Những tội đồ tàn phá nền kinh tế - Kỳ III: Mòn mỏi đợi... phá sản
Việc nhiều khối tài sản trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư kém hiệu quả của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) sau hơn 10 năm vẫn đang bị bỏ hoang, han rỉ, không chỉ tiếp tục gây lãng phí lớn, mà còn đi ngược với chủ trương tái cơ cấu quyết liệt mà Đảng và Nhà nước đề ra. Những thất bại cay đắng trong quá trình tái cơ cấu Vinashin - SBIC cần được nhận diện, rút kinh nghiệm và có cơ chế xử lý hữu hiệu để không phát sinh thêm những khối di căn tàn phá nền kinh tế, làm giảm sút niềm tin trong nhân dân, nhất là khi số lượng đại dự án thua lỗ lớn được hình thành giai đoạn trước đây cần giải phẫu vẫn còn nhiều.
Kỳ III: Mòn mỏi đợi... phá sản
Các cơ quan chức năng đang rất lúng túng trong việc đưa ra những quyết định phá sản, thu hồi, bán thanh lý những khối di căn nợ nần của Vinashin như Điện - Thép Cái Lân, KCN Mỹ Trung, Vinashinlines…
Đích đến là phá sản
Sau gần 10 năm bấu víu vào những tia hy vọng hồi sinh mong manh, vào đầu tháng 1/2019, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã phải trình Bộ chủ quản xem xét phê duyệt phương án tái cơ cấu toàn diện Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân theo hướng phá sản, thanh lý tài sản với giá trị thu về khoảng 573 tỷ đồng.
Trong số các phương án tái cơ cấu, SBIC đặt nhiều kỳ vọng về khả năng được cấp có thẩm quyền chuyển giao nguyên trạng Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân cho các doanh nghiệp thép trong nước quản lý, khôi phục để nhà máy đi vào hoạt động, sau đó sẽ thực hiện việc nộp đơn phá sản.
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), ông Cao Thành Đồng, quyền Tổng giám đốc SBIC cho biết, nếu thực hiện phương án chuyển giao, chỉ riêng hạ tầng, khung xưởng của Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân sẽ có giá trị khoảng 100 tỷ đồng. Phần thiết bị sau khi phục hồi, giá trị thu về có thể cao gấp 2 - 3 lần giá trị thanh lý. Tính tổng cộng, với phương án này, tổng giá trị thu hồi tài sản của Nhà máy có thể lên tới 1.000 - 1.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Việt Văn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân, phương án này chỉ có thể được triển khai nếu thỏa mãn hàng loạt điều kiện cần và đủ, trong đó quan trọng nhất là phải có ý kiến chấp thuận của bên nhận thế chấp và bên có liên quan là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Ông Văn cũng cay đắng thừa nhận, sẽ không có bất kỳ doanh nghiệp sản xuất thép trong nước nào muốn “dây” với cục nợ này, dù đây đơn giản chỉ là bước chuyển tiếp trước khi tiến hành phá sản Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân.
Do đầu tư với suất đầu tư cao hơn mặt bằng chung của khu vực, nên để ra được 1 kg thép tấm dày 10 mm, Công ty tốn 14.000 đồng mới đạt điểm hòa vốn, trong khi giá thép cùng chủng loại của Trung Quốc đang chào trên thị trường chỉ có 8.000 đồng. Như vậy, nếu hoạt động đủ công suất, Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân sẽ lỗ ít nhất 250 tỷ đồng/năm.
Chưa cần cập nhật đầy đủ chi phí vốn; khấu hao, chi phí tái khởi động… số liệu so sánh đơn giản nhưng cay đắng này đủ dập tắt bất cứ nỗ lực hồi sinh lại Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân, nhất là khi ngành đóng tàu thế giới dự báo sẽ phải mất từ 10 - 15 năm nữa mới bước vào giai đoạn phục hồi.
Trước đó, trong nỗ lực “gả bán” Nhà máy thép Cái Lân, có không ít đoàn đối tác trong và ngoài nước như Nga, Nhật được Bộ GTVT, SBIC mời đến Cái Lân, nhưng tất cả đều một đi không trở lại, khi giá trị đầu tư của các nhà máy thép, điện đều đã vượt quá xa giá trị thực tế.
Ông Văn cho biết, ngay từ năm 2016, Công ty đã đề xuất phương án bán thanh lý Nhà máy theo giá thị trường để thu hồi phần nào vốn bỏ ra. Từ đó đến nay, năm nào đơn vị cũng gửi kiến nghị tới cấp có thẩm quyền, nhưng thường chỉ nhận được các chỉ đạo chung chung là “tiếp tục rà soát toàn bộ quá trình triển khai và đề xuất các phương án xử lý theo quy định của pháp luật”, mà không nhận được bất cứ chỉ đạo cụ thể, mang tính đột phá nào về việc tiếp tục hay chấm dứt “xác sống” này.
Ngay cả khi số tiền bán thanh lý nhà máy thép, điện, chỉ giúp xóa được 1/9 công nợ của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân - công ty mẹ của Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân và cũng là đơn vị sở hữu cụm nhà máy điện, nhưng ít nhất cũng góp phần giảm bớt gánh nặng lãi vay đang phát sinh mỗi ngày lên tới hơn 1 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến việc sẽ cho thuê được 30 ha đất KCN thương phẩm tại KCN Cái Lân - Quảng Ninh trong trường hợp giải phóng được đống sắt thép, điện vô dụng này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, vướng mắc lớn nhất trong việc xử lý tái cơ cấu Khu Điện - Thép Cái Lân và nhiều khoản đầu tư khác của Vinashin - SBIC là các dự án này hiện vẫn chưa thể quyết toán chi phí đầu tư. Công nợ phần lớn đều không có chứng từ hợp pháp nên rất khó xử lý theo hướng phá sản hay bán thanh lý.
