Những thú vị trong xét công nhận GS, PGS ngành Toán

Trong lịch sử xét công nhận Giáo sư, Phó giáo sư, ngành Toán có nhiều bất ngờ, thú vị.

Xét công nhận Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) năm 2021, ngành Toán đã mang đến một bất ngờ khi có tới trên 50% ứng viên bị loại ở vòng xét duyệt của Hội đồng ngành.

Chỉ có 2 giáo sư nữ

Theo GS. TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Toán, trước năm 1980 (là năm đầu tiên Chính phủ chính thức ban hành quyết định công nhận chức danh GS, PGS cho các cán bộ làm công tác giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học), có tất cả 29 nhà khoa học Việt Nam được công nhận chức vụ GS. Trong số đó, ngành Toán học có hai người là GS Tạ Quang Bửu và GS Lê Văn Thiêm.

Từ trước tới nay, tổng cộng đã có 91 người được công nhận GS về Toán, trong đó có 4 GS được công nhận đặc cách. Đó là các GS Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm (trước 1980), Ngô Bảo Châu (năm 2005), và Vũ Hà Văn (năm 2009).

Ngay từ những đợt xét công nhận đầu tiên, một số nhà toán học còn tương đối trẻ, nhưng có những công bố xuất sắc cũng được công nhận như các GS Nguyễn Hữu Anh (39 tuổi), Phạm Hữu Sách (44 tuổi). Càng về sau thì trọng số về công bố quốc tế càng được nhấn mạnh.

Trong 87 GS được xét công nhận, ngoài 6 người được công nhận tại đợt 1 không qua PGS, thì chỉ có 9 GS được phong thẳng. Đó là các GS: Nguyễn Hữu Anh, Nguyễn Xuân Lộc, Nguyễn Đình Ngọc (năm 1984), Đinh Dũng, Nguyễn Văn Khuê, Đào Trọng Thi, Trần Đức Vân (1991), Trần Văn Nhung, Nguyễn Văn Thu (1992).

Đặc biệt, trong ngành Toán, mới chỉ có 2 nữ GS được công nhận là GS Hoàng Xuân Sính (47 tuổi, năm 1980) và GS Lê Thị Thanh Nhàn (45 tuổi, năm 2015).

Về tuổi khi được công nhận, tuổi bình quân của 87 GS Toán là 51,7. Người trẻ nhất là GS Phạm Hoàng Hiệp (35 tuổi, năm 2017), có lẽ là GS trẻ nhất ở trong nước trong 40 năm qua. Tiếp theo là GS Nguyễn Quang Diệu (37 tuổi, năm 2011), GS Ngô Việt Trung (38 tuổi, năm 1991) và GS Sĩ Đức Quang (38 tuổi, năm 2019). Người cao tuổi nhất là GS Đỗ Văn Lưu (75 tuổi, năm 2019).

Trong số này có 41 GS hoặc đã trên 70 tuổi, hoặc trên 60 tuổi và đã về hưu, không còn công tác. Như vậy, chỉ còn 35 GS chưa quá 70 tuổi và còn làm việc (kể cả ngoài công lập). Tuổi bình quân của các GS này là 61 tuổi, và chỉ có 11 GS dưới 60 tuổi. Đây là một con số quá ít cho một nền ĐH và một ngành nghiên cứu cơ bản như Toán học trong thời đại cách mạng 4.0.

Theo MathSciNet, nếu tính tổng số bài quốc tế đã đăng trong toàn bộ sự nghiệp cho đến thời điểm này, thì trong 35 GS còn đang làm việc của ngành Toán, người có nhiều công trình nhất là 142 bài, còn người ít nhất là 25 bài. Tính bình quân, mỗi GS công bố 63,6 bài.

Theo MathSciNet, người có tỷ số thấp nhất là 0,85 bài/năm (GS này đã được công nhận 13 năm), còn người có tỷ số cao nhất là 9 bài/năm (GS này mới được công nhận 1 năm), người có tỷ số cao thứ nhì là 5,61 bài/năm.

Tính theo cơ quan công tác tại thời điểm được công nhận, GS Lê Tuấn Hoa cho hay có tất cả 15 cơ quan có GS được công nhận. Trong số đó, Viện Toán học chiếm tỷ lệ cao nhất là 30 GS. Những năm gần đây, số GS được công nhận tại các trường đại học càng ngày càng nhiều.

