Những tích cực trong chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh
Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, tạo sự thay đổi và phát triển mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng yếu của ngành giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn tiếp theo là thực hiện 'chuyển đổi số là khâu đột phá', giúp thay đổi căn bản phương thức quản lý, hiện đại hóa ngành trong thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải tại địa phương.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, ở mỗi giai đoạn, ngành Giao thông vận tải luôn được xác định là ngành “đi trước mở đường”, tiên phong trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao trọng trách. Một trong nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030, ngành Giao thông vận tải cả nước xác định sẽ thực hiện chương trình “chuyển đổi số” với mục tiêu: Tiên phong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số toàn diện để thực hiện các mục tiêu chiến lược, ứng dụng công nghệ số và sử dụng dữ liệu số một cách sâu rộng trong toàn bộ hoạt động quản lý của ngành để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, tiên tiến, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ nhân dân.
Triển khai nhiệm vụ tại Thái Nguyên, ngành Giao thông vận tải xác định 3 trụ cột chuyển đổi số của ngành Giao thông vận tải tại địa phương là: Xây dựng Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong đó, ngành sẽ tập trung vào nhiệm vụ xây dựng “Chính quyền số” bằng việc tăng cường và nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin và chữ ký số trong xử lý hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, hướng tới một công sở hạn chế tối đa hồ sơ in ấn bằng giấy phổ thông. Các hồ sơ, tài liệu được số hóa và lưu trữ dưới dạng điện tử. Đối với nhiệm vụ xây dựng “kinh tế số” sẽ được triển khai theo hướng chiến lược ngành thông qua hoạt động: Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý doanh nghiệp hoạt động vận tải, phương tiện và người điều khiển phương tiện. Các công tác như: Bảo trì, duy tu hệ thống cầu đường, đăng kiểm, đào tạo sát hạch, thu phí không dừng... sẽ từng bước được thực hiện số hóa, dữ liệu quản lý sẽ chuyển dần sang tự động, điện tử, làm tốt công tác xây dựng chính quyền số và kinh tế số, hướng tới sẵn sàng sẻ chia, kết nối thông tin với các ngành và địa phương để thực hiện nhiệm vụ xây dựng “xã hội số”.
Bên cạnh đó, việc phát triển Chính phủ số được Sở giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên xác định là nền tảng. Từ năm 2020, Sở đã triển khai đến 100% cán bộ xử lý công việc dưới dạng hồ sơ công việc điện tử, thao tác trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh và 100% hồ sơ công việc được thực hiện ký số từ khâu xây dựng văn bản, trình duyệt văn bản và ban hành văn bản được thực hiện tự động bằng bản điện tử.
Ngoài ra, Sở đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện một số báo cáo bằng phần mềm trực tuyến như: Báo cáo về công tác cải cách hành chính, Các báo cáo thống kê chuyên ngành với Bộ Giao thông vận tải, quản lý thi đua khen thưởng, thực hiện số hóa hồ sơ quản lý cán bộ công chức, viên chức. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư phòng họp trực tuyến phấn đấu ít nhất 50% cuộc họp với Trung ương và các Sở, ngành tại địa phương được thực hiện trực tuyến, rút ngắn 30 - 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử.
Đối với hoạt động cấp giấy phép lái xe đã được thực hiện ký số và số hóa thông tin qua mã hai chiều QR, có tác dụng để đọc, giải mã nhanh thông tin được in trên giấy phép lái xe và liên kết với hệ thống thông tin quản lý, giúp lực lượng chức năng xác nhận bằng lái có hợp lệ hay không cũng như tra cứu các thông tin người lái. Mục tiêu cơ bản ngành cần đạt được trong giai đoạn đến năm 2025, sẽ hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành giao thông vận tải trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành giao thông vận tải tới được người ra quyết định đầy đủ, kịp thời và chính xác. Cùng với đó, Sở tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho tổ chức và cá nhân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 do ngành cung cấp, rà soát các thủ tục hành chính do ngành cung cấp đảm bảo đến hết năm 2021, sẽ có trên 80% các dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 4, nâng cao tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức 3, mức 4 của ngành.
Về phát triển kinh tế số, với mục tiêu chung cả nước đến năm 2025, 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS), Sở giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đề xuất với Bộ giao thông vận tải về việc đầu tư hệ thống ITS trên cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên. Trong năm 2021, Sở giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên sẽ phối hợp với Viettel Thái Nguyên triển khai thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Thái Nguyên. Phối hợp với nhà đầu tư triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại Trạm thu phí BOT đường Thái Nguyên- Chợ Mới, tiến tới xóa bỏ các làn thu phí sử dụng tiền mặt…
Ngoài ra, Sở luôn đồng hành và hỗ trợ chuyển đổi số tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải để thay đổi phương thức cung cấp sản phẩm dịch vụ từ truyền thống sang phương thức số để quản lý toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp của ngành giao thông vận tải, để biết chất lượng của các nhà thầu, năng lực nhà thầu dựa trên dữ liệu điện tử thay vì đánh giá hồ sơ hiện tại để lựa chọn nhà thầu đủ năng lực. Ngoài ra, Sở tiếp tục xây dựng các nền tảng phát triển thu phí, giao thông thông minh, kiểm soát nhận dạng phương tiện, giám sát hành trình, quản lý khai thác tự động tại các bến xe trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, các giải pháp được ngành giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên đề ra là: Tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động trên môi trường số của các cơ quan, đơn vị đổi mới phương thức quản lý, ra quyết định được dẫn hướng bởi dữ liệu số. Trên cơ sở từng bước số hóa, tạo dựng nền cơ sở dữ liệu đủ lớn để kết nối và chia sẻ tới các ngành, lĩnh vực khác để góp phần xây dựng “xã hội số”, theo xu hướng phát triển của thời đại công nghệ chất lượng cao.
Để thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong giai đoạn tiếp theo, Sở giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên xác định trong giai đoạn “khởi động” sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp nền tảng cho chuyển đổi số giúp thay đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, từng bước khởi tạo và phát triển dữ liệu số, nền tảng số, quản lý thu phí thanh toán điện tử trong ngành giao thông vận tải, nhận diện, kiểm soát phương tiện tự động…trên nền tảng hướng tới phục vụ các cơ quan quản lý Nhà nước, người dân và doanh nghiệp ở mức độ cao nhất.