Những tội danh chỉ được khởi tố theo yêu cầu

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, những vụ án chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại theo Khoản 1, Điều 155 như: tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội hiếp dâm; tội làm nhục người khác; tội vu khống; tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp...

Các luật sư thuộc Hội Luật gia tỉnh (phải) tư vấn pháp luật về hình sự cho người dân xã Phú Bình (H.Tân Phú). Ảnh: Đ.Phú

Các luật sư thuộc Hội Luật gia tỉnh (phải) tư vấn pháp luật về hình sự cho người dân xã Phú Bình (H.Tân Phú). Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Lưu Hồng Khanh, Đoàn Luật sư tỉnh cho hay, đối với các vụ án nêu trên trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ. Ngoài ra, bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

* Vụ án được đình chỉ khi bị hại rút yêu cầu khởi tố

Ông L.V. (ngụ xã Phú Lộc, H.Tân Phú) trình bày, vì mâu thuẫn với hàng xóm, con trai ông lỡ gây thương tích cho người này với tỷ lệ thương tật 10%. Vì là chỗ thân tình với nhau, ông năn nỉ người hàng xóm bãi nại (không yêu cầu khởi tố vụ án) cho con trai nhưng không biết có được hay không.

Còn bà B.H. (ngụ xã Ngọc Định, H.Định Quán) thắc mắc, con trai bà và chị K.T. (19 tuổi) có quan hệ yêu đương. Trong một lần đi chơi xa, con trai bà quan hệ tình dục trái ý muốn với chị K.T. và bị chị này tố cáo con trai bà phạm tội hiếp dâm. Nay chị K.T. tự nguyện làm đơn gửi cơ quan chức năng rút yêu cầu khởi tố vụ án. Vậy con trai bà có bị xử tù hay không?

Trong khi đó, ông N.C. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đặt vấn đề, ông lỡ lời xúc phạm bà N.Y. và cơ quan công an đã khởi tố vụ án hình sự về tội làm nhục người khác theo yêu cầu của bà N.Y. Sau đó, do được ông năn nỉ, xin lỗi nên bà N.Y. đồng ý và có ý định rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án để ông khỏi bị xử lý hình sự nhưng không biết liệu cơ quan chức năng có chấp thuận hay không.

Về những thắc mắc này, luật sư Lưu Hồng Khanh trả lời như sau, căn cứ Điều 155, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì con của ông L.V., con của bà B.H. và ông N.C. sẽ được cơ quan có thẩm quyền đình chỉ vụ án khi có đơn yêu cầu của người bị hại. Một khi cơ quan có thẩm quyền đình chỉ vụ án thì họ không bị xử lý hình sự về hành vi mình gây ra cho người bị hại.

Luật sư Khanh giải thích, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại Khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự năm 2015 khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

* Thế nào là bị ép buộc?

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, việc người bị hại hoặc đại diện cho người bị hại dưới 18 tuổi có đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự mà sau đó họ cho rằng việc rút đơn này là trái ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì người có hành vi vi phạm pháp luật vẫn bị xử lý hình sự về tội danh đã phạm.

“Cưỡng ép là sử dụng vật chất hoặc áp lực tinh thần một cách bất hợp pháp buộc người khác phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc trái với ý chí hoặc mong muốn của họ. Do đó, khi nhận thấy việc người rút yêu cầu khởi tố vụ án bị ép buộc, cưỡng ép thì cơ quan có thẩm quyền vẫn tiếp tục khởi tố vụ án” - luật sư Khanh lưu ý.

Cũng theo luật sư Khanh, để hiểu hơn thế nào là giao dịch bị cưỡng ép, ép buộc, lừa dối..., Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép như sau: khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

“Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình” - luật sư Khanh giải thích.

Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho hay, ngoài 10 trường hợp đình chỉ khởi tố vụ án khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo Khoản 1, Điều 155, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì tất cả các tội danh khác theo quy định của Bộ luật Hình sự khi người bị hại, người đại diện của người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Sau đó các cơ quan chức năng vẫn tiến hành thủ tục truy tố, xét xử theo quy định.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202007/nhung-toi-danh-chi-duoc-khoi-to-theo-yeu-cau-3011654/