Những trái ngọt từ vườn cây giảm nghèo

Để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước vươn lên trong cuộc sống, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Tân Yên tích cực triển khai mô hình tặng cây giống, nhân rộng những vườn, đồi xanh.

Hỗ trợ sinh kế

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, cấp ủy, chính quyền huyện Tân Yên đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, tổ chức hội, đoàn thể triển khai các giải pháp hỗ trợ hội viên, đoàn viên và nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế. Nhằm hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo tự lực vươn lên đồng thời căn cứ đặc thù địa bàn, từ năm 2017, Hội Nông dân huyện triển khai phong trào tặng vườn cây giảm nghèo, vườn cây nghĩa tình. Theo đó, các cơ sở hội vận động hội viên góp tiền mua tặng các loại cây giống; huy động mọi người giúp sức san gạt, cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả tặng hộ nghèo, cận nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn.

 Hội Nông dân thị trấn Cao Thượng hỗ trợ trồng cây giảm nghèo cho hội viên Nguyễn Thị Ca, tổ dân phố Hòa Sơn.

Hội Nông dân thị trấn Cao Thượng hỗ trợ trồng cây giảm nghèo cho hội viên Nguyễn Thị Ca, tổ dân phố Hòa Sơn.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Liên Chung, qua rà soát, Hội nắm bắt nhu cầu, điều kiện thực tế mỗi gia đình và đặc thù địa phương để hỗ trợ loại cây trồng phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả như cây bưởi diễn và sâm nam núi Dành. Giờ đây nhiều khu vườn tạp, bãi đất hoang đã được cải tạo, trồng chuyên canh một loại cây. Tháng 8 vừa qua, Hội đã tặng hộ ông Nguyễn Văn Hưng ở thôn Lãn Tranh 1 một vườn cây sâm Nam núi Dành.

Anh Đoàn Văn Quyết ở tổ dân phố Hòa Sơn, thị trấn Cao Thượng có hoàn cảnh khó khăn, vợ anh không có khả năng lao động, con còn nhỏ. Đồi vườn nhà rộng nhưng không có vốn để cải tạo, tăng gia sản xuất nên anh đành bỏ hoang. Nhằm chia sẻ với anh, đầu năm 2023, Hội Nông dân thị trấn vận động hội viên góp kinh phí tặng “vườn cây giảm nghèo” gồm 80 cây ổi lê, hướng dẫn anh cách trồng, chăm sóc. Đến nay, vườn cây đã phát triển tốt và cho thu hoạch. Anh Quyết cho biết: "Vườn ổi đã được bán khoảng 4 tạ; giá trung bình 13-18 nghìn đồng/kg. Nhờ vậy, gia đình tôi có thêm điều kiện trang trải cuộc sống".

Thống kê sơ bộ, đến nay, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã trồng, tặng 120 vườn cây ăn quả gồm các loại: Nhãn, bưởi, hồng xiêm, vú sữa, mít, xoài, sâm Nam núi Dành cho hội viên nghèo. Mỗi vườn trồng từ 40 - 150 cây, tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Nhờ sự hỗ trợ thiết thực, 5 năm qua các cơ sở hội nông dân trong huyện đã giúp 135 hội viên thoát nghèo. Riêng từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Nông dân huyện đã tặng 4 vườn cây giảm nghèo cho hội viên hoàn cảnh khó khăn ở các xã: Liên Chung, Phúc Hòa, Hợp Đức và thị trấn Cao Thượng.

Lan tỏa phong trào

Sau thời gian triển khai, mô hình vườn cây giảm nghèo, vườn cây nghĩa tình do Hội Nông dân huyện Tân Yên phát động đã phát huy hiệu quả, được nhân rộng tới các tổ chức hội phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện được giúp sức về sinh kế, kiến thức để tự lực vươn lên. Từ năm 2021, Huyện đoàn Tân Yên triển khai mô hình “Rừng cây thanh niên lập nghiệp”. Kết quả đến nay, các cơ sở đoàn trong huyện đã tặng hơn 6 nghìn cây trồng các loại cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế. Vừa qua, anh Vũ Văn Thành (SN 1994) ở thôn Đèo, xã An Dương được Huyện đoàn hỗ trợ 2 nghìn cây keo, bạch đàn; được giới thiệu vay vốn sản xuất từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Anh Thành chia sẻ, sự hỗ trợ kịp thời từ tổ chức Đoàn là động lực để anh vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Anh sẽ nghiên cứu, học hỏi thêm kiến thức để chăm sóc tốt vườn keo, tận dụng ưu thế vườn đồi để đầu tư nuôi gà, tăng nguồn thu.

Tại Tân Yên, căn cứ theo nhu cầu, nguyện vọng của hộ được hỗ trợ và điều kiện, tình hình thực tế địa bàn, các tổ chức hội sẽ lên danh sách cây giống để hỗ trợ phù hợp. Đơn cử như tại xã Hợp Đức hỗ trợ hộ nghèo trồng các loại cây: Vú sữa, vải thiều; xã Quế Nham, Ngọc Lý tặng cây bưởi, hồng xiêm; xã Liên Chung tặng bưởi, mít hoặc cây sâm Nam núi Dành - loại cây chủ lực tại địa phương. Thực tế, những loại cây này đều mang lại hiệu quả kinh tế, tiêu thụ thuận lợi, giúp các hộ yên tâm sản xuất. Sau khi tặng cây giống và trồng giúp, các cơ sở hội còn hỗ trợ phân bón, cử cán bộ, hội viên thường xuyên thăm vườn, kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc trong thời gian đầu, bảo đảm cây phát triển tốt. Hằng năm, các hội, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt cho các hộ để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, sản xuất hiệu quả.

Theo đánh giá của huyện Tân Yên, việc tặng vườn cây là hình thức hỗ trợ sinh kế thiết thực, có ý nghĩa lâu dài, phù hợp với điều kiện thực tế hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương. Qua đó góp phần giúp các gia đình có điều kiện nỗ lực lao động, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững. Theo kết quả rà soát năm 2023, huyện Tân Yên còn 1.122 hộ nghèo (tỷ lệ 2,21%), giảm 523 hộ so với năm 2022 và 1.729 hộ cận nghèo (tỷ lệ 3,4%), giảm 402 hộ so với năm 2022. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục làm tốt công tác rà soát, vận động đoàn viên, hội viên, các doanh nghiệp hỗ trợ cây giống cho người dân trên địa bàn. Cùng đó tăng cường đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để người nghèo có kiến thức chăm sóc, mô hình phát huy hiệu quả.

Khôi Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nhung-trai-ngot-tu-vuon-cay-giam-ngheo-151430.bbg