Những tín hiệu chứng khoán bất thường báo hiệu thảm họa 11/9 ở Mỹ
Khi đồng hồ bắt đầu đếm ngược đến vụ khủng bố, các tín hiệu trên thị trường dồn dập xuất hiện như một cơn sóng thần.
Bình thường, tỉ lệ số người đặt cược một cổ phiếu sẽ giảm so với số người đặt cược nó sẽ tăng là 1:1. Vào ngày 6 và ngày 7 tháng 9, tỉ lệ này đối với cổ phiếu của United Airlines là 12:1. Ngày 8 và ngày 9 tháng 9 rơi vào cuối tuần, sàn giao dịch đóng cửa.
Phiên giao dịch cuối cùng trước khi xảy ra vụ tấn công là ngày 10 tháng 9 và trong ngày đó, tỉ lệ quyền chọn đặt cược cổ phiếu của American Airlines sẽ giảm so với tỉ lệ quyền chọn đặt cược nó sẽ tăng là 6:1.
Ngày 11 tháng 9 năm 2001, các máy bay của United Airlines và American Airlines đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc. Ngày giao dịch đầu tiên sau loạt vụ tấn công, cổ phiếu của United Airlines giảm 43%, cổ phiếu của American Airlines giảm 40% so với phiên giao dịch ngày 10 tháng 9. Hàng ngàn người Mỹ đã chết. Còn những tay giao dịch quyền chọn thì kiếm được hàng triệu đô-la.
Giao dịch một chiều, loại hình giao dịch trong đó quyền chọn giá lên nhiều hơn hẳn quyền chọn giá xuống đối với AMR và UAL ngay trước sự kiện 11/9, sẽ không phải là điều gì bất thường nếu có những thông tin tiêu cực về hai mã cổ phiếu này.
Nhưng trong những ngày đó, trên thị trường không có bất cứ thông tin gì liên quan đến ngành hàng không. Cổ phiếu của các hãng hàng không lớn khác như Southwest và US Airways không xuất hiện hiện tượng giao dịch giá xuống quy mô lớn như trường hợp xảy ra với American và United.
Tất cả những gì người ta thấy là làn sóng đặt cược một chiều cực kỳ lớn rằng giá cổ phiếu của American và United Airlines sẽ giảm trong bốn ngày giao dịch cuối cùng trước sự kiện 11/9.
Những người giao dịch dày dạn kinh nghiệm và những chương trình máy tính tinh vi đã nhận ra kiểu mẫu của hiện tượng này – đó chính là giao dịch nội gián dựa trên việc biết trước tin tức bất lợi. Chỉ có bọn khủng bố và mạng lưới xã hội của chúng mới biết rằng tin tức đó là cuộc tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Những số liệu nói trên không phải là chứng cứ duy nhất cho thấy mối liên hệ giữa vụ khủng bố và giao dịch nội gián dựa trên việc biết trước thông tin về nó. Vậy mà bất chấp những bằng chứng rõ ràng như vậy, Ủy ban 11/9 vẫn kết luận:
Những cuộc điều tra toàn diện được tiến hành bởi Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái, FBI cùng các cơ quan khác không phát hiện thấy bằng chứng nào về việc có bất kỳ ai thu lợi từ hoạt động giao dịch chứng khoán nhờ việc biết trước thông tin về các vụ tấn công.
Thứ ngôn ngữ được sử dụng trong Báo cáo của Ủy ban 11/9 chỉ là một mánh khóe của giới luật sư. Nói rằng các cơ quan không phát hiện bằng chứng nào không có nghĩa là không có bằng chứng, chỉ đơn giản là họ không tìm ra nó. Kết luận rằng không ai thu lợi không có nghĩa là giao dịch không diễn ra, chỉ đơn giản là người ta không thể xác định được khoản lợi nhuận từ đó.
Có lẽ thủ phạm đã không thu được chiến lợi phẩm, giống kiểu một tên cướp nhà băng đánh rơi bao tải tiền cướp được khi ngồi trên máy bay. Những kẻ khủng bố giao dịch nội gián có thể đã không biết rằng sàn giao dịch sẽ đóng cửa trong nhiều ngày sau vụ tấn công, khiến chúng không thể nào thực hiện giao dịch và thu lợi nhuận.
Mặc cho các nhà chức trách phủ nhận thế nào thì bằng chứng về mối liên hệ giữa khủng bố và giao dịch cổ phiếu vẫn được tìm thấy khi đào sâu hơn vào các vấn đề pháp lý và hiện tượng phóng đại tín hiệu trên thị trường chứng khoán.
Những giao dịch quyền chọn bất thường dựa trên việc biết trước về vụ 11/9 được giới học thuật nghiên cứu rất kỹ. Tài liệu này phần lớn được xuất bản sau khi Ủy ban 11/9 hoàn thành cuộc điều tra của họ, nhấn mạnh quan điểm rằng hoạt động giao dịch quyền chọn trước 11/9 dựa trên thông tin nội gián.