Những thủ lĩnh khủng bố khét tiếng từng bị Mỹ tiêu diệt
Nhiều trùm khủng bố khét tiếng hàng đầu khu vực Trung Đông đã bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt qua các chiến dịch không kích hoặc tập kích bất ngờ.
Hôm 1/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo nước này đã tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri trong một vụ không kích vào thủ đô Kabul (Afghanistan). Các báo cáo cho thấy không có thương vong nào khác trong vụ việc, dù căn nhà nơi Zawahiri trú ẩn có cả phụ nữ và trẻ em.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ tiêu diệt một nhân vật khủng bố cấp cao “từ trên không” - dù là không kích hay tổ chức chiến dịch đổ bộ đường không. Trước đó, trùm khủng bố Osama bin Laden hay thủ lĩnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi cũng đã bị tiêu diệt theo cách tương tự.
Maher al-Agal
Nhà Trắng và giới chức quân sự Mỹ hồi tháng 7 tuyên bố đã tiêu diệt Maher al-Agal, một trong những thủ lĩnh hàng đầu có vai trò trong việc xây dựng mạng lưới khủng bố IS bên ngoài Iraq và Syria, bằng máy bay không người lái.
Cuộc tấn công xảy ra tại khu dân cư Jindires, cách thành phố Aleppo gần 60 km về phía tây bắc, và cũng khiến một nhân vật thân cận với Agal bị thương nặng, Reuters đưa tin.
Giới chức Mỹ tuyên bố cuộc không kích là đòn giáng mạnh vào khả năng lên kế hoạch và tổ chức tấn công của IS trên quy mô toàn cầu, khi Agal được coi là một trong 5 lãnh đạo đứng đầu của IS tại Iraq và Syria.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố cuộc tấn công “thể hiện Mỹ không cần hàng nghìn binh sĩ trong nhiệm vụ chiến đấu để nhận diện và tiêu diệt các mối đe dọa với đất nước chúng ta”.
Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi
Trước đó, vào tháng 2, Tổng thống Biden tuyên bố lực lượng đặc nhiệm nước này đã tiêu diệt Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi, người đứng đầu IS, cũng tại Tây Bắc Syria.
Khác với các cuộc tấn công không gây hại cho dân thường nhằm vào Zawahiri hay Agal, cuộc tập kích nhằm vào Qurayshi khiến 13 người thiệt mạng, bao gồm 6 trẻ em và 4 phụ nữ, theo các nguồn tin địa phương. Ông Biden tuyên bố không ghi nhận thương vong về phía Mỹ.
Các nhân chứng sống gần hiện trường cho biết mục tiêu là một căn nhà hai tầng ở tỉnh Idlib do lực lượng chống chính phủ Syria kiểm soát. Họ cũng nghe thấy tiếng súng và tiếng trực thăng. Khi bị vây hãm, Qurayshi đã kích nổ một quả bom khiến ông và các thành viên trong gia đình thiệt mạng.
Theo các quan chức tại Washington, Mỹ đã chuẩn bị nhiều tháng cho vụ tấn công vì lo ngại IS có thể gia tăng hoạt động trong khu vực.
Abu Bakr al-Baghdadi
Tháng 10/2019, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump thông báo Abu Bakr al-Baghdadi, người tiền nhiệm của Qurayshi, đã thiệt mạng trong một chiến dịch quân sự của Mỹ tại Syria.
Baghdadi là lãnh đạo của IS trong thời kỳ cực thịnh, khi tổ chức khủng bố này kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn tại Iraq và Syria, gây ra nhiều vụ khủng bố trên khắp thế giới.
Trong chiến dịch đêm 26/10/2019, các trực thăng đưa một đội đặc nhiệm Mỹ xuống Tây Bắc Syria để tấn công một khu nhà. Baghdadi được cho đã rút lui tới một căn hầm cụt, trước khi kích nổ áo gài bom tự sát, khiến ông và ba người con thiệt mạng.
Trước đó, cơ quan tình báo Mỹ đã lần theo dấu vết của Baghdadi tới tỉnh Idlib, nơi nhiều nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan hoành hành.
Hai binh sĩ Mỹ bị thương trong vụ việc, trong khi một số phiến quân cũng thiệt mạng - bao gồm hai người vợ của Baghdadi mang áo chứa chất nổ.
Hamza bin Laden
Hamza bin Laden, một trong những con trai của Osama bin Laden và được coi là “ngôi sao đang lên” trong mạng lưới khủng bố, bị các binh sĩ Mỹ tiêu diệt trong một chiến dịch chống khủng bố ở khu vực Afghanistan - Pakistan, ông Trump tuyên bố tháng 9/2019.
Ông Trump không công bố thêm thông tin chi tiết. Một số báo cáo sơ bộ cho thấy Hamza đã chết trước đó một thời gian.
Hamza “chịu trách nhiệm lên kế hoạch và đàm phán với nhiều nhóm khủng bố khác nhau”, ông Trump tuyên bố. Dù vậy, bất chấp nhận định của vị cựu tổng thống rằng Hamza “là người kế vị Al Qaeda”, một số nhà phân tích đặt câu hỏi về vai trò của nhân vật này trong tổ chức.
Osama bin Laden
Khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức năm 2009, ông chỉ đạo Giám đốc CIA Leon Panetta coi tiêu diệt hoặc bắt giữ trùm khủng bố Osama bin Laden - người đứng sau vụ tấn công 11/9 khét tiếng - là ưu tiên hàng đầu.
Tới ngày 1/5/2011, từ Phòng Tình huống trong Nhà Trắng, ông Obama và các quan chức cấp cao theo dõi binh sĩ đặc nhiệm Mỹ bay từ Afghanistan tới Pakistan để đột kích nơi ở của bin Laden. Họ tiêu diệt thành công trùm khủng bố, mang thi thể của bin Laden cùng một số giấy tờ, vật dụng khác đi.
Một vài ngày sau đó, Al Qaeda xác nhận cái chết của bin Laden và thề sẽ trả thù.
Phát biểu trước công chúng sau chiến dịch, ông Obama gọi đây là “thành tựu đáng kể nhất đến nay của đất nước chúng ta trong nỗ lực đánh bại Al Qaeda” và tuyên bố thế giới “đã là một nơi tốt đẹp hơn nhờ cái chết của Osama bin Laden”.
Abu Musab al-Zarqawi
Thủ lĩnh Al Qaeda tại Iraq Abu Musab al-Zarqawi bị tiêu diệt ngày 7/6/2006 trong vụ không kích nhằm vào ngôi nhà mà nhân vật này trú ngụ ở Bắc Baghdad. Các trang web có liên hệ với Al Qaeda nhanh chóng xác nhận cái chết của Zarqawi và gọi ông là người đã “tử vì đạo”.
Giới chức quân sự Mỹ cho biết sáu người thiệt mạng trong vụ tấn công, bao gồm một phụ nữ và một trẻ em.
“Cái chết của Zarqawi là đòn đánh mạnh với Al Qaeda”, Tổng thống Mỹ lúc đó George W. Bush phát biểu sau vụ không kích. “Đây là chiến thắng của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, và là cơ hội để chính quyền mới tại Iraq có thể đảo ngược tình hình trong cuộc đấu tranh này”.