Những thửa lúa đồi cuối cùng ở Lộc Bắc

Từ gần 300 ha lúa rộng mênh mông, len lỏi khắp các quả đồi, triền núi những năm 1992-2000, tới giờ Lộc Bắc chỉ còn vỏn vẹn 4-5 sào lúa đồi.

Bà Ka Dít bên thửa lúa cao ngang đầu người, là người hiếm hoi còn trồng lúa đồi tại Lộc Bắc. Ảnh: C.Phong

Bà Ka Dít bên thửa lúa cao ngang đầu người, là người hiếm hoi còn trồng lúa đồi tại Lộc Bắc. Ảnh: C.Phong

Dẫn chúng tôi đi thăm mảnh lúa đồi cuối cùng của người dân tại buôn Bơ Đăng, ông K’Tư - Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm không dưới 2 lần tặc lưỡi, chia sẻ: “Hơn chục năm trở lại đây, bà con không còn mặn mà với cây lúa đồi nữa rồi. Việc diện tích lúa đồi teo tóp cũng đồng nghĩa văn hóa truyền thống với Lễ mừng lúa mới độc đáo của người Châu Mạ đang đứng trước nguy cơ mai một dần. Đây là điều đáng tiếc và xót xa nhưng không có cách nào khác”.

Theo vị Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc, hiện cả xã có 1.242 hộ thì riêng đồng bào dân tộc thiểu số Châu Mạ chiếm 72,46%. Thời “hoàng kim”, thập niên 1990 người dân khai hoang đất rừng, tận dụng diện tích đồi trọc, đất trồng rừng kinh tế theo Đề án 30a về giảm nghèo nhanh, bền vững để canh tác nên diện tích lúa đồi rộng bạt ngàn. Tại Lộc Bắc, hộ trồng ít thì 2-3 sào, còn nhiều trồng cả hecta lúa đồi nên tính ra bình quân những năm đó diện tích lên tới gần 300 ha/năm.

Vậy nhưng, tới đầu tháng 10/2019, trên địa bàn cả xã theo thống kê chỉ còn bà Ka Dít (62 tuổi, buôn Bơ Đăng, Thôn 2, xã Lộc Bắc) đang trồng 3 sào lúa đồi. Một số hộ dân trồng lẻ tẻ tại các khu đồi xa xôi giáp Thủy điện Đồng Nai 5 nhưng diện tích không đáng kể. Theo bà Ka Dít, hơn 40 năm qua, năm nào bà và gia đình cũng trồng cả ha lúa, dành để ăn chủ yếu trong gia đình cả năm. Tới năm 2017 và 2018, bà không trồng lúa đồi và trồng lại 3 sào vào năm nay nhưng đang có ý định bỏ trồng lúa đồi vì năng suất ngày một thấp.

“Tôi đã trồng cây chè hạt cao khoảng 20 cm xen canh với lúa nên hết năm nay, tới năm sau có thể là năm cuối tôi trồng thêm một vụ lúa đồi nữa” - bà Ka Dít nói với chúng tôi trong căn chòi lá dựng giữa ruộng lúa cao ngang đầu người đang trổ bông. Là một trong vài thửa lúa cuối cùng còn sót lại, bà bảo khi lúa chín vào tháng 11 này, theo tập tục truyền thống gia đình vẫn sẽ tổ chức Lễ Mừng lúa mới (Nhô Rơhe). Đây là nghi thức cuối cùng trong các nghi thức nông nghiệp nương rẫy của các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng nói chung và của người Châu Mạ nói riêng. “Nếu không còn trồng lúa đồi nữa, tập tục này cũng sẽ dần biến mất. Lũ trẻ ở đây sẽ không biết được lễ hội này của người Mạ trong tương lai”- bà Ka Dít bùi ngùi nói.

Lúa đồi là loại cây lương thực gắn với phong tục văn hóa của bà con dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở các xã Lộc Bắc của huyện Bảo Lâm. Lúa trồng một vụ trong năm, thời gian sinh trưởng của lúa khoảng 6 tháng. Lúa trồng tự nhiên 100%, không dùng thuốc, phân bón, hiếm khi bị nhiễm các loại dịch bệnh và không bị thoái hóa giống như các loại lúa khác nhưng năng suất khá thấp, chỉ đạt từ 120 - 150 kg thóc/1.000 m2.

Có hai nguyên nhân chính khiến diện tích sụt giảm nhanh chóng và người dân không mặn mà với cây lúa truyền thống. Theo ông K’Tư, trên thực tế cây chè, cà phê cho năng suất, thu nhập cao hơn hẳn trồng lúa đồi gấp 3-5 lần nên khi chính quyền có chủ trương khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng bà con đều đồng tình ủng hộ. Thời điểm diện tích lúa đồi còn lớn, người dân bảo nhau bỏ trồng, trong khi một số hộ chuyển đổi chậm bằng cách trồng chè hạt, cà phê xen canh. Tới khi cây lớn thì bỏ hẳn trồng lúa. Thứ hai là đặc tính sinh trưởng của giống lúa đồi chỉ thích hợp trồng 3-4 năm trên những nương rẫy mới sau đó năng suất giảm dần, cây phát triển chậm cũng là nguyên nhân diện tích lúa giảm mạnh.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lâm, cách đây không lâu Phòng Quản lý Di sản thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã hỗ trợ kinh phí giúp người dân phục dựng Lễ Mừng lúa mới truyền thống tại xã Lộc Bắc. Tuy nhiên, với thực tế giờ đây diện tích lúa đồi chỉ còn 3-5 sào và có thể không còn vào năm 2020 thì phong tục Lễ Mừng lúa mới độc đáo của người Châu Mạ có nguy cơ dần mất đi đang hiển hiện trước mắt.

C.PHONG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201910/nhung-thua-lua-doi-cuoi-cung-o-loc-bac-2969645/