Những thương binh giàu nghị lực
Sau chiến tranh, những thương binh, bệnh binh trở về đời thường với một phần cơ thể bị thương tổn, không ít người còn phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống. Trong hoàn cảnh ấy, bản lĩnh "Bộ đội Cụ Hồ" đã tạo cho họ động lực vươn lên, tích cực tham gia lao động sản xuất, công tác xã hội, đóng góp trí tuệ, công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
"Tàn nhưng không phế"
Năm 1970, thương binh Nguyễn Văn Chính, thôn Trại Mái, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo xuất ngũ trở về quê hương với thương tật hạng 1/4. Thời điểm đó, kinh tế gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ ở bàn tay tái phát khiến ông đau đớn, mệt mỏi. Nhưng rồi, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, vợ chồng ông lại động viên nhau cùng nỗ lực vượt qua khó khăn, nghèo đói.
Với ý chí, cùng sự quan tâm, động viên của gia đình, bạn bè, đồng đội, ông Chính cùng vợ tăng gia sản xuất; tận dụng lợi thế đất đai rộng rãi, ông bà tích cực trồng hoa màu, nuôi trâu, bò. Dần dần, kinh tế gia đình khấm khá hơn, ông bà lo được cho 2 người con ăn học, dựng vợ gả chồng, xây dựng cơ ngơi riêng.
Năm 2015, qua nhiều kênh thông tin, nhận thấy mô hình nuôi lợn rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu của người tiêu dùng lớn, ông Chính đã quyết định đầu tư phát triển mô hình kinh tế nuôi lợn rừng.
Lúc đầu, ông mua 2 nái lợn rừng về nuôi. Do nắm chắc kỹ thuật, phòng bệnh tốt, lại chăm chỉ tìm kiếm nguồn thức ăn như rau, cỏ cho lợn nên lứa lợn đầu tiên, mỗi nái đẻ được 9-10 con.
Ông Chính bán một số lợn giống, giữ lại một số lợn con nuôi bán lợn thịt thương phẩm và nuôi thêm một số lợn nái. Đến nay, đàn lợn của gia đình ông có khoảng 100 con các loại.
Ông Chính cho biết: "Lợn rừng dễ nuôi, giá cả ổn định, đầu ra thông thoáng, không chỉ thương lái trong tỉnh đến tìm mua mà thương lái ở các tỉnh khác như Hải Phòng, Hải Dương… cũng thường xuyên tới mua, có thời điểm không có lợn để bán".
Không chỉ nuôi lợn, ông Chính còn trồng 200 gốc na dai. Hằng năm, trừ chi phí, ông bà thu về từ 150-200 triệu đồng tiền lãi.
Thành quả từ nghị lực và quyết tâm
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1967, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Đức, tổ dân phố Đội Cấn, thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường khi đó đang là sinh viên sư phạm đã xung phong lên đường nhập ngũ và đóng quân tại Sư đoàn 305, thuộc Bộ Tư lệnh Đặc công.
Với nhiệm vụ của một trinh sát với bao khó khăn, nguy hiểm trên chiến trường, trong một lần làm nhiệm vụ, ông Đức bị thương nặng ở mắt. Năm 1985, ông ra quân và được công nhận là thương binh 2/4.
Mặc dù, những di chứng chiến tranh để lại khiến ông gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong cuộc sống đời thường, nhưng do thời gian ở trong quân ngũ lâu, ông được đào tạo thêm về điện máy nên khi trở về quê hương ông đã có một nghề để kiếm sống.
Từ năm 1985-1990, vận dụng nghề được học, ông làm thợ điện, thợ hàn và dần tích cóp được chút vốn liếng. Năm 1990, ông cùng 2 người bạn chung vốn thành lập Công ty TNHH Bắc Ninh hoạt động trong lĩnh vực điện lực, thiết kế, thi công công trình điện...
Công việc thuận lợi, thị trường rộng mở, khi tích lũy được kinh nghiệm trong việc điều hành, quản lý công ty, năm 1999, ông Đức đã tách ra thành lập công ty riêng lấy tên Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư điện lực Vĩnh Phúc.
Ngành nghề kinh doanh của công ty chủ yếu là thiết kế công trình điện, xây dựng đường dây và trạm biến áp đến 35 KV, kinh doanh mua bán điện năng…
Hiện nay, công ty tạo việc làm cho 13 người, với mức lương 7-8 triệu đồng/người/tháng, khi có nhiều công trình sẽ thuê thêm công nhân thời vụ với mức thu nhập 1 triệu đồng/ngày/người.
Mỗi năm, Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư điện lực Vĩnh Phúc nhận được 10-12 công trình, không chỉ các công trình trong tỉnh mà còn ở các tỉnh khác như Thanh Hóa, Hòa Bình…đạt doanh thu từ 30-40 tỷ đồng/ năm.
Ông Đức cho biết: “Tôi thành lập công ty không chỉ mong muốn làm giàu cho bản thân, gia đình mà hơn hết, tôi muốn giúp đỡ con em của các CCB có việc làm ổn định. Hiện tại, có khoảng 20-30% nhân viên của công ty là con em CCB”.
Không những làm kinh tế giỏi, nhiều thương binh, bệnh binh còn tích cực tham gia công tác xã hội, luôn giúp đỡ đồng đội, bà con lối xóm về vốn, kỹ thuật để phát triển sản xuất.
Hằng năm, nhiều thương binh, bệnh binh tham gia ủng hộ các hoạt động từ thiện xã hội như hỗ trợ người nghèo, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam, đóng góp xây dựng các loại quỹ như Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ khuyến học…
Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều CCB tích cực hiến đất, góp tiền, góp sức xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng thiết chế văn hóa.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/64606/nhung-thuong-binh-giau-nghi-luc.html