Những toán quân bịt mặt ở Kashmir
Kể từ khi người Anh rời khỏi tiểu lục địa Ấn Độ, mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Pakistan và Ấn Độ chưa bao giờ ở trong trạng thái 'cơm lành canh ngọt'. Trong số những điểm 'nóng' tại biên giới hai nước, tình hình ở Kashmir là nghiêm trọng nhất. Cả New Delhi lẫn Islamabad đều tuyên bố Kashmir là của họ, nhưng trên thực tế mảnh đất này bị chia thành nhiều mảnh do hai bên quản lý.
Kashmir là khu vực duy nhất ở Ấn Độ có phần đông dân số là người Hồi giáo. Ngay sau khi Thủ tướng Narendra Modi cùng đảng Bharatiya Janata thân đạo Hindu lên cầm quyền, chính phủ Trung ương đã bãi bỏ quyền tự trị của Kashmir và tách khu tự trị thành hai bang Kashmir và Jammu đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới mà đến nay Kashmir vẫn chưa vượt qua được.
Chiến tranh trên đường phố
Tối ngày 15-11, một đơn vị hỗn hợp gồm cảnh sát và quân đội Ấn Độ phong tỏa quận Hyderpora tại thành phố Srinagar, bang Kashmir. Loa phóng thanh thông báo việc phong tỏa là để truy quét các đối tượng khủng bố. Cảnh sát tạm giữ bất kỳ người nào đang đi trên đường để lục soát quần áo và kiểm tra điện thoại của họ.
Trong số những người bị kiểm tra có Mohammad Altaf Bhat, ông chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng. Cảnh sát buộc tội ông ta chứa chấp khủng bố. Nhưng sau ba lần lục tung cửa hàng của Mohammad, cảnh sát vẫn không tìm được gì. Cuối cùng họ tra hỏi được ông chủ cửa hàng về Aamir Ahmad Magray, một thanh niên thuê tầng hai của cửa hàng để làm tiệm sửa điện thoại.
Theo lời một nhân chứng tại hiện trường: “Mohammad, Aamir cùng cảnh sát đi lên tầng hai căn nhà được một lúc thì xảy ra nổ súng. Sau đó tôi chỉ thấy cảnh sát chạy ra chạy vào và khiêng khỏi nhà ba túi xác”.
Ông Omar Abdullah, nguyên thống đốc khu tự trị Kashmir, ngồi cùng đám đông biểu tình phản đối hành động của cảnh sát.
Cảnh sát cho biết họ đã tiêu diệt được ba đối tượng có hành vi chứa chấp vũ khí, vật liệu nổ, và khủng bố. Tuy vậy, sau khi biết những người chết là Mohammad, Aamir, và một đồng nghiệp của Aamir, dư luận đã đặt ra nhiều nghi vấn. Ai quen biết ba nạn nhân đều cho biết họ làm ăn tại địa phương từ nhiều năm nay, không hề có qua lại với người Hồi giáo hay người ngoại quốc. Hiện nay thân nhân của người chết đã kiện cảnh sát ra tòa nhằm mong tìm ra sự thật.
Vụ đấu súng tại cửa hàng vật liệu xây dựng chỉ là một phần trong chiến dịch chống khủng bố của chính phủ trung ương. Tại hai bang Kashmir và Jammu gần đây liên tiếp xảy ra những vụ khủng bố. Vào ngày độc lập 15-8 của Ấn Độ vừa qua, Supinder Kour cùng Deepak Chand, hiệu trưởng và giáo viên tại một trường cấp hai đã bị phiến quân chống chính phủ ám sát. Tổ chức “Mặt trận Kháng chiến” (một nhánh của nhóm vũ trang Lashkar-e-Taiba khét tiếng) lên tiếng nhận trách nhiệm và cho biết: “Hai nạn nhân bị ám sát đã ép buộc học sinh phải tham dự lễ kỷ niệm ngày độc lập của một thế lực thù địch… Chúng tôi chỉ nhắm vào những kẻ đang xâm chiếm Kashmir và bè lũ phản bội đi theo chúng”. Gần hai tháng sau đó, lại có hai nạn nhân khác bị “Mặt trận Kháng chiến” sát hại vì lý do tình nghi có quan hệ với cảnh sát Ấn Độ.
