Những tín hiệu tốt từ triển khai chương trình lớp 1
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có chuyến công tác kiểm tra tình hình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại một số tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả làm việc tại các tỉnh tại tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh – nơi mà địa phương vẫn còn không ít khó khăn đã cho thấy những tín hiệu tốt.
Vượt bỡ ngỡ để triển khai tốt chương trình
Kiểm tra thực tế tại Trường Tiểu học Thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tới thăm các lớp học, trò chuyện với học sinh lớp 1 và giáo viên đang giảng dạy lớp 1 của nhà trường. Nhiều câu hỏi đã được Bộ trưởng đặt ra cho giáo viên liên quan đến triển khai chương trình mới.
Chia sẻ với Bộ trưởng, cô giáo Nguyễn Thị Diễm Phương cho biết, triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, ban đầu giáo viên có những bỡ ngỡ, phụ huynh cũng có những phản ánh nhiều chiều, song sau đó giáo viên và học sinh đã nhanh chóng bắt nhịp, phụ huynh cũng yên tâm.
Sau kiểm tra, đánh giá học sinh học kỳ I, theo nhìn nhận của cô giáo Nguyễn Thị Diễm Phương, mặt bằng chất lượng học sinh lớp 1 năm nay của nhà trường nâng lên so với học sinh những năm trước, đặc biệt học sinh tích cực hơn, nhiều em tiến bộ nhanh.
Nhận định về sách giáo khoa lớp 1, cô giáo Phương cho rằng, nội dung các bài học trong sách giáo khoa mới đa dạng, ngữ liệu có tranh minh họa giúp giáo viên, học sinh và phụ huynh dễ nhận biết, hiểu rõ nghĩa, bài tập thực hành cho học sinh đa dạng. Ngoài ra, mỗi bài học đều có sách điện tử nên giáo viên có thể truy cập dễ dàng để dạy.
Để có thêm sự hỗ trợ cho quá trình giảng dạy, cô Phương mong muốn sẽ có được các nguồn xã hội hóa để trang bị các phương tiện kỹ thuật như tivi, máy chiếu phục vụ cho việc giảng dạy lớp 1. Hiện nay, nhà trường vẫn còn thiếu những phương tiện kỹ thuật này.
Có 25 năm dạy lớp 1, cô giáo Nguyễn Thị Phượng cũng bảy tỏ sự hào hứng với lần đổi mới này. Đây là lần thứ 2 được tham gia đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cô giáo Phượng cho rằng, có rất nhiều khác biệt, chương trình lần này mới mẻ hơn, những em học sinh có nền tảng tốt từ bậc mẫu giáo tiếp thu và tiến bộ rất nhanh.
Tuy nhiên, cô giáo Phượng cũng chia sẻ với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc, sách giáo khoa vẫn còn một số ngữ liệu mang tính chất vùng miền gây khó hiểu cho học sinh, nên giáo viên cần phải chủ động tìm hiểu để thay thế trong quá trình giảng dạy.
Báo cáo về việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, ông Ngô Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Đại Ngãi cho biết, để triển khai đối với lớp 1, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Theo đó, 100% giáo viên lớp 1 được tập huấn, bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình các môn học và chương trình lớp 1; tất cả học sinh lớp 1 của trường được học 2 buổi/ngày.
Sau một học kỳ triển khai chương trình lớp 1, theo bà Trần Mạnh Thùy Trang, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Long Phú, có thể khẳng định chương trình không quá tải, qua kiểm tra tại các trường học cũng cho thấy, không có tình trạng học sinh không theo kịp chương trình.
Ghi nhận sự cố gắng của các thầy cô giáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời mong muốn mỗi thầy cô giáo của Trường Tiểu học thị trấn Đại Ngãi tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Bộ trưởng cũng đề nghị mỗi thầy cô đang dạy lớp 1 tham gia xây dựng một bài giảng mẫu để cùng chia sẻ với cộng đồng giáo viên trong và ngoài tỉnh.
Chuẩn bị tốt để triển khai chương trình các lớp tiếp theo
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong điều kiện chung của một năm khó khăn nhưng các công việc triển khai chương trình lớp 1 đã được địa phương thực hiện đúng tiến độ.
“Qua kiểm tra thực tế ở một số lớp học và trao đổi với một số học sinh, giáo viên, bước đầu cho thấy sự cố gắng, độ vào cuộc và tín hiệu tốt từ việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới của tỉnh Sóc Trăng”, Bộ trưởng nhận định.
Để chuẩn bị cho việc triển khai các lớp tiếp theo, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Sóc Trăng sớm tổ chức rà soát, tổng kết, rút kinh nghiệm việc triển khai chương trình lớp 1. Đồng thời, quan tâm tới việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, đảm bảo đúng quy định, phát huy tính dân chủ, minh bạch trong chọn sách. Việc xây dựng, ban hành tài liệu giáo dục địa phương phải được thực hiện kỹ lưỡng, chặt chẽ, chất lượng, tránh để xảy ra các sai sót.
Đối với 2 điều kiện quan trọng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, Bộ trưởng cho rằng, cần phải được nhìn dài hơi, có bước đi, lộ trình bài bản, phù hợp. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng nên tính toán đến việc xây dựng và triển khai 2 đề án cụ thể về phát triển đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất cho giai đoạn 5 năm tới. Đồng thời, ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thực hiện các nội dung này.
Ngay tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đã giao cơ quan chuyên môn của tỉnh tham mưu xây dựng Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, giao ngành Giáo dục tham mưu xây dựng đề án về phát triển đội ngũ giáo viên và đề án đầu tư cơ sở vật chất triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2021-2026.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng làm việc với tỉnh Trà Vinh. Tại đây, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thị Bạch Vân cho biết: Triển khai chương trình giáo dục năm 2018, toàn tỉnh đã tích cực chuẩn bị các điều kiện thực hiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư. Hệ thống mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố, phát triển phù hợp với quy hoạch.
Tỉnh cũng đã tập trung rà soát, sắp xếp các trường có quy mô nhỏ, nâng cấp mở rộng điểm học chính về quy mô cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục theo hướng đạt chuẩn quốc gia, chú trọng huy động số trẻ và học sinh trong độ tuổi đến trường.
Năm học 2019-2020, tỉnh Trà Vinh thực hiện áp dụng sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đảm bảo từ quy trình lựa chọn sách giáo khoa đến tập huấn, bồi dưỡng cho tất cả giáo viên, cở sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu. Hiện, tỉnh Trà Vinh đang chuẩn bị mọi mặt cho việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 từ năm học 2021-2022. Dự kiến năm học 2021-2022 toàn tỉnh sẽ có 163 trường với 698 lớp 2 triển khai chương trình mới.