nhượng bộ Bắc Kinh quá nhiều.
Đồng thời, nếu nền kinh tế Mỹ chậm đà phát triển một phần là do sự áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, sẽ có thể khiến ông Trump chịu các sức ép chính trị nhằm cứu lấy nền kinh tế Mỹ và chiến dịch tái tranh cử của ông bằng cách nhanh chóng đạt được thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Trong cả hai trường hợp trên, chính trị đều có sức chi phối lớn trong các cuộc đàm phán thương mại.
Cuối cùng là các diễn biến thị trường tài chính. Sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường toàn cầu sau hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái tại Buenos Aires, đã ngăn ông Trump và ông Tập nhanh chóng đạt được một thỏa thuận mà cả hai bên coi là tối ưu. Do đó, phản ứng tích cực của thị trường đối với cuộc gặp vừa qua ở Osaka sẽ càng khiến việc đạt được thỏa thuận thương mại sẽ khó có thể xảy ra trong những tháng tới.
Đối với các nhà đầu tư toàn cầu, những vấn đề trên sẽ khiến triển vọng về nền kinh tế và chính sách của các ngân hàng trở nên lu mờ. Các mức áp thuế quan hiện tại sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế hai nước Mỹ-Trung và làm triển vọng của nền kinh tế vĩ mô toàn cầu trở nên hẹp hơn.
Theo nhận định của chuyên gia Aidan Yao thuộc SCMP, kết quả của cuộc gặp Trump-Tập tại Osaka vừa qua chỉ là một thỏa thuận tạm thời, không khác mấy so với cuộc gặp bên lề G20 tại Argentina hồi năm ngoái. Các nhà đầu tư trên thế giới đặt kỳ vọng vào kết quả tốt nhất đó là một thỏa thuận sẽ dẫn tới việc chấm dứt cuộc thương chiến kéo dài hơn một năm qua. Nhưng theo ông Yao, họ cũng cần phải chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất: Một cuộc chiến cả về thương mại lẫn công nghệ giũa Mỹ-Trung.