Những thủ lĩnh sinh viên 'Gia sư áo xanh' lan tỏa tinh thần tình nguyện đến cộng đồng

Hàng trăm sinh viên tham gia chương trình 'Gia sư áo xanh' do Hội Sinh viên TP. HCM tổ chức đang lan tỏa tinh thần tình nguyện vì cộng đồng, trong đó phải kể đến các thủ lĩnh sinh viên ở các trường.

Nam sinh Bách Khoa bền bỉ với hành trình “gieo chữ”

Nguyễn Công Khiêm (năm thứ tưư, ngành Kỹ thuật Máy tính, trường ĐH Bách khoa ĐHQG TP. HCM) hiện đảm nhận vai trò đội trưởng điểm dạy phường An Phú (TP. HCM) trong chương trình 'Gia sư áo xanh' 2025. Khiêm mong muốn được trải nghiệm, đóng góp và sẻ chia nhiều hơn với cộng đồng nên chủ động tìm đến các chương trình tình nguyện.

Từ lần đầu tham gia, anh đã cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của 'Gia sư áo xanh' - nơi không chỉ mang lại tri thức cho các em học sinh mà còn trao cho tình nguyện viên những giá trị đẹp về sự cống hiến.

 Lễ ra mắt lớp học của Công Khiêm và các đồng đội. (Ảnh: NVCC)

Lễ ra mắt lớp học của Công Khiêm và các đồng đội. (Ảnh: NVCC)

Suốt 3 năm, Khiêm gắn bó bền bỉ với chương trình, bất kể là trong cao điểm chiến dịch Hè hay xuyên suốt năm học. “Điều giúp mình giữ được sự gắn bó lâu dài chính là tình cảm mà các em học sinh dành cho tụi mình. Những ánh mắt háo hức và câu chào đầu đầy năng lượng mỗi buổi học tiếp thêm cho mình động lực để quay lại mỗi mùa”, Công Khiêm chia sẻ.

Nhớ về buổi dạy đầu tiên trên hành trình đồng hành cùng 'Gia sư áo xanh', Công Khiêm đã vượt hơn một tiếng xe buýt trong trời mưa lớn để đến với lớp dạy. Anh bồi hồi kể: “Dù có mệt nhưng tất cả đều tan biến nhờ sự đón tiếp ấm áp của phụ huynh và các em nhỏ. Cũng từ đó, những lo lắng ban đầu của mình đã nhường chỗ cho niềm tin và sự gắn kết”.

 Thầy giáo trẻ Công Khiêm ân cần chỉ dạy cho học sinh của lớp 'Gia sư áo xanh'. (Ảnh: NVCC)

Thầy giáo trẻ Công Khiêm ân cần chỉ dạy cho học sinh của lớp 'Gia sư áo xanh'. (Ảnh: NVCC)

Trong quá trình đứng lớp, Công Khiêm nhận ra, chính mình cũng học được nhiều điều từ các em học sinh, từ sự kiên nhẫn, ân cần đến khả năng lắng nghe và thấu hiểu. Anh dần rèn luyện kỹ năng giao tiếp, quản lý lớp học và xử lý tình huống, những hành trang quý giá cho học tập và nghề nghiệp sau này.

Nữ sinh Sư phạm nhiệt huyết

Lê Mai Quỳnh Như (ngành Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm TP. HCM) hiện là đội trưởng điểm dạy tại khu lưu trú văn hóa số 51 (huyện Bình Chánh cũ) trong chương trình 'Gia sư áo xanh' 2025. Gắn bó với chương trình từ khi học năm thứ nhất, Như đã có hai mùa Hè liên tiếp đồng hành cùng các em nhỏ tại khu lưu trú số 51.

Là người yêu trẻ em và thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện, Quỳnh Như đã nhanh chóng tìm thấy sự đồng điệu khi biết đến chương trình 'Gia sư áo xanh' vào năm 2024. “Ngay lần đầu đọc thông tin tuyển tình nguyện viên, mình cảm thấy chương trình rất ý nghĩa và phù hợp với mong muốn được đóng góp của mình”, Như chia sẻ.

 Cô giáo Quỳnh Như đang giảng bài cho các em học sinh. (Ảnh: Huỳnh Anh)

Cô giáo Quỳnh Như đang giảng bài cho các em học sinh. (Ảnh: Huỳnh Anh)

Đồng hành với chương trình từ vai trò tình nguyện viên đến đội trưởng điểm dạy, trở lại điểm dạy cũ, Quỳnh Như tiếp tục hành trình gieo chữ giữa khu lưu trú công nhân. Khác với năm đầu, mùa Hè năm nay tại điểm dạy tại khu lưu trú 51 đã có nhiều đổi thay tích cực. Lớp học đón khoảng 25 em, cơ sở vật chất được cải thiện với nhiều bàn ghế hơn.

“Tụi mình tổ chức lớp học từ 9h đến 11h thay vì theo khung 8h - 11h30 như đề xuất chung, vì đa số các bé còn nhỏ, khó tập trung quá lâu”, Như cho biết. Xen kẽ giữa các buổi học là hoạt động vui chơi, ca hát hoặc sinh hoạt chuyên đề và kỹ năng, giúp các em vừa ôn tập kiến thức, vừa có một mùa Hè thật sự đáng nhớ.

Một trong những kỷ niệm khiến Quỳnh Như xúc động nhất là khoảnh khắc gặp lại một học sinh cũ: “Có cô bé lớp Hai năm ngoái rất quý mình, từng khóc vì nghĩ không còn gặp lại. Năm nay, thấy mình quay lại, bé chạy tới ôm chặt. Mình bất ngờ và cảm thấy rất ấm lòng”.

 Các em học sinh chăm chú trong giờ học tại lớp học Khu lưu trú 51. (Ảnh: Huỳnh Anh)

Các em học sinh chăm chú trong giờ học tại lớp học Khu lưu trú 51. (Ảnh: Huỳnh Anh)

Với nền tảng chuyên ngành Sư phạm, việc đứng lớp giúp Như vận dụng các kiến thức được học vào thực tế, từ quản lý lớp, tổ chức hoạt động, đến quan sát tâm lý các em học sinh. Tuy nhiên, môi trường dạy học tại khu lưu trú cũng đặt ra nhiều thử thách khác biệt. Các em có độ tuổi và trình độ không đồng đều, đòi hỏi sự linh hoạt, thấu hiểu và đặc biệt là sự kiên nhẫn từ người dạy.

Dù từng gặp khó khăn trong việc cân đối thời gian học tập và tình nguyện, cô vẫn luôn nỗ lực hoàn thành tốt cả hai vai trò. “Khó khăn lớn nhất là tự sắp xếp lịch trình của mình sao cho phù hợp. Nhưng khi mình thật sự yêu thích, mình sẽ tìm được cách”, Như nói.

Với Quỳnh Như, đây không chỉ là một chương trình tình nguyện mà còn là hành trình giúp cô xác tín rõ hơn về con đường sự nghiệp mà mình đang theo đuổi: “Mỗi lần đứng lớp, mình thấy càng thêm yêu nghề. Chính 'Gia sư áo xanh' đã nuôi dưỡng lòng yêu trẻ, yêu nghề trong mình”.

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nhung-thu-linh-sinh-vien-gia-su-ao-xanh-lan-toa-tinh-than-tinh-nguyen-den-cong-dong-post1763608.tpo