Những tín hiệu lạc quan thưởng Tết 2025

Năm 2024 sắp kết thúc, Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang tới gần, đây chính là thời điểm mà câu chuyện thưởng Tết được bàn tới. Theo dự báo của các chuyên gia và ghi nhận sơ bộ từ doanh nghiệp, do tình hình sản xuất kinh doanh năm nay tốt hơn và lương tối thiểu tăng, tiền thưởng Tết năm nay có thể sẽ cao hơn năm trước.

Doanh nghiệp nỗ lực để có thưởng Tết

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh năm 2024 có chuyển biến tốt, đặc biệt là với quan điểm chăm lo để giữ chân người lao động, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch thưởng Tết và thông báo cho người lao động yên tâm.

Ông Ngô Ngọc Vinh - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Quan tâm chăm lo cho người lao động là điều được Công ty đặc biệt chú trọng, trong đó có việc duy trì, đảm bảo tiền thường Tết hàng năm.

"Năm nay, chúng tôi dự kiến vẫn sẽ thưởng Tết cho người lao động từ 2 -2,5 tháng lương như năm ngoái. Cùng với đó, các hoạt động chăm lo Tết khác cho người lao động cũng sẽ tiếp tục được tổ chức, đảm bảo mọi người lao động đều có Tết ấm áp, đủ đầy”- ông Ngô Ngọc Vinh thông tin.

Thưởng Tết là mối quan tâm của người lao động.

Thưởng Tết là mối quan tâm của người lao động.

Năm nay, hoạt động của các doanh nghiệp Dệt may tốt hơn năm trước, với nhiều đơn hàng, công nhân làm việc tăng nên hứa hẹn tiền thưởng Tết Ất Tỵ sẽ cao hơn năm trước.

Thông tin về việc thưởng Tết năm 2025 cho người lao động, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Một thành viên sản xuất TMVA Nguyễn Tràng Huy cho hay: “Công ty có kế hoạch thưởng Tết cho mỗi người lao động 1 tháng lương, cao hơn năm trước khoảng 200 nghìn đồng/người, do thực hiện tăng lương tối thiểu vùng. Ngoài tiền thưởng Tết, công ty sẽ tặng mỗi người lao động một túi quà Tết. Công nhân có hoàn cảnh khó khăn sẽ được đề xuất để Công đoàn cấp trên hỗ trợ, và công nhân ở quê xa cũng sẽ được đề xuất Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội hỗ trợ xe ô tô đưa về quê đón Tết”.

Bà Hà Phương - chủ một doanh nghiệp dệt may trên địa bàn huyện Quốc Oai, Hà Nội cũng cho biết, năm 2024 là năm đầu tiên doanh nghiệp đi vào hoạt động. Mặc dù đơn hàng nhiều, nhưng đơn giá chưa cao và chủ yếu là đơn hàng nhỏ lẻ, kỹ thuật sản xuất thay đổi thường xuyên khiến người lao động có những bỡ ngỡ, năng suất chưa cao nên sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khá khó khăn.

“Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn sẽ thực hiện thưởng Tết cho người lao động và dự kiến mức thưởng sẽ từ 500 nghìn - 5 triệu đồng/người tùy vào thời gian làm việc của người lao động”- bà Hà Phương nói.

Cơ quan quản lý dự báo thưởng Tết sẽ tăng

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, từ đầu tháng 11/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề nghị các địa phương báo cáo tình hình tiền lương, kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025 của các doanh nghiệp đối với người lao động. Bộ LĐTBXH yêu cầu các sở LĐTBXH chủ động phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các tỉnh, Thành phố và cơ quan liên quan theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống công nhân trong doanh nghiệp.

Đồng thời, Sở LĐTBXH các tỉnh, Thành phố chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất khảo sát, nắm bắt tình hình tiền lương, nợ lương năm 2024; kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất, kinh doanh, tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025.

Tại Hà Nội, Sở LĐTBXH Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phối hợp, trao đổi với tổ chức Công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận

LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng có công văn gửi LĐLĐ các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trên địa bàn chỉ đạo một số nội dung liên quan tới việc giữ ổn định quan hệ lao động dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, LĐLĐ thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị rà soát, nắm danh sách các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, không đảm bảo tiền lương, thưởng Tết cho đoàn viên, người lao động; phối hợp với chính quyền địa phương sớm có các giải pháp cụ thể bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Thông tin với báo chí về dự báo thưởng Tết năm 2025, lãnh đạo Cục Quan hệ lao động và tiền lương - Bộ LĐTBXH cho rằng, việc doanh nghiệp thưởng tháng lương thứ 13 hoặc trả nhiều hơn là thỏa thuận riêng, không có quy định bắt buộc. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, thưởng Tết năm nay phổ biến là 1 tháng lương và tăng lên một chút so với năm trước, do tiền lương tăng khoảng 7 - 8% thì thưởng Tết cũng tăng quanh mức này, đồng thời do năm nay một số ngành sản xuất tốt, công nhân phải tăng ca, doanh nghiệp tăng thưởng Tết để ghi nhận sự đồng hành của người lao động với doanh nghiệp qua những khó khăn trong năm.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, các doanh nghiệp đều khẳng định có thưởng Tết cho người lao động. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực dệt may, da giày, lắp ráp linh kiện điện tử sẽ thưởng Tết cao hơn năm trước. Mức thưởng Tết sẽ tùy theo chỉ số kinh doanh của từng doanh nghiệp nhưng ít nhất bằng năm ngoái.

Tết 2025, với những biến động kinh tế, sẽ là một bài kiểm tra lớn đối với cả doanh nghiệp và người lao động. Dù tiền thưởng cuối năm có thể tăng hoặc không đạt mức kỳ vọng thì đây cũng là cơ hội để cả hai bên cùng nhìn nhận và điều chỉnh chiến lược phù hợp, vượt qua thử thách để hướng tới một năm mới khởi sắc hơn.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-tin-hieu-lac-quan-thuong-tet-2025-182128.html