Chính quyền Ấn Độ đáp lại nhóm phiến quân bằng việc bắt giữ hơn 300 người để thẩm vấn. Đồng thời quân đội cũng mở một chiến dịch nhắm vào cơ sở của nhóm nổi loạn ở vùng thung lũng Kashmir. Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, họ tiêu diệt được hơn 20 tay súng và mất 9 binh sỹ. Đây là số binh lính hy sinh nhiều nhất trong vòng vài năm trở lại đây.
Tuy vậy, trọng tâm của chính quyền vẫn là những đối tượng phiến quân lẩn trốn trong dân. Tổng trưởng Cảnh sát Ấn Độ Vijay Kumar trả lời báo chí: “Chúng tôi gọi những kẻ khủng bố giả dạng thường dân là “phiến quân hỗn hợp”. Chúng không phải là quân phiến loạn toàn thời gian, cũng chưa từng bị cảnh sát đưa vào danh sát theo dõi. Chúng liên lạc với các nhóm phiến loạn qua điện thoại, thực hiện một hai vụ tấn công khủng bố, rồi trở lại cuộc sống hằng ngày. Để cảnh sát lần ra được những đối tượng “phiến quân hỗn hợp” là điều rất khó. Ngay cả khi thực hiện, từng toán bọn chúng bịt mặt, đội mũ, đeo găng tay cẩn thận để không ai biết được danh tính”.
Một người đàn ông có con trai bị cảnh sát bắn chết vì tội làm quân nổi loạn.
Những kẻ vô hình
Cha nạn nhân Aamir Ahmad Magray nói với phóng viên tờ The Diplomat: “Con trai tôi không phải “phiến quân hỗn hợp” hay là cái gì cả. Nếu cảnh sát có bằng chứng rằng con tôi là khủng bố thì phải bắt ngay ở ngoài đường chứ việc gì phải đi vào trong cửa hàng”.
Ông Omar Abdullah từng là Thống đốc khu vực Kashmir trước khi bị chính phủ tước quyền tự trị. Hiện nay ông và một số vị cựu quan chức khác đang tổ chức biểu tình phản đối hành động của cảnh sát. Ông Omar nhận xét: “Bỏ qua một bên từ “phiến quân hỗn hợp”, cách cảnh sát xử lý tình hình hiện tại thật khó mà chấp nhận được. Họ sử dụng bạo lực bừa bãi, không hề có lệnh của tòa án thì chỉ khiến nhân dân bất bình, thêm nhiều người tham gia các nhóm phiến loạn”.
Về phần mình, Chính phủ Ấn Độ đã “xoay trục” chiến lược chống khủng bố của mình sang hướng tập trung vào phiến quân hỗn hợp. Chuẩn tướng, nguyên Tổng tư lệnh Bộ Chỉ huy miền Bắc Ấn Độ D.S. Hooda trả lời một tờ báo Anh: “Cục tình báo Pakistan ISI biết rõ rằng các nhóm nổi dậy mà họ đang tài trợ không đủ sức đối đầu trực tiếp với lực lượng an ninh Ấn Độ, từ đó họ mới xây dựng chiến lược mới cho những kẻ khủng bố. Chúng không có một bộ chỉ huy mà chia thành từng nhóm ba, bốn người “nằm vùng”, chờ đợi thời cơ để tấn công khủng bố”.
Một đội cảnh sát vũ trang Ấn Độ.
