Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam nhìn từ hai phía (2): Quần nhau với Thần Sấm F-105
ANTĐ Máy bay F-105 được đặt cho cái tên Thần Sấm bởi nó có khả năng 'bay nhanh gấp hai lần tiếng động'. Nhưng lần đầu gặp nhau, Thần Sấm đã bị loại máy bay lạc hậu hơn hai thế hệ - MiG-17 – bắn rơi trong một thế trận hùng hậu nghiêng hẳn về phía Mỹ.
Thiếu tá thua cuộc
Sáng sớm 4-4-1965, nhiều tốp máy bay của Hải quân Mỹ vào trinh sát khu vực Thanh Hóa và quan sát tình hình thời tiết. Với ý đồ đánh sập cầu Hàm Rồng, đội hình tấn công của Không quân Mỹ được tăng cường lên 48 chiếc F-105, cùng 10 chