Những tín hiệu chính trị tích cực mới tại Libya sau bao năm xung đột
Trong một động thái mới nhất, dưới sự dẫn dắt của Liên Hợp Quốc, 2 bên đối địch chính tại Libya đã thành lập được chính quyền chuyển tiếp, điều hành đất nước trước khi tổ chức bầu cử vào tháng 12 tới.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các điểm nóng tại Myanmar, Mỹ… đang thu hút sự chú ý của dư luận, những diễn biến chính trị mới tại Libya được cho là một luồng gió mới tại Trung Đông.
Sau nhiều năm xung đột, việc thành lập chính quyền chuyển tiếp chính là tín hiệu của hòa giải và đoàn kết chính trị ở Libya. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là việc thành lập một chính quyền chuyển tiếp mới ở Libya có đủ để đảm bảo cho tương lai chính trị ổn định, lâu dài ở quốc gia này?
Ý nghĩa việc Libya thành lập tân chính phủ chuyển tiếp mới với người dân Libya
Đây thực sự là một bước tiến quan trọng nhằm tiến tới ổn định cho Libya sau các thỏa thuận ngừng bắn toàn diện và thống nhất bầu cử vào cuối năm 2021. Việc các bên liên quan ở Libya thống nhất thành lập chính phủ lâm thời đã nhận được sự hoan nghênh của các nước Arab và quốc tế. Hy vọng rằng đây sẽ là một bước tiến tới sự ổn định và lạc quan để đạt được nguyện vọng của người dân Libya sau một thập kỷ chìm trong bạo loạn, xung đột và chiến tranh ác liệt.
Bên trong nội Libya, chính quyền mới đã nhận được sự hoan nghênh rộng rãi từ các quan chức trong chính quyền hiện tại với mong muốn để đưa Libya thoát khỏi khủng hoảng. Quân đội Libya cũng tuyên bố hoan nghênh việc thành lập chính phủ lâm thời và kết quả của Diễn đàn Đối thoại Chính trị Libya do LHQ bảo trợ. Quân đội Libya chúc mừng các cá nhân được bầu vào các vị trí quan trọng như ông Mohammad Younes Menfi được bầu làm người đứng đầu Hội đồng tổng thống và ông Abdul Hamid Mohammed Dbeibah làm thủ tướng. Người Libya hy vọng chính phủ lâm thời sẽ nỗ lực chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 24/12/2021 và xây dựng nhà nước Libya mới, một nhà nước của thể chế và luật pháp.
Động thái mới đã “đủ” để đảm bảo các bên tạo dựng đoàn kết và ổn định chính trị chưa?
Mỗi một bước tiến là một thành công mà các bên ở Libya đạt được. Tuy nhiên, để hòa giải dân tộc thành công thực sự còn nhiều thách thức và vướng mắc cần tháo gỡ từ những mâu thuẫn phe phái, sự can thiệp từ bên ngoài, các mối đe dọa khủng bố, cực đoan.v.v… Do đó, con đường đi tới hòa bình, ổn định ở Libya chắc chắn còn nhiều khó khăn.
Trước hết, Thủ tướng Mohammed Dbeibah phải thành lập nội các và trình bày chương trình hành động trong vòng ba tuần nếu không sẽ quay lại diễn đàn đối thoại. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, chính phủ lâm thời phải hoàn toàn ủng hộ việc ngừng bắn, giữ nguyên ngày bầu cử và khởi động một quá trình hòa giải dân tộc toàn diện. 10 tháng là thời gian có thể rất ngắn với một chính phủ lâm thời ở Libya để tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội đúng thời hạn. Tiếp đó, việc thống nhất thể chế quân đội cũng sẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất và có thể cần thời gian lâu hơn, mà Ủy ban Quân sự 5 + 5 đang cố gắng giải quyết dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Thứ ba là việc các phe phái sẽ cạnh tranh để nắm các vị trí quyền lực trong Quốc hội, chính phủ. Đây mới thực sự là vấn đề khó khăn nhất bởi nếu các bên không giành được các vị trí như mong muốn sẽ có sự chia rẽ và mâu thuẫn phát sinh. Thách thức trong giai đoạn tiếp theo là các nhóm vũ trang trên khắp đất nước vẫn chưa thể kiểm soát trong khi một số người Libya chỉ trích phương pháp lựa chọn cơ quan quyền lực mới mà thiếu vắng các tầng lớp chính trị mới trong nước, trong bối cảnh cuộc sống của người dân đang gặp nhiều khó khăn như khan hiếm thanh khoản, nhiên liệu và điện.
Tác động của diễn biến này đối với khu vực
Libya trong suốt nhiều năm qua là điểm nóng ở Trung Đông. Từ cuộc nội chiến, xung đột phe phái thành cuộc xung đột ủy nhiệm giữa các cước quốc và các quốc gia trong khu vực Trung Đông khi một bên ủng hộ lực lượng miền Đông, bên kia ủng hộ lực lượng miền Tây được Liên Hợp Quốc công nhận. Ngoài nguồn tài nguyên lớn về dầu mỏ, Libya còn có vị trí quan trọng và ảnh hưởng lớn ở khu vực mà nhiều nước quan tâm như nước láng giềng Ai Cập hay Síp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, các nước châu Âu, Mỹ cũng như các nước Trung Đông như Saudi Arabia, UAE hay Qatar v.v… Việc các bên ở Libya đạt được những tiến bộ mang tính lịch sử vừa qua là tín hiệu tích cực cho sự ổn định của chính nước này nhưng đó cũng là dấu hiệu cho thấy các bên liên quan đã nỗ lực và có tiếng nói chung trong giải quyết xung đột ở Libya. Như dư luận phân tích đó chính là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hai nước có sự can thiệp, ảnh hưởng lớn ở Libya đã đồng thuận và bật đèn xanh cho các nỗ lực hòa giải, hòa bình.
Trên bình diện khu vực, các nước Arab đều chúc mừng thành công của Libya. Điều đó cho thấy các bên đều đang nỗ lực cho sự ổn định, thống nhất ở Libya bởi nếu nước này bất ổn, khủng hoảng cũng tác động mạnh tới các quốc gia trong khu vực từ việc bùng phát các nhóm cực đoan, khủng bố tới làn sóng người tị nạn, bất đồng nội khối.v.v… Những diễn biến chính trị này cũng giúp khu vực tránh những leo thang xung đột ở biển Địa Trung Hải về tranh chấp dầu mỏ./.