Việc người Hồi giáo, đặc biệt là thanh niên ở Kashmir tham gia các nhóm phiến quân không có gì lạ. Sau nhiều năm chiến tranh, gia đình Hồi giáo nào cũng có người chết vì bom đạn nên luôn có tư tưởng thù địch với chính phủ. Cách đây trên dưới 10 năm, các nhóm phiến quân bắt đầu sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền và tuyển mộ thành viên. Người đầu tiên làm việc này thành công là Burhan Muzafar Wani, khi đó mới 15 tuổi. Burhan Wani tham gia nhóm Hizbul Mujahideen sau khi mình và em trai bị cảnh sát đánh đập. Anh ta đăng lên mạng xã hội những bài giảng đạo, bài viết tuyên truyền, ảnh các “chiến công” của mình. Burhan Wani trở thành người nổi tiếng đối với giới trẻ Kashmir. Khi Burhan bị cảnh sát bắn chết, 200.000 người tham dự lễ tang của anh ta. Ở nhiều nơi tại Kashmir và Jamma, bạo loạn nổi ra dữ dội đến mức cảnh sát phải mất hơn một tháng mới dập tắt được.
Nhận ra sơ hở của những tay súng nổi loạn trên mạng xã hội, cảnh sát bắt đầu sử dụng Facebook như công cụ để truy tìm phiến quân. Chỉ cần đối tượng đăng một bức ảnh - kể cả ảnh bịt mặt - lên Facebook là chuyên gia của cảnh sát đã có thể tìm ra được danh tính người trong ảnh và vị trí chụp ảnh. Thông tin trên mạng xã hội cũng là bằng chứng được đưa ra trước tòa khi xét xử thành viên của các nhóm phiến quân. Theo nhiều nhà phân tích, chính vì sự theo dõi sát sao của cảnh sát trên Facebook nên các đối tượng nổi loạn mới lui vào hoạt động bí mật.
Căng thẳng giữa người dân Kashmir và chính quyền đang đè nặng lên mảnh đất này.
Những hậu quả đáng lo ngại
Tiến sỹ Sheikh Showkat Hussain tại trường Đại học Kashmir nói về những động thái từ cảnh sát và quân đội Ấn Độ: “Nhà chức trách không hiểu bất cứ điều gì về gốc rễ của tình trạng bạo lực tại Kashmir. Thay vì giải tỏa những mối lo của cộng đồng Hồi giáo, họ chỉ sử dụng vũ lực. Mà người dân đã thấy chính quyền lấy bạo lực ra đối đãi với mình thì họ cũng phản kháng lại bằng bạo lực”.
Nhiều nhà hoạt động nhân quyền thì lại lo ngại về việc cảnh sát sẽ dựa vào lý do trấn áp “phiến quân hỗn hợp” mà lạm quyền. Trả lời báo The Hindustan, nhà hoạt động Muhammad Ahsan Untoo, Giám đốc hai tổ chức IFJ và Human Rights JK chuyên trợ giúp pháp lý và tái hòa nhập cộng đồng cho những tay súng phiến quân, nói: “Trước khi chính phủ và tòa án đưa ra khuôn khổ pháp lý rõ ràng mà cảnh sát đã làm mạnh như thế này là không ổn. Chuyện cảnh sát vì chạy theo thành tích mà bắt bớ, hành hung người vô cớ không phải không có. Thử hỏi người dân phải làm gì khi bị cảnh sát hành hung do bị nghi ngờ là “phiến quân hỗn hợp”.
Ngôi nhà ở Kashmir nơi xảy ra vụ cảnh sát bắn chết ba người đàn ông.
Bà Mehbooba Mufti, cựu quan chức cấp cao tại Kashmir, Chủ tịch đảng Dân chủ Nhân dân, bày tỏ quan điểm: “Hầu hết quan chức được New Dehli bổ nhiệm từ nơi khác đến. Hoạt động hằng ngày của họ theo kế hoạch do New Dehli đề ra. Mà khi người dân và cảnh sát coi nhau như kẻ thù, việc thiếu sự minh bạch trong bộ máy an ninh chỉ có thể thúc đẩy những hành vi bạo lực.”.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/nhung-toan-quan-bit-mat-o-kashmir-i637389/