Những tình huống có thể diễn ra tại phiên phúc thẩm vụ giết người, đổ bê tông giấu xác ở Bình Dương

Sáng 15/3, TAND cấp cao tại TP HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị trong vụ án giết người, đổ bê tông giấu xác ở Bình Dương. Cơ hội nào cho những bị cáo trong phiên xử này?

Theo cáo trạng, các bị cáo Phạm Thị Thiên Hà cùng Lê Ngọc Phương Thảo (SN 1990, ở Tiền Giang), Nguyễn Ngọc Tâm Huyên (SN 1979, ở Quảng Ngãi), Trịnh Thị Hồng Hoa (mẹ của Hà) cùng với Trần Trí Thành, Trần Đức Linh, Lê Phú Hạnh và Phạm Thị Việt An cùng tu tập. Trong đó, Hà là trưởng nhóm. Họ tập luyện nhiều nơi như Khánh Hòa, TP HCM…

Tháng 7/2018, nhóm của Hà đến thuê căn nhà ở đường D2, KCN Bàu Bàng (Bình Dương), để tiếp tục tu luyện. Thấy phương pháp tu luyện của Hà đặt ra là khổ hạnh, phản khoa học nên Lê Phú Hạnh và Phạm Thị Việt An bỏ trốn.

Quá trình tu luyện, Linh kiệt sức, không chịu nổi nên xin Hà cho dừng lại nhưng không chấp thuận nên nạn nhân này đã bỏ trốn và bị bắt lại, đánh chết.

Cùng thời điểm, Hà cho rằng Thành có nhiều điểm bất thường nên đã bàn bạc với những người còn lại sẽ giết nạn nhân này. Sau đó, các đối tượng đã giết nạn nhân bằng cách chích điện 220V và siết cổ Thành.

Khi thi thể của các nạn nhân bị phân hủy, bốc mùi thì nhóm của Hà bàn bạc đi mua thùng nhựa về bỏ thi thể vào trong. Vụ việc bị phát hiện, nhóm của Hà nhanh chóng bị bắt giữ.

Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Dương đã xác định Hà là chủ mưu của vụ án, trực tiếp thực hiện hành vi sát hại các bị hại và tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Thiên Hà mức án tử hình. Các bị cáo Lê Ngọc Phương Thảo bị tuyên phạt 22 năm tù; Nguyễn Ngọc Tâm Huyên bị phạt 19 năm tù và Trịnh Thị Hồng Hoa bị phạt 13 năm tù cùng về tội giết người và không tố giác tội phạm.

Sau bản án sơ thẩm, cả ba người gồm Hà, Huyên và Hoa kháng cáo kêu oan. Hà cho rằng chỉ giết Thành chứ không giết Linh. Trong khi đó, Hoa và Huyên phủ nhận các cáo buộc trên.

Đối tượng Hà bị tuyên án tại phiên tòa sơ thẩm (ảnh TL)

Đối tượng Hà bị tuyên án tại phiên tòa sơ thẩm (ảnh TL)

Bình luận về những diễn biến có thể xảy ra tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, tại tòa sơ thẩm, nhiều bị cáo vẫn ngoan cố, khai báo không thành khẩn, không thừa nhận tội danh mà VKSND đã truy tố. Nếu tại phiên phúc thẩm, các bị cáo biết hối lỗi thì có thể được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm s (khoản 1, Điều 51, BLHS 2015).

"Thành khẩn khai báo được hiểu là trường hợp người phạm tội đã tự nguyện khai báo rõ ràng, chính xác về toàn bộ hành vi phạm tội của mình và những người đồng phạm khác. Ăn năn hối cải được hiểu là người phạm tội sau khi thực hiện hành vi cảm thấy day dứt, thể hiện thái độ hối hận của mình vì đã thực hiện tội phạm", luật sư Long chia sẻ.

Cũng theo luật sư Long, tại phiên phúc thẩm tới, HĐXX có quyền: Không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm; Sửa bản án sơ thẩm; Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án; Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.

"Đây là vụ án nghiêm trọng, tại phiên sơ thẩm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đã được tòa sơ thẩm xem xét một cách thấu đáo. Do vậy, trong phiên xử phúc thẩm, nếu không có thêm tình tiết mới thì rất khó có cơ hội cho những bị cáo, đặc biệt là bị án tử được giảm án", luật sư Long nhận định.

Nguyễn Hằng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/nhung-tinh-huong-co-the-dien-ra-tai-phien-phuc-tham-vu-giet-nguoi-do-be-tong-giau-xac-o-binh-duong-2021031510401188.htm