Những tiện ích của hóa đơn điện tử
Tiết kiệm thời gian, giảm thiểu các thủ tục hành chính, an toàn, bảo mật... là những tiện ích mà hóa đơn điện tử (HĐĐT) mang lại cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giấy. Theo quy định từ ngày 1-11-2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng HĐĐT.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sử dụng hóa đơn khi bán hàng, cung cấp dịch vụ, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, ngày 12-9-2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đã đưa ra lộ trình chuyển đổi từ việc sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang HĐĐT trong vòng 24 tháng. Theo đó, chậm nhất là ngày 1-11-2020, doanh nghiệp phải hoàn thành việc chuyển đổi sử dụng từ hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang HĐĐT.
Để hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định trên, ngày 30-9-2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2019/TT-BTC. Thông tư này hướng dẫn cụ thể nhiều nội dung đáng chú ý như: thời điểm lập HĐĐT, các trường hợp ngừng sử dụng HĐĐT, hướng dẫn xử lý HĐĐT khi có sai sót… giúp giải quyết nhiều vướng mắc trong việc thực hiện HĐĐT; đồng thời là căn cứ pháp luật quan trọng để đẩy nhanh việc triển khai và sử dụng HĐĐT.
Theo nhận định của ngành chuyên môn, áp dụng HĐĐT sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, việc sử dụng HĐĐT giúp doanh nghiệp có thể gửi trực tiếp cho khách hàng thông qua email, tin nhắn điện tử hay in trực tiếp cho khách hàng. Do vậy, doanh nghiệp tiết kiệm được đáng kể chi phí chuyển phát, đồng thời người mua cũng sẽ nhanh chóng nhận được hóa đơn mà không cần mất thời gian chờ đợi. Thêm vào đó, HĐĐT cũng giảm được các rủi ro do mất mát hóa đơn trong khâu vận chuyển, giao nhận đồng thời cũng giảm được các vụ việc tranh chấp, kiện tụng xảy ra do các lỗi thất lạc hoặc giao chậm trễ hóa đơn, tăng tính an toàn, bảo mật, tiện lợi cho doanh nghiệp trong kiểm tra truy xuất nguồn gốc hóa đơn, thông tin về đối tác bán hàng.
Ngược với HĐĐT, khi sử dụng hóa đơn giấy, doanh nghiệp phải in một số lượng dự trữ để dùng dần nên ngoài chi phí in ấn còn tốn thêm chi phí bảo quản hóa đơn giấy chưa sử dụng, mất thêm diện tích kho quỹ để lưu giữ hóa đơn giấy. Với HĐĐT, doanh nghiệp loại bỏ được các chi phí cho các công việc này.
HĐĐT được quản lý và bảo mật trên hệ thống phần mềm điện tử, khách hàng chỉ cần truy cập hệ thống online, các trang điện tử của doanh nghiệp bán hàng để trích xuất và lưu trữ hóa đơn trực tiếp ngay trên phần mềm. Đặc biệt, với quy định mới của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp có quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu của ngành thuế để tra cứu hóa đơn của đối tác trong các giao dịch thương mại, từ đó tránh được các rủi ro về hóa đơn.
Trưởng Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng) Nguyễn Việt Thống cho biết, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để nắm rõ quy định về việc sử dụng HĐĐT. Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, tổng số doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn giấy trên địa bàn tỉnh là 2.323 doanh nghiệp, tính đến hết quý I năm 2020 đã có 657 doanh nghiệp chuyển qua sử dụng HĐĐT. Đối với các tổ chức, có 459 tổ chức sử dụng hóa đơn giấy, đã có 183 tổ chức chuyển qua sử dụng HĐĐT.