Những tín hiệu vui giao thông Thủ đô

Hòa chung không khí chung của những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, chúng tôi có cuộc trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh, Hà Đông - Một loại hình loại hình vận tải công cộng mới, tạo nên nét mới lạ và thuận lợi cho giao thông Thủ đô.

Thay đổi đáng kể diện mạo đô thị

Hình ảnh đoàn tàu đường sắt trên cao làm thay đổi đáng kể giao thông công cộng Thủ đô

Hình ảnh đoàn tàu đường sắt trên cao làm thay đổi đáng kể giao thông công cộng Thủ đô

Chắc hẳn người dân Thủ đô vẫn nhớ, khoảng 10 năm trước, khi dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông được triển khai, ai cũng kỳ vọng đây sẽ là một phương thuốc hữu hiệu để “đặc trị” căn bệnh ùn tắc giao thông của Thủ đô. Nhưng vì nhiều lý do, tuyến đường này đã nhiều lần bị lỡ hẹn.

Người dân chọn đi tàu Cát Linh - Hà Đông ngày một tăng cao

Người dân chọn đi tàu Cát Linh - Hà Đông ngày một tăng cao

Vượt qua nhiều trắc trở, vướng mắc, đến đầu tháng 11.2021 hệ thống tàu Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành. Với người dân Thủ đô, đây giống như một làn gió mới cho giao thông công cộng, từ khâu bán vé, lên xuống tàu… đều được tự động hóa tạo thuận lợi cho người tham gia loại hình vận tải này. Hàng trăm nghìn người dân đã tới trải nghiệm dịch vụ tiện ích hiện đại; ngắm nhìn Hà Nội từ trên cao qua mỗi chuyến tàu.

Khu vực các nhân viên bán vé tàu.

Khu vực các nhân viên bán vé tàu.

Chia sẻ về chuyến trải nghiệm đầu tiên bằng tàu điện trên cao, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Nguyễn Quốc Thắng cho biết: Ấn tượng đầu tiên là thiết kế nhà ga rộng lớn, hiện đại với những đường lên xuống thuận tiện, đảm bảo cho các đối tượng đều có thể tiếp cận được như có thang máy, thang cuốn dành cho người già yếu, người khuyết tật vận động; có hệ thống bảng, biển ở nhiều nơi; các toa tàu di chuyển khá êm ái. Đặc biệt, “điểm cộng” cho phương tiện công cộng này không chỉ là những lợi ích của đường sắt đô thị đem lại như về tiền bạc và thời gian khi di chuyển, mà còn thay đổi được thói quen, sử dụng phương tiện công cộng, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo Thủ đô. Đồng thời là cơ hội để chứng minh với các đại biểu Quốc hội, các nhà quy hoạch định chính sách, các nhà quản lý trong việc hiện thực hóa hệ thống giao thông công cộng hiện đại của Thủ đô và các thành phố lớn trong cả nước.

Hành khách có thể tự check in vé tàu điện tại các ga

Hành khách có thể tự check in vé tàu điện tại các ga

Cùng chung cảm nhận, chị Mai Hương và Thanh Tâm, thường trú tại Hà Đông bày tỏ sự thích thú: “Hôm nay chúng tôi mới có cơ hội trải nghiệm đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Nhà ga to, đẹp, hiện đại, thuận tiện, với gam màu xanh bắt mắt. Quy trình mua vé, nhận thẻ đi tàu rất nhanh chóng. Máy bán vé với hướng dẫn bằng tiếng Việt rất dễ hiểu; các nhà ga đều là những điểm check – in lý tưởng với những thiết kế ấn tượng. Còn theo quan sát của nhà báo Dương Hằng Nga, đến từ Đà Nẵng cho rằng để dự án phát huy hiệu quả tối đa thì cần phải có sự kết nối đồng bộ giữa những loại hình giao thông khác.

Hành khách phấn khởi khi lần đầu tiên được trải nghiệm bằng tàu điện trên cao.

Hành khách phấn khởi khi lần đầu tiên được trải nghiệm bằng tàu điện trên cao.

Đánh giá ý nghĩa quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng thủ đô, nhiều người còn cho biết để di chuyển 13 km trong nội đô mất 35 - 40 phút bằng xe máy, hay 60 - 70 phút bằng ô tô và nếu tắc đường thì thời gian di chuyển còn nhiều hơn nữa. Nhưng cũng quãng đường đó, nếu sử dụng metro thì chỉ mất khoảng hơn 23 phút vào bất kể thời điểm nào trong ngày. Trải qua hơn chín tháng vận hành, tàu điện chưa gặp sự cố gì, công tác đảm bảo an ninh, an toàn rất hiệu quả, nhất là thái độ phục vụ của nhân viên rất thân thiện, chuyên nghiệp và văn minh.

