Những tình huống pháp lý vụ xe tuần đường va chạm xe máy trên cao tốc
Các luật sư cho rằng, cơ quan công an cần làm rõ tài xế xe tuần đường của công ty BOT có chủ đích chặn đầu xe máy trước khi xảy ra va chạm với ô tô khách hay không?
Những phương tiện nào có dấu hiệu vi phạm?
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đang phối hợp với Công an huyện Phú Xuyên, Hà Nội làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông (TNGT) giữa xe tuần đường của công ty BOT và xe máy trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khiến 1 người tử vong, xảy ra trưa 23/11.
Thời điểm trên, xe tuần đường BKS 29C-553.XX của công ty BOT do tài xế Đ.V.K (SN 1990, trú tỉnh Thái Bình) điều khiển lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hướng đi Hà Nam. Đến đoạn thuộc huyện Phú Xuyên, xe này ra va chạm với xe khách BKS 18F-001.XX do anh N.V.V cầm lái đang chạy cùng chiều.
Tai nạn liên hoàn còn liên quan đến xe máy không gắn BKS do thiếu niên L.T.N (SN 2009) điều khiển chở đằng sau là chị T.T.T (cùng quê Nghệ An). Hậu quả, chị T tử vong, còn tài xế xe máy bị thương.
Theo dõi thông tin ban đầu vụ việc, luật sư Lưu Thị Kiều Trang, Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên đường cao tốc, có dấu hiệu tội phạm.
Do đó, cơ quan điều tra sẽ xác minh, làm rõ để khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, xem xét trách nhiệm của ba lái xe có liên quan.
Theo luật sư, trước hết có thể thấy tài xế xe máy đã vi phạm các lỗi: Chưa đủ tuổi điều khiển xe máy; không đội mũ bảo hiểm và chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm; điều khiển xe máy vào đường cao tốc.
Ngoài ra, qua clip cho thấy người điều khiển xe máy còn có dấu hiệu lạng lách, đánh võng trên đường cao tốc, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác. Xe máy cũng có dấu hiệu chèn ép, dừng lại ở giữa phần đường vượt và phần đường xe chạy khiến TNGT xảy ra.
Đối với xe tuần đường và xe khách, luật sư Trang nhìn nhận theo quy định, phần đường dành cho xe vượt (làm đường trong cùng bên trái đường cao tốc) và phần đường xe chạy (làn đường tiếp giáp với làn đường phía trái) là nơi cấm dừng đỗ. Mọi hành vi chủ động dừng đỗ ở vị trí, phần đường, các làn đường này là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc xe tuần đường và xe máy va chạm nhau rồi dừng lại ở phần đường xe chạy là có chủ đích hay là sự kiện bất khả kháng.
"Nếu có chủ đích do chặn xe, người điều khiển xe tuần đường trong trường hợp này có lỗi gây hậu quả vụ TNGT nghiêm trọng, nên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự", luật sư Trang nêu quan điểm.
Cần làm rõ TNGT xuất phát từ phương tiện nào
Cùng theo dõi vụ việc, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho rằng, để xảy ra hậu quả chết người ở tình huống TNGT này, trước hết cần xác định nguyên nhân xuất phát từ người điều khiển xe ô tô tuần đường, xe máy hay xe khách.
Luật sư phân tích, đối với tài xế Đ.V.K điều khiển xe tuần đường của công ty BOT, khi phát hiện có xe máy đi vào đường cao tốc, anh ta không nên điều khiển xe ô tô với mục đích bám theo rồi chặn xe máy giữa đường cao tốc có nhiều xe lưu thông tốc độ cao, điều này rất nguy hiểm.
Với tài xế xe khách, khi phương tiện này đang đi trên đường cao tốc và phía trước họ đã nhìn thấy xe ô tô tuần đường đi theo sau xe máy. Tuy nhiên, luật sư cho rằng người điều khiển xe khách đã không thực hiện các biện pháp an toàn như đi chậm, giữ khoảng cách.
"Nội dung video cho thấy xe khách còn có dấu hiệu chạy theo, bám gần để theo dõi diễn biến của hai phương tiện phía trước", luật sư Giáp nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, luật sư Lưu Thị Kiều Trang nhận thấy qua clip, tài xế xe khách N.V.V đã phát hiện vụ việc phía trước có dấu hiệu truy đuổi, nên bám theo cho một số người trên xe quay clip và không giữ khoảng cách an toàn đối với các phương tiện phía trước.
Vì thế, cơ quan điều tra sẽ làm rõ tốc độ của chiếc xe khách, làm rõ khoảng cách an toàn của chiếc xe này với các phương tiện cùng chiều phía trước để làm cơ sở xem xét xử lý trách nhiệm.
Xe tuần đường được phép làm gì khi xe máy đi vào cao tốc?
Cũng theo luật sư Hoàng Trọng Giáp, nếu có căn cứ xác định nam thanh niên L.T.N sinh năm 2009, tức là người này chưa đủ độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, cơ quan chức năng sẽ áp dụng chế tài hành chính đối với N.
Tuy nhiên, trong vụ TNGT gây hậu quả chết người này, người giao xe máy cho L.T.N điều khiển (sau đó N đi vào cao tốc) đã có dấu hiệu của tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Do đó, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định người giao xe biết rõ là N không đủ điều kiện mà vẫn giao xe thì sẽ xem xét xử lý trách nhiệm liên quan.
Còn về trách nhiệm của xe tuần đường, luật sư Lưu Thị Kiều Trang dẫn Điều 5 Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 1/8/2023 của Bộ Công an nêu rõ, việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến đường cao tốc do Cục Cảnh sát giao thông đảm nhận, phụ trách.
Theo quy định này, Cục Cảnh sát giao thông là cơ quan có thẩm quyền phụ trách về việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Do đó, công ty BOT không phải là cơ quan có thẩm quyền, không có nhiệm vụ xử lý vi phạm trên tuyến đường cao tốc.
"Trường hợp phát hiện xe máy đi vào đường cao tốc, đơn vị liên quan cần thông báo cho lực lượng CSGT có thẩm quyền để phối hợp giải quyết", luật sư Trang khẳng định.