“Đây là những tồn tại vượt quá thẩm quyền của Bộ GTVT và SBIC, dù các đơn vị được giao nhiệm vụ tái cơ cấu đều rất xót xa với khối tài sản này”, vị lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Đường giải thoát còn xa
Hiện tình trạng mòn mỏi đợi chờ hướng xử lý cuối cùng cũng đang diễn ra đối với KCN Mỹ Trung - Nam Định, KCN - cảng biển Hải Hà, Quảng Ninh; Cụm công nghiệp đóng tàu Nhật Lệ - Quảng Bình; Thủy tinh miền Trung, Công ty Vận tải biển Vinashinlines… nơi gánh nặng xử lý, về lý thuyết, là nhẹ hơn rất nhiều so với Điện - Thép Cái Lân. Cần phải nói thêm rằng, những đầu mối này đều không nằm trong danh sách giữ lại làm nòng cốt cho SBIC trong Đề án Tái cơ cấu Vinashin được Thủ tướng phê duyệt năm 2010.
Ông Trần Minh Hoan, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định cho biết, ngay từ cuối năm 2016, sau khi những nỗ lực giúp SBIC chuyển nhượng KCN Mỹ Trung bất thành, UBND tỉnh Nam Định đã liên tục gửi công văn tới các cơ quan chức năng đề nghị cho phép địa phương này được thu hồi đất KCN Mỹ Trung. Để tránh gây thiệt hại cho ngân sách, UBND tỉnh Nam Định đề xuất phương án thu hồi có hoàn trả chi phí cho Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh với số tiền không thấp hơn giá trị các khoản đầu tư được đơn vị thẩm định độc lập là Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacontrol đánh giá.
Ông Hoan cho biết, địa phương cũng sẵn sàng thực hiện đấu giá chuyển nhượng KCN Mỹ Trung với giá khởi điểm mà Vinacontrol đưa ra. Với sức hút của KCN Mỹ Trung, đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định ước tính sẽ giúp thu về cho Công ty Hoàng Anh và SBIC khoảng 300 - 400 tỷ đồng. Số tiền này thậm chí còn nhỉnh hơn cả nợ gốc mà Công ty Hoàng Anh vay các chủ nợ. Đổi lại, UBND tỉnh Nam Định sẽ giải thoát được “xác sống” KCN Mỹ Trung để vừa tiếp nhận các nhà đầu tư mới, có năng lực, vừa giúp xả bớt áp lực dư luận của cử tri.
Tuy nhiên, do đây là phương án xử lý chưa có tiền lệ, bởi nếu thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai, KCN Mỹ Trung phải bị thu hồi trắng, không có bồi hoàn cho Công ty Hoàng Anh.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Hoàng Anh cho biết, cá nhân ông cũng rất mệt mỏi với áp lực và muốn giải quyết dứt điểm vụ việc càng sớm càng tốt để giảm thiểu các chi phí phát sinh, tiến hành tất toán, giải phóng các khoản nợ.
Điều đáng nói là sau hơn 2 năm, lối thoát cho “trái đắng” KCN Mỹ Trung hiện vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức của cấp có thẩm quyền. Công văn kiến nghị xử lý của UBND tỉnh Nam Định và SBIC vẫn đang chạy loanh quanh ở trụ sở các bộ, ngành liên quan, trong khi lối ra vẫn rất mờ mịt.
“Theo thông tin của chúng tôi nhận được thì việc xử lý KCN Mỹ Trung sẽ phải đặt trong Đề án tổng thể tái cơ cấu SBIC. Do đề án này phải bảo mật nên phương án xử lý KCN Mỹ Trung, địa phương vẫn chưa được tỏ tường”, ông Hoan cho biết.
Không chỉ KCN Mỹ Trung, cụm Điện - Thép Cái Lân, việc xử lý các tàu cũ thuộc hạm tàu Vinashin đang bị mắc cạn bởi các khoản nợ, lỗ khổng lồ cũng chưa có lối thoát. Rõ nhất là tàu FS Beach đang neo đậu vạ vật tại cảng Cam Ranh từ 2 năm nay, trong khi nợ gốc và lãi đã lên tới 28 triệu USD, cao gấp nhiều lần giá trị thực tế.
Được biết, tình trạng chậm xử lý các dự án, công trình có vốn đầu tư chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó Vinashin - SBIC là ví dụ điển hình đang gây ra nhiều bức xúc trong cử tri cả nước. Ngoài Vinashin - SBIC, hàng loạt dự án trị giá hàng ngàn tỷ đồng do các doanh nghiệp nhà nước đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả đang gây nhức nhối trong dư luận xã hội, bào mòn sức khỏe nền kinh tế như Dự án Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án Mở rộng giai đoạn II, Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ - PVTex.
Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, từ sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đến nay, trong số 3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, có rất nhiều ý kiến gay gắt về việc quản lý đất đai, tài sản công chưa chặt chẽ, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước; việc tổ chức thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia thiếu tính đồng bộ; chậm tiến độ trong đầu tư công; một số dự án “treo” gây lãng phí.
Theo ông Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, việc cơ cấu lại một số doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, trong đó có công tác thu hồi vốn nhà nước từ các dự án đầu tư thua lỗ còn chậm, để lại hậu quả nghiêm trọng.
Đại biểu này cho rằng, cần rà soát và xử lý dứt điểm theo đúng tinh thần Nghị quyết 12/2017-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, ưu tiên đến năm 2020 tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Không chỉ với 12 dự án của ngành công thương hay Vinashin - SBIC, mà cần rà soát tổng thể các dự án, các doanh nghiệp thua lỗ khác.