Những toan tính của Mỹ và Iran trước khi Tổng thống Trump rời nhiệm sở, bắt đầu cuộc chơi mới
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần trước khi Tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở, căng thẳng Mỹ-Iran vẫn ở mức cao với những toan tính riêng từ hai bên.
Ngày 7/1, quân đội Mỹ đã điều 2 máy bay ném bom B-52 từ một căn cứ không quân trên lãnh thổ Mỹ tới Trung Đông. Đây là đợt triển khai và phô trương sức mạnh thứ tư của Không quân nước này trong vòng 2 tháng qua nhằm gửi thông điệp tới Iran.
Trong một tuyên bố, Không quân Mỹ cho biết, sứ mệnh mới nhất này “chứng minh cho cam kết đang và sẽ còn tiếp diễn của quân đội Mỹ đối với an ninh khu vực và ngăn chặn hành động gây hấn”.
Thời điểm nhạy cảm
Động thái của Không quân Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau ngày tưởng niệm 1 năm vụ tướng Qasem Soleimani của Iran thiệt mạng trong một vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ và 1 ngày sau khi một số quan chức Mỹ lo ngại rằng Iran có thể kỷ niệm vụ việc này bằng đòn trả thù. Tuy nhiên, ngày tưởng niệm đó đã trôi qua mà không có vụ bạo lực nào xảy ra.
Mỹ triển khai sứ mệnh trên trong bối cảnh tồn tại những quan ngại cho rằng Iran có thể vẫn tìm cách trả đũa vụ Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng Quds của Iran, bị ám sát trong một vụ không kích của Mỹ bằng máy bay không người lái diễn ra mới chỉ hơn một năm trước.
Động thái này cho thấy Mỹ sẽ không thu hẹp chiến dịch ngăn chặn và răn đe của mình khi căng thẳng Mỹ-Iran vẫn ở mức cao vào thời điểm chỉ còn chưa đầy 2 tuần trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức và ông Donald Trump rời nhiệm sở.
Tuyên bố trên có đoạn: “Các phi công đã bay liên tục 36 giờ từ nơi đồn trú của Phi đội máy bay ném bom số 5 tại căn cứ không quân Minot ở Bắc Dakorta (Mỹ) tới Vịnh Arabia và quay trở lại để gửi đi một thông điệp răn đe rõ ràng bằng cách thể hiện năng lực triển khai sức mạnh, tác chiến vượt trội trong thời gian ngắn”.
Đánh giá về các động thái tại khu vực, một quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục theo dõi mức độ sẵn sàng ngày càng gia tăng của các hệ thống quốc phòng của Iran và tiếp tục có những dấu hiệu của một kế hoạch tinh vi cho các vụ tấn công có thể xảy ra tại Iraq, dù chưa rõ thời điểm các hệ thống nói trên có thể thực hiện bất kỳ một vụ tấn công nào”.
Hiện đang tồn tại mối lo ngại lớn rằng các đối thủ có thể lợi dụng tình hình hỗn loạn trong nội bộ Mỹ, song cho đến nay, chưa có dấu hiệu về bất kỳ một mối đe dọa gia tăng nào liên quan những đám đông gây bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ hôm 6/1.
Theo một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, hồi đầu tuần này, Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị cho quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller đảo ngược quyết định trước đó và ra lệnh cho tàu sân bay USS Nimitz trở lại Trung Đông sau cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 3/1.
Quyết định của ông Trump đã đảo ngược mệnh lệnh của ông Miller hồi tuần trước về việc rút tàu sân bay nói trên ra khỏi khu vực và trở về Mỹ, vốn phần nào đó nhằm phát đi tín hiệu “xuống thang” đối với Iran trong bối cảnh những căng thẳng giữa Washington và Tehran đang gia tăng.
Những thông điệp mâu thuẫn từ hai bên
Theo CNN, nội bộ Lầu Năm Góc thể hiện những thông điệp mâu thuẫn về mức độ mối đe dọa hiện nay từ Iran.
Mỹ đã tăng cường hiện diện quân sự tại Trung Đông để phô diễn năng lực ngăn chặn và răn đe. Sự hiện diện này được thể hiện thông qua việc điều động phi đội máy bay ném bom B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân tới khu vực, công khai hoạt động của các tàu ngầm hạt nhân khi qua lại xung quanh Vịnh Persia cũng như quyết định hôm 3/1 của Tổng thống Trump tăng thời hạn lưu trú của tàu sân bay USS Nimitz tại khu vực.
Tuần trước, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã cáo buộc Mỹ đang tạo cớ cho một cuộc chiến tranh.
Tuy nhiên, Thiếu tướng Esmail Ghaani, người kế nhiệm tướng Soleimani, đã tưởng niệm cái chết của Soleimani với lời thề: “Những kẻ đã tham gia vào vụ ám sát và tội ác này sẽ không được an toàn trên Trái đất. Chắc chắn là như vậy”.
Tuy nhiên, thay vì trả thù, Iran xem ra muốn lựa chọn một phản ứng được tính toán kỹ lưỡng với tuyên bố nước này đã tăng mức làm giàu uranium so với mức trước khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ Hàn Quốc tại vùng Vịnh.
Trong khi đó, các lực lượng ủy nhiệm của Iran lại phát đi tín hiệu xuống thang.
Cụ thể, thủ lĩnh nhóm bán vũ trang KataibHezbollah, một nhóm gồm những tay súng theo dòng Hồi giáo Shi’ite của Iraq do Iran hậu thuẫn, tuyên bố nhóm này sẽ không tìm cách “tấn công" Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad, nơi từng bị tấn công sau vụ sát hại tướng Soleimani năm 2019.
Nhóm này cũng khẳng định không tìm cách lật đổ chính quyền hiện tại của Iraq, dù các đám đông đã tập hợp tại Quảng trường Tahrir ở thủ đô Baghdad hôm 3/1 để yêu cầu các lực lượng Mỹ rút khỏi nước này.
Mặc dù vẫn có quan ngại cho rằng Mỹ hoặc Iran có thể tính toán sai lầm, song đa số giới ngoại giao theo dõi tình hình Iran đều đánh giá Tehran có mọi động cơ để tránh khiêu khích vốn có thể kích hoạt xung đột và làm xói mòn khả năng Tổng thống đắc cử Joe Biden tiến hành các kế hoạch đưa Washington trở lại thỏa thuận hạt nhân và nới lỏng các biện pháp trừng phạt mà ông Trump đã áp dụng để gây khó khăn cho nền kinh tế quốc gia Trung Đông.
Trả lời CNN, một quan chức ngoại giao nhấn mạnh: “Iran biết vài ngày nữa cuộc chơi sẽ bắt đầu trở lại và nếu bây giờ họ làm điều gì đó ngu ngốc, thì điều đó sẽ chẳng giúp ích gì cho vị thế của họ cả”.
(theo CNN)