Những tổng thống Mỹ đương nhiệm 'bị ép' từ bỏ đường đua tranh cử

Ông Biden là tổng thống đương nhiệm thứ hai trong lịch sử Mỹ không được đảng của ông đề cử trong chiến dịch tái tranh cử.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Theo tạp chí Mỹ Town & Country, với việc ông Biden rút lui khỏi cuộc đua tổng thống, chu kỳ bầu cử Mỹ năm 2024 đang bước vào giai đoạn khó lường.

Trong khi chưa rõ ai sẽ là người thay thế hoàn hảo cho ông Biden, đây không phải lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ có một tổng thống đương nhiệm mất đề cử của đảng mình khi ra tái tranh cử. Dù ông Biden lựa chọn tự rút lui nhưng rõ ràng, Tổng thống Mỹ đương nhiệm chịu áp lực từ đảng Dân chủ và các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy quan điểm của cử tri là ông nên rút lui.

Một Tổng thống Mỹ cũng bị mất đề cử của đảng mình là trường hợp của ông Franklin Pierce vào năm 1856. Một số Tổng thống Mỹ khác như Calvin Coolidge hay Lyndon B. Johnson quyết định không tái tranh cử. Lý do ông Lyndon B. Johnson rút lui là vì sức ép từ làn sóng phản đối chiến tranh liên quan đến Chiến tranh Việt Nam và sự phản đối từ các thượng nghị sĩ cùng đảng là Eugene McCarthy và Robert F. Kennedy. Ông Johnson được cho là tự hiểu rằng, ngay cả khi vẫn có thể ứng cử, ông chỉ khiến đảng Dân chủ đánh mất uy tín và sự ủng hộ.

Tổng thống Franklin Pierce

Tổng thống Mỹ thứ 14 Franklin Pierce. Ảnh: Getty

Năm 1856, Tổng thống thứ 14 của Mỹ Franklin Pierce tái tranh cử. Nhưng quan điểm của ông Pierce chống lại phong trào bãi nô, việc ông thực thi Đạo luật Nô lệ Đào tẩu, và việc ông ký thành luật Đạo luật Kansas-Nebraska năm 1854 khiến ông không được lòng các thành viên đảng Dân chủ.

Kết quả là tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ năm 1856, các đại biểu đã không chọn ông Pierce mà đề cử cựu Ngoại trưởng James Buchanan. Ông Pierce sau đó cũng ủng hộ ông Buchanan, người đã thắng cử và trở thành Tổng thống Mỹ thứ 15 (1857-1861). Theo tạp chí Town & Country, ông Pierce là tổng thống đương nhiệm đầu tiên không nhận được đề cử của đảng mình cho nhiệm kỳ thứ hai.

4 tổng thống Mỹ đương nhiệm khác

Trong lịch sử Mỹ, có 4 Tổng thống Mỹ đương nhiệm khác bị mất đề cử từ đảng của mình, nhưng khác với trường hợp của ông Pierce, không ai trong số này trở thành tổng thống trong nhiệm kỳ đầu nhờ bầu cử. Họ trở thành tổng thống sau cái chết của Tổng thống đương nhiệm.

John Tyler, người trở thành Tổng thống Mỹ thứ 10 vào năm 1841 sau cái chết của người đương nhiệm William Henry Harrison, bị trục xuất khỏi đảng Whig chỉ vài tháng sau đó vì bất đồng và xung đột nghiêm trọng với lãnh đạo đảng về các chính sách và quyền lực tổng thống. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ một tổng thống đương nhiệm bị trục xuất khỏi chính đảng của mình. Vì vậy, ông Tyler không đủ điều kiện nhận đề cử của đảng này vào năm 1884. Đảng Whig đề cử ông Henry Clay - người sau đó thua ứng viên tổng thống đảng Dân chủ James K. Polk.

Millard Filmore, Tổng thống thứ 13 của Mỹ, nắm quyền sau cái chết của người đương nhiệm Zachary Taylor năm 1850. Tại đại hội toàn quốc của đảng Whig năm 1852, ông Filmore mất đề cử vào tay tướng Winfield Scott vì thực thi đạo luật Nô lệ Bỏ trốn, gây mất lòng người miền bắc. Tướng Scott sau đó thua cuộc trước ứng viên đảng Dân chủ Franklin Pierce.

Tổng thống Mỹ thứ 17 Andrew Johnson. Ảnh: Britannica

Andrew Johnson, Tổng thống Mỹ thứ 17, nhậm chức vào năm 1865 sau vụ Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát. Trong cuộc bầu cử năm 1868, ông Johnson cố gắng để giành đề cử của đảng Dân chủ nhưng không thành công. Tổng thống đương nhiệm thua trước cựu Thống đốc New York Horatio Seymour. Ông Seymour sau đó thua ứng viên đảng Cộng hòa Ulysses S. Grant trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Chester Arthur, Tổng thống thứ 21 của Mỹ, kế nhiệm chức vụ tổng thống sau khi ông James Garfield bị ám sát năm 1881. Ông Arthur không giành được đề cử của đảng Cộng hòa cho nhiệm kỳ thứ hai, khi thua cuộc trước Ngoại trưởng James G. Blaine. Ông Blaine sau đó thua trong cuộc bầu cử trước ứng viên đảng Dân chủ Grover Cleveland.

Tâm Hoa - T&C Magazine

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/nhung-tong-thong-my-duong-nhiem-bi-ep-tu-bo-duong-dua-tranh-cu-217391.html