Những tín hiệu hòa giải yếu ớt trên bán đảo Triều Tiên

Mỹ đang tỏ ra rất kiên trì thúc đẩy nối lại đàm phán với Triều Tiên bất chấp thái độ lạnh nhạt của Bình Nhưỡng sau khi Washington nhiều lần bày tỏ sẵn sàng nối lại đàm phán Mỹ-Triều về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên... Tuy nhiên, triển vọng đàm phán được nối lại vẫn đang rất mờ mịt.

Triều Tiên một lần nữa vừa tuyên bố thẳng thừng không xem xét bất kỳ đề nghị đối thoại nào với Mỹ sau khi hết lần này đến lần khác Washington bày tỏ thiện chí nối lại đàm phán. Trong thông báo mới nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã từ chối lời đề nghị nối lại đàm phán hạt nhân của Mỹ, cho biết hiện Bình Nhưỡng chưa cân nhắc khả năng liên lạc với Washington.

Có lẽ hiếm khi người ta thấy sự sốt sắng của Washington như vậy trong vấn đề này khi đặc phái viên mới của Mỹ về Triều Tiên, ông Sung Kim khẳng định sẵn sàng gặp các quan chức Triều Tiên “mọi lúc, mọi nơi, không có điều kiện tiên quyết”. Dù Triều Tiên đáp trả lời đề nghị nhiệt tình của ông Sung Kim bằng “cái lắc đầu” cứng rắn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó vẫn tuyên bố nước này tiếp tục để ngỏ các biện pháp ngoại giao với Triều Tiên để giảm các nguy cơ từ Bình Nhưỡng và duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Lloyd Austin, cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục thông qua các biện pháp ngoại giao để duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

 Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Sung Kim. Ảnh: AP

Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Sung Kim. Ảnh: AP

Thông báo mới nhất của Bộ Ngoại giao Triều Tiên càng khiến triển vọng nối lại đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều Tiên trở nên không rõ ràng bất chấp những nỗ lực gần đây của Mỹ và đồng minh Hàn Quốc. Kể từ cuối tháng 4, Nhà Trắng đã nhiều lần phát tín hiệu mong muốn nối lại các cuộc đối thoại với Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này và Mỹ đã nhất trí xem xét chấm dứt Diễn đàn tham vấn về chính sách đối với Triều Tiên, vốn là nơi nhóm làm việc chung của Mỹ và Hàn Quốc trao đổi và thảo luận về các chính sách liên quan tới Bình Nhưỡng. Hàn Quốc cũng cho biết hai bên sẽ tăng cường hợp tác ở các cấp khác. Đây được xem là một động thái hòa giải nhằm thúc đẩy Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán. Được thành lập vào năm 2018 trong bối cảnh gia tăng cởi mở ngoại giao với Bình Nhưỡng, nhóm làm việc chung này có nhiệm vụ giúp Mỹ và Hàn Quốc phối hợp cách tiếp cận trong các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đã cáo buộc nhóm làm việc chung về Triều Tiên nói trên cản trở trao đổi, hợp tác liên Triều và kêu gọi giải thể nhóm này. Chính Seoul cũng có những lúc xem nhóm làm việc chung là một trở ngại đối với quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, nhóm làm việc trên theo lời Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim có thể không bị giải thể mà được “điều chỉnh lại”. Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng cho biết tham vấn và hợp tác với Hàn Quốc về chính sách đối với Triều Tiên sẽ vẫn tiếp tục.

Như vậy giữa Mỹ và Hàn Quốc có sự “vênh” nhau trong thông báo của mình liên quan tới số phận của nhóm công tác chung về Triều Tiên. Dường như Seoul hy vọng sẽ chính thức kết thúc hoạt động của nhóm trên trong bối cảnh cả hai đang tìm cách tạo động lực mới để nối lại đối thoại hạt nhân bị đình trệ, còn Washington thấy ít lý do cần phải làm như vậy.

Sự thiếu “đồng điệu” giữa Mỹ và Hàn Quốc trong vấn đề nói trên khiến số phận của nhóm làm việc chung cho đến nay là chưa rõ ràng. Điều quan trọng là cả hai đều đang thúc đẩy các nỗ lực chung để nối lại đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Hàn Quốc nhấn mạnh hai bên cần hợp tác để duy trì gắn kết các mục tiêu cải thiện quan hệ liên Triều với định hướng trong đối thoại Washington-Bình Nhưỡng.

Đàm phán Mỹ-Triều bị đình trệ hết lần này tới lần khác do các bên bất đồng về các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt đối với Bình Nhưỡng và những gì Triều Tiên nên từ bỏ để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Washington mặc dù bày tỏ thiện chí muốn đàm phán nhưng “chỉ nói mà không hành động” là chưa đủ. Bên cạnh những đề xuất đối thoại và bình luận “dọn đường” cho đàm phán, Washington vẫn thông báo gia hạn các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thêm một năm. Giới chuyên gia nhận định, chính quyền của Tổng thống Joe Biden dù theo đuổi giải pháp ngoại giao, nhưng cũng sẽ không nới lỏng trừng phạt trước khi Bình Nhưỡng có các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa.

Lời hứa hẹn “có cách tiếp cận thực tế, được hiệu chỉnh”, bao gồm nỗ lực ngoại giao của Nhà Trắng nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, vì thế cũng chỉ phát đi những tín hiệu hòa giải yếu ớt, khi không đáp ứng được các mong muốn thực sự của Bình Nhưỡng. Chừng nào vẫn còn những cáo buộc như Mỹ theo đuổi chính sách thù địch với Triều Tiên và các lệnh trừng phạt chưa được dỡ bỏ, việc nối lại đàm phán hạt nhân sẽ càng khó khăn, chưa dám nói tới những kết quả sẽ đạt được nhằm tháo ngòi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nhung-tin-hieu-hoa-giai-yeu-ot-tren-ban-dao-trieu-tien-663568