"Điểm cộng" được nhiều hành khách đánh giá cao đó chính là thái độ phục vụ chuyên nghiệp của các nhân viên trên tàu.

"Điểm cộng" được nhiều hành khách đánh giá cao đó chính là thái độ phục vụ chuyên nghiệp của các nhân viên trên tàu.

Không chỉ đóng vai trò quan trọng với vận tải công cộng, đường sắt đô thị còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng văn hóa giao thông Thủ đô văn minh, hiện đại.

Các bạn trẻ hào hứng ngắm thành phố từ trên tàu

Các bạn trẻ hào hứng ngắm thành phố từ trên tàu

Biến "5 không" thành "5 có"

Hành khách phấn khởi khi lần đầu tiên được trải nghiệm bằng tàu điện trên cao

Hành khách phấn khởi khi lần đầu tiên được trải nghiệm bằng tàu điện trên cao

Sau khi trải nghiệm tuyến đường sắt trên cao, chúng tôi tiếp tục thăm quan Trung tâm "đầu não" điều hành toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Nội tại phường Phú Lãm, Hà Đông. Khu Depot rộng 19,6 ha không chỉ là nơi điều động vận hành tàu cho toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mà còn là nơi bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo tàu luôn ở trạng thái ổn định, an toàn. Đồng thời, đây cũng là trụ sở chính làm việc của toàn bộ cán bộ, nhân viên vận hành, đào tạo và nghỉ ngơi, ăn uống.

Phòng Trung tâm kiểm soát lịch trình chạy và chế độ lái tự động tàu .

Trung tâm điều hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đặt tại một phòng riêng tại tòa nhà trong khu Depot, có một bảng điện tử lớn biểu thị sơ đồ tuyến, tình trạng của đường, đoàn tàu bằng ký hiệu các màu sắc, hình ảnh truyền từ camera.

Trải lòng về công việc của mình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường chia sẻ: Hanoi Metro nhận quyết định thành lập ngày 27.11.2014, nhưng chính thức hoạt động từ tháng 6. 2015. Ông Trường nhớ lại, Hanoi Metro khởi đầu với "5 không": Không trụ sở, không kinh phí, không nhân sự, không phương tiện đi lại và không tài sản. Tuy nhiên, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và các sở ban ngành đã tạo điều kiện hỗ trợ từ "5 không" đến bây giờ thành "5 có". Bên cạnh đó, doanh nghiệp thành lập từ 2015 nhưng mãi đến cuối năm 2021 mới được tiếp nhận tuyến metro đầu tiên. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng điều điều mà ông tâm đắc nhất chính là thời gian đã sàng lọc để giữ lại những người thực sự đam mê, tâm huyết với nghề đường sắt đô thị. Hiện Công ty có gần 700 cán bộ, nhân viên, người lao động.

Tổng Giám đốc Metro Hà Nội Vũ Hồng Trường chia sẻ về hoạt động công ty.

Tổng Giám đốc Metro Hà Nội Vũ Hồng Trường chia sẻ về hoạt động công ty.

Khi được chúng tôi hỏi ngồi vào vị trí ghế "nóng" của một dự án dành được sự "quan tâm đặc biệt" của báo chí như đường sắt đô thị Cát Linh, Hà Đông, ông có gặp áp lực gì không, ông Trường cười và khẳng khái đáp: "Tôi đã quen với áp lực khi phải làm cái gì mới rồi, khi đưa những cái mới vào tôi đều xác định là vạn sự khởi đầu nan. Mọi sự khởi đầu đều không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Điều này cũng giống như câu chuyện cách đây 20 năm về trước, đó là những tháng ngày “dò đá qua sông” để tìm đường đưa xe buýt của Hà Nội vào hoạt động và phát triển với tiêu chí “đi xe buýt nhanh hơn xe đạp, rẻ hơn xe máy. Nhưng tôi có niềm tin là nếu chúng ta tôn trọng quy luật khách quan và thực sự tâm huyết thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua, mọi vấn đề đều có giải pháp. Vấn đề là những giải pháp đó phải được tuyên truyền để tạo sự đồng thuận xã hội, để người dân chia sẻ khó khăn", ông Trường nhấn mạnh.

Gần 6 triệu lượt hành khách đi tàu và những kỷ lục mới

Đại diện Đoàn công tác Báo Đại biểu Nhân dân với Ban giám đốc
công ty

Cũng theo Tổng giám đốc Vũ Hồng Trường, sau khoảng hơn chín tháng vận hành, đến nay đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển gần 6 triệu lượt hành khách với 3 nhất.

Thứ nhất, lượng khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông không phân biệt giới tính trải đều 50% là nam và 50% là nữ.

