Những thương hiệu vang danh hơn nửa thế kỷ ở TP.HCM
'Mọi thành viên gia đình đồng tâm hợp lực xây dựng và giữ vững tâm niệm đối xử với thực khách như đối xử với người trong gia đình mình' - chủ một thương hiệu quán cơm gà 75 năm tuổi ở TP.HCM chia sẻ.
Hôm nay, 12-10, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM sẽ tổ chức lễ vinh danh DN phát triển bền vững, trong đó có một số thương hiệu đã gắn bó với TP.HCM trên 50 năm. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng các thương hiệu này vẫn phát triển bền vững.
Hơn 100 năm nước mắm vào bữa ăn
Bà Ngô Thị Hoàng Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy hải sản Liên Thành, tự hào kể 113 năm trước, hãng nước mắm Liên Thành khởi tạo tại Phan Thiết để hưởng ứng lời kêu gọi duy tân của chí sĩ Phan Châu Trinh. Sau đó, Liên Thành dời trụ sở chính vào Sài Gòn.
Hơn nửa thế kỷ qua, trải qua bao thăng trầm nhưng hương vị thuần túy của nước mắm Liên Thành vẫn được các thế hệ kế cận lưu giữ bí quyết, không thể thiếu trong từng bữa ăn hằng ngày của nhiều gia đình. “Bậc tiền nhân khai nghiệp đã lấy logo của công ty là hình con voi. Đó là biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, tấm lòng son sắt trước sau như một của dân tộc Việt Nam” - bà Mai nói.
Để gầy dựng, phát triển và chinh phục người tiêu dùng trong suốt hơn thế kỷ qua, bà Mai khiêm tốn bảo đấy là nhờ công sức chung tay của các bậc chí sĩ và doanh nhân đi trước. Thế hệ kế cận kế thừa và không ngừng học hỏi, nghiên cứu, cải tiến, tạo ra những sản phẩm bổ dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng đậm chất thuần Việt.
Đó là bộ sưu tập các loại nước mắm truyền thống cốt nhĩ tự nhiên làm từ cá cơm tươi, không sử dụng bất kỳ phụ gia nào, không có chất bảo quản, không màu thực phẩm, không hương tổng hợp, an toàn và bổ dưỡng cho người tiêu dùng. Rồi nước mắm chay được sản xuất từ cốt nước trái thơm (dứa) nguyên chất, giúp những người ăn chay không thường xuyên và những người ăn chay trường cảm thấy ngon miệng hơn.
“Chính điều này đã tạo ra sự khác biệt, định vị tên tuổi của sản phẩm nước mắm Liên Thành so với những nhãn hiệu khác trên thị trường hiện nay” - bà Mai quả quyết.
Tiệm cơm gà nổi tiếng ba thế hệ
Anh Hứa Tấn Vinh là thế hệ thứ ba đang điều hành tiệm cơm gà Đông Nguyên. Tiệm cơm gà này ban đầu khiêm tốn tọa lạc tại ngã tư Châu Văn Liêm - Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM. Thực khách ít biết rằng tiệm cơm gà nổi tiếng này mở từ năm 1945.
Anh Vinh kể lại ông bà ngoại anh quyết định mở quán, ban đầu với suy nghĩ đơn giản là để gia đình có cái ăn, nghĩa là dù bán không hết thì con cái cũng có cái để dằn bụng. Đến thế hệ thứ hai, mẹ anh là người sáng tạo bộ sưu tập canh tiềm phối hợp với các nguyên liệu tự nhiên và các vị thuốc Bắc, giúp cải thiện sức khỏe cho người dùng thông qua những món ăn hằng ngày.
Vậy là ngoài món chủ lực cơm gà, bộ sưu tập canh tiềm đã mang lại sự tinh túy, thăng hoa cho thương hiệu Đông Nguyên mà như lời mẹ anh truyền khẩu “hàng ăn cũng như mâm cơm gia đình”, nghĩa là người nhà có cảm nhận thơm ngon, sạch sẽ thì mới phục vụ thực khách.
