Những thương hiệu huyền thoại của Hà Nội: Habeco, Rạng Đông vươn mình mạnh mẽ
Ra đời từ rất lâu, nhiều thương hiệu đã trở thành huyền thoại ở Hà Nội. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh một mẽ, không ít sản phẩm đã thu hẹp thị phần. Dù vậy, vẫn có những tên tuổi như Habeco, Rạng Đông vẫn vươn mình mạnh mẽ.
Trước khi nền kinh tế mở cửa, Hà Nội đã có nhiều thương hiệu hoạt động và sớm trở thành huyền thoại.
Đó là bia Hà Nội (Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội – Habeco), bóng đèn, phích nước Rạng Đông (Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông), xe đạp Thống Nhất (Công ty cổ phần Thống Nhất Hà Nội), giày Thượng Đình (Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình), quạt Điện cơ Thống Nhất (Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất - Vinawind), vang Thăng Long (Công ty Cổ phần Vang Thăng Long), pin Con Thỏ (Công ty cổ phần Pin Hà Nội), diêm Thống Nhất (Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất), kem Tràng Tiền (Công ty cổ phần Kem Tràng Tiền), kem Thủy Tạ (Công ty cổ phần Thủy Tạ),…
Vươn mình mạnh mẽ
Habeco và Rạng Đông là hai thương hiệu lừng lẫy nhất ở Hà Nội. Từ những năm bao cấp, người dân thủ đô đã vô cùng quen thuộc với hai thương hiệu này. Đã có thời không chỉ Hà Nội mà nhiều tỉnh thành miền Bắc có thói quen sử dụng bia Hà Nội và bóng đèn, phích nước của Rạng Đông. Dường như, đây là những “sản phẩm quốc dân” rất được lòng người tiêu dùng.
Sau khi nền kinh tế mở cửa, các đối thủ cạnh tranh từ trong và ngoài nước đồng loạt “đổ bộ” vào thủ đô nhưng không vì thế mà Habeco và Rạng Đông lụi tàn. Dù thị phần bị chia sẻ, cả Habeco và Rạng Đông đều cùng nhau tăng trưởng vượt bậc.
Habeco có trụ sở chính tại 183 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội được thành lập ngày 16 tháng 5 năm 2003 theo Quyết định số 75/2003/QĐ – BCN của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương).
Sau những cạnh tranh khốc liệt đến từ Sabeco, Heineken, Carlsberg, Tiger,… Habeco đã vượt qua mốc tài sản trăm triệu USD từ rất lâu. Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Habeco lên tới 7.233 tỷ đồng (khoảng 290 triệu USD).
Tình hình tài chính của Habeco cũng rất khả quan. Năm 2022, Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Habeco đạt 8.525 tỷ đồng, tăng đáng kể so với 7.053 tỷ đồng của năm 2021. Nhờ đó, Lợi nhuận sau thuế công ty tăng mạnh từ 324 tỷ đồng lên 503 tỷ đồng.
Trong khi đó, Rạng Đông cũng vươn mình mạnh mẽ. Từ bóng đèn và phích nước, Rạng Đông đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm tiết kiệm điện năng. Chính vì vậy, Rạng Đông thường được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Vì vậy, công ty ghi nhận mức tăng trưởng đều đặn. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2022 của Rạng Đông lên tới 6.928 tỷ đồng, nhờ đó công ty thu về 486 tỷ đồng Lợi nhuận sau thuế. Thị giá RAL của công ty thường xuyên trên 100.000 đồng/CP.
Thu hẹp thị phần, vẫn sống khỏe
Tuy nhiên, đáng tiếc ở chỗ, Habeco và Rạng Đông chỉ là những trường hợp hiếm hoi có thể vươn mình mạnh mẽ sau nhiều biến động của thời cuộc. Đa số các thương hiệu còn lại đều trở thành vang bóng một thời khi phải chịu cảnh thu hẹp thị phần. Dù vậy, các thương hiệu này vẫn không mất đi mà vẫn sống khỏe dù "nhường" sân chơi" cho đối thủ.
Xe đạp Thống Nhất, quạt Điện cơ Thống, pin Con Thỏ, diêm Thống Nhất, kem Tràng Tiền, kem Thủy Tạ,… là những thương hiệu vẫn vững vàng nhưng chỉ duy trì được thị phần nhỏ hẹp.
Cụ thể, đứng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của quạt rẻ tiền đến từ Trung Quốc và quạt cao cấp đến từ Âu Mỹ, Vinawind vẫn vươn tới con số doanh thu ngàn tỷ đồng.
Năm 2022, Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vinawind đạt 1.051 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 993 tỷ đồng. Thế nhưng, lãi ròng lại khá khiêm tốn khi chỉ đạt 94,7 tỷ đồng, giảm so với 104 tỷ đồng của năm 2021.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản Vinawind giảm từ 1.011 tỷ đồng xuống chỉ còn 917 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Diêm Thống Nhất, ngoài diêm, công ty còn cung cấp ra thị trường nhiều chủng loại bật lửa, và thùng – hộp carton. Trong nhiều năm gần đây, Diêm Thống Nhất cũng đạt doanh thu trăm tỷ nhưng đang có xu hướng đi lùi và lợi nhuận rất khiêm tốn.
Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2021 của Diêm Thống Nhất đạt 129 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 146 tỷ đồng của năm 2020. Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ nhưng rất khiêm tốn, chỉ đạt 2 tỷ đồng.
Một trong những sản phẩm thân thuộc, không thể thiếu của thế hệ 7X và 8X đời đầu là pin Con Thỏ. Cho tới nay, dù pin Con Thỏ mất dần vị thế nhưng Công ty cổ phần Pin Hà Nội vẫn sống khỏe trong thị phần hẹp. Doanh thu và lợi nhuận của công ty vẫn khá ổn định.
Doanh thu năm 2022 của Pin Hà Nội đạt 474 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 377 tỷ đồng của năm 2021, Lợi nhuận sau thuế tăng từ 30,4 tỷ đồng lên 36,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, trước sự “tấn công” dồn dập của các thương hiệu kem Merino, Celano, kem Hàn Quốc, kem Italita và kem đến từ các chuỗi giá rẻ như Mixue, Toco Toco,… Kem Tràng Tiền đã chinh phục được cột mốc trăm tỷ đồng cho doanh thu trong năm 2019 và vẫn duy trì được cho đến gần đây.
Năm 2021, Kem Tràng Tiền đạt doanh thu 105 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 118 tỷ đồng của năm 2020. Lợi nhuận sau thuế vì vậy mà giảm từ 9,7 tỷ đồng xuống chỉ còn 6,9 tỷ đồng.