Thứ hai, tàu Cát Linh – Hà Đông có sức hút hấp dẫn đối với khách trẻ tuổi với 85% là khách dưới 45 tuổi, các lứa tuổi còn lại chỉ chiếm 15% mà thôi, trong đó có 52% là khách đi lại thường xuyên.

Thứ ba, là có tới 54% là khách mua vé tháng trong đó có gần 10% khách mua thêm vé xe buýt để thuận tiện đi ra ga đi tàu Cát Linh - Hà Đông. Đặc biệt, có 18% lượng khách hiện nay đi tuyến Cát Linh - Hà Đông đều có ô tô con, nhưng đã bỏ ô tô để đi tàu điện. Những con số nêu trên đã cho thấy sức hấp dẫn của tàu Cát Linh – Hà Đông đang ngày càng thu hút được lượng người yêu thích, ông Trường nhận định.

Một niềm vui nữa được ông Trường chia sẻ trong ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông ghi nhận khách đi tàu đạt con số cao kỷ lục hơn 55.210 hành khách, cao nhất từ khi khai trương. Trước đó, ngày 7.11.2021 sau hai sau khai trương chở khách miễn phí tàu Cát Linh - Hà Đông đạt 54.121 hành khách; tiếp đó, ngày nghỉ Quốc tế Lao động 1.5.2022 vận chuyển 53.076 hành khách, ông Trường thông tin thêm.

Ông Trường ví von, trước đây mọi người luôn xem tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông như "ngôi sao cô đơn", nhưng đến nay tuyến đường này đã không còn đơn độc nữa mà đã được các hình thức vận tải công cộng khác chia sẻ. Để tạo thuận lợi cho khách đi tàu, tới đây đơn vị sẽ tăng cường kết nối giữa xe buýt, grab, xe cá nhân, buýt BRT với tàu Cát Linh – Hà Đông và bổ sung điểm trông giữ phương tiện cá nhân ở ga Yên Nghĩa, ga Láng, ga chuyển hướng. Chúng ta có quyền tin tưởng rằng loại hình giao thông này sẽ đem lại cho người dân một dịch vụ đi lại nhanh chóng, thuận tiện, an toàn với tiêu chí “Đi Metro nhanh hơn xe máy, rẻ hơn Grab”, ông Trường lạc quan nói.

Phóng viên, biên tập viên Báo Đại biểu Nhân dân chụp ảnh lưu niệm với Ban Giám đốc đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Phóng viên, biên tập viên Báo Đại biểu Nhân dân chụp ảnh lưu niệm với Ban Giám đốc đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Hòa mình vào ngày Tết độc lập của Dân tộc, chúng tôi cũng như những người dân Thủ đô luôn mong muốn tuyến đường sắt trên cao thực sự sẽ góp phần cải thiện chất lượng giao thông của Thủ đô và luôn là "Đoàn tàu mùa xuân" như giai điệu ca khúc có tên “Metro – Đoàn tàu mùa xuân” do chính Tổng Giám đốc Metro Hà Nội Vũ Hồng Trường viết “Đoàn tàu mùa xuân, nhịp nhàng đi trên phố. Một màu xanh, rạng rỡ đến vô cùng. Mỗi ga qua như một vườn hoa nở, chở niềm tin và ước mơ xanh… Từ trên cao ngắm nhìn thành phố, Hà Nội đẹp tươi, rạng rỡ đất Thăng Long. Metro ơi, tình yêu ta đó, nối những chặng đường, nâng bước ta qua…”...

- Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,5 km với 12 ga đưa đón khách gồm: Cát Linh - La Thành - Thái Hà – Láng - ĐH Quốc gia - vành đai 3 - Thanh Xuân - Bến xe Hà Đông - Trung tâm Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới và khu đề-pô tại Ba La (Hà Đông).

- Tuyến có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 hành khách. Tần suất hoạt động 4 đến 6 phút/lượt, tốc độ vận chuyển tối đa 80 km/giờ. Thời gian tàu chạy toàn tuyến từ ga Cát Linh đến ga Yên Nghĩa mất khoảng 23 phút.

- Giá vé lượt gồm vé theo chặng (giữa các ga) và toàn tuyến ở mức 8.000 đồng cho đến 15.000 đồng; vé ngày 30.000 đồng/người/ngày (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến).

- Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người/tháng cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người/tháng cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.

- Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể được áp dụng mức giá 140.000 đồng/người/tháng. Các mức giá trên đã bao gồm tiền bảo hiểm thân thể cho hành khách đi trên tuyến và các khoản chi phí trung gian thanh toán (nếu có).

Bài: Bách Hợp, ảnh Phi Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/nhung-tin-hieu-vui-giao-thong-thu-do-i299849/