“Với lời truyền khẩu ấy, hơn nửa thế kỷ qua, đại gia đình tôi phân công nhau mỗi người một việc để gầy dựng thương hiệu Cơm gà Đông Nguyên” - anh Hứa Tấn Vinh chia sẻ.
Hỏi anh bí quyết giúp thương hiệu Cơm gà Đông Nguyên vang xa, anh Vinh bật mí chẳng có bí quyết hay kinh nghiệm quản trị gì sâu xa cả. Đó chỉ là tấm lòng, sự chắt chiu hai thế hệ trước để lại và anh kế thừa để phục vụ thực khách chu đáo nhất. Thế hệ sau trân quý những giá trị chất lượng thế hệ trước để lại để đưa thương hiệu vang xa.
Anh bảo dù cha mẹ anh tuổi đã cao nhưng vẫn là linh hồn của quán ăn, là gương mặt đại diện, ngày ngày vẫn tự tay dọn bàn ghế, quan sát cung cách phục vụ. Sự hiện diện đó là bảo chứng cho sự bền vững của một giá trị thương hiệu chứ không nói lời hoa mỹ.
“Mọi thành viên gia đình đều đồng tâm hợp lực để xây dựng và cùng giữ vững tâm niệm đối xử với thực khách như đối xử với người trong gia đình mình” - anh Vinh giãi bày.
Tri thức, công nghệ giúp doanh nghiệp đi xa
Bánh mì, bánh ngọt Đại Phong nức tiếng miền Nam những năm 1950. Từ năm 1975 đến nay, công ty mở rộng kinh doanh bột mì. Tên tuổi, thương hiệu công ty lên tầm cao từ năm 1999 khi công ty chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Bột mì Đại Phong. Từ đó Đại Phong được đánh giá là một trong những công ty tư nhân về bột mì có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Nói về quy mô và đường hướng phát triển, bà Huỳnh Kim Chi, thế hệ thứ ba và hiện là giám đốc Công ty Bột mì Đại Phong, khái lược hiện đang sở hữu hai nhà máy xay xát bột mì công nghệ hiện đại với tổng sản lượng xay xát của các nhà máy khoảng 480 tấn lúa mỗi ngày, tương đương 123.000 tấn bột mì mỗi năm.
Vậy bí quyết gì để Đại Phong giữ hình ảnh và tên tuổi trên thương trường 56 năm nay, nữ giám đốc công ty trải lòng đó là không chỉ nắm bắt nhu cầu thị trường và mức tiêu thụ của người dân mà còn không ngừng cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến từ châu Âu, Mỹ… vào hoạt động sản xuất. Trong đó, vấn đề tiên quyết chính là đội ngũ nhân sự, cán bộ kỹ thuật có trình độ, tâm huyết với nghề đã giúp công ty nhanh chóng cập nhật làm chủ công nghệ mới hiện đại và xây dựng được niềm tin bền vững với khách hàng.
Về chiến lược quản trị và giữ chân nhân tài để vận hành công ty trong hơn nửa thế kỷ, bà Huỳnh Kim Chi chia sẻ: “Công ty tổ chức đào tạo, huấn luyện tại chỗ cán bộ, nhân viên trình độ, kiến thức quản lý hiện đại và thu hút, tuyển mộ nhân tài cùng hợp tác với công ty. Đầu tư phát triển con giống cung cấp cho nông dân, phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, công ty luôn tạo một môi trường làm việc thân thiện và có chế độ khuyến khích cán bộ lẫn nhân viên… nhằm phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo”.
Bảy doanh nghiệp phát triển hơn nửa thế kỷ
Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 15 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10-2004 __ 13-10-2019), Hiệp hội DN TP.HCM vừa công bố 147 sản phẩm, dịch vụ của 108 DN đạt danh hiệu “Sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu TP.HCM năm 2019”.
Hiệp hội DN TP.HCM cũng đã chọn được 57 DN phát triển bền vững trên 30 năm. Trong đó có bảy DN phát triển bền vững trên 50 năm, 19 DN phát triển bền vững từ 40 năm trở lên và 31 DN phát triển bền vững từ 30 năm trở lên.