Từ PGS lên GS trung bình mất 8,5 năm

Về đội ngũ PGS, GS Lê Tuấn Hoa tính chung, đến đầu năm 2021, có tất cả có 297 người có chức danh này nhưng không là GS.

Theo ông suy đoán, Việt Nam ta có khoảng 1200 tiến sĩ toán học. Như vậy, khoảng 8% được công nhận chức danh GS và khoảng 30% được công nhận chức danh PGS. Đây là một con số khá cao nếu so với các nước. Có thể giải thích là ở nước ta, tỷ lệ người có bằng tiến sĩ không theo con đường khoa học là khá ít nếu so với các nước công nghiệp.

"Thế nhưng, nếu làm thống kê về tỷ lệ số người có học hàm so với tổng số tiến sĩ (hay thậm chí toàn bộ giảng viên) Toán tại các trường đại học của Việt Nam thì tỷ lệ chắc chắn thấp hơn nhiều so với các nước tiên tiến trên thế giới", GS Lê Tuấn Hoa chia sẻ.

Lý do là giảng viên Toán ở các nước như Châu Âu hay Mỹ, những nơi có hệ thống học hàm 2 cấp PGS – GS, thì sau một số ít năm làm việc muốn có biên chế cố định, thường phải có chức danh PGS trở lên. Ông cũng lưu ý một số nước như Đức hay Pháp không có chức danh PGS, mà chỉ có chức danh GS (nhưng được chia thành một số mức – mà một số người khi.

Người trẻ nhất khi được công nhận là PGS Phạm Hoàng Hiệp, 29 tuổi vào năm 2011. Tiếp theo là các PGS Lê Anh Vinh (30 tuổi, năm 2013), Ngô Việt Trung (31 tuổi, năm 1984) và Lý Kim Hà (31 tuổi, năm 2019). Không có gì lạ khi ba người đầu sau đó cũng nhanh chóng trở thành GS, ở các độ tuổi tương ứng là: 35, 37, 38. Người già nhất khi được công nhận chức danh PGS có tuổi là 62. Như vậy, khi bắt đầu được công nhận, các PGS dàn trải ở 34 độ tuổi, và tập trung nhất trong khoảng 36 - 55 tuổi. Độ tuổi chín nhất là 46 - 50.

Trong số các nhà Toán học có học hàm từ PGS trở lên, có 106 người (kể cả nam lẫn nữ) không quá 60 tuổi. Tuyệt đại đa số trong số đó đang trực tiếp giảng dạy đại học (kể cả những người làm việc ở các viện nghiên cứu). Con số này là quá ít ỏi so với hệ thống trường đại học ở Việt Nam và hoàn toàn trái ngược (ít nhất là trong ngành Toán) với nhận định thuần túy cảm tính một số người là Việt Nam lạm phát PGS, GS!

Về quá trình phấn đấu, GS Lê Tuấn Hoa cho biết trong ngành Toán người nhanh nhất cần 3 năm sau khi bảo vệ tiến sĩ thì được công nhận chức danh PGS (6 người), và người chờ đợi lâu nhất cần tới 27 năm (1 người). Trung bình, cần 10,5 năm sau khi bảo vệ tiến sĩ mới được công nhận chức danh PGS.

Đối với việc phấn đấu từ PGS lên GS, tính đến thời điểm hiện tại, thời gian “thăng tiến” kỷ lục là 4 năm; lâu nhất là 28 năm (1 người). Thời gian trung bình là 8,5 năm.

GS Lê Tuấn Hoa cho biết qua thống kê, số người được công nhận chức danh GS trong ngành Toán có chiều hướng giảm. Có nguyên nhân do yêu cầu của ngành, nhưng quan trọng hơn là sau năm 1986, với những biến động khác nhau trong xã hội và trên thế giới, đã có một thời gian dài thiếu hụt khá trầm trọng đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu về Toán; tạo nên một khoảng trống khá nghiêm trọng.

Rất may trong thời gian 10 năm trở lại đây, với sự ra đời và hỗ trợ đáng kể của Quỹ Nafosted, sự tài trợ của Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 - 2020 mà trọng tâm là sự ra đời và hoạt động của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, tình hình đã được cải thiện đáng kể.

"Tuy nhiên, phải có thêm thời gian để đội ngũ cán bộ trẻ phát triển tiếp, tích lũy đủ thành tích để đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của chức danh GS", GS Lê Tuấn Hoa nhận định.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-thu-vi-trong-xet-cong-nhan-gs-pgs-nganh-toan-post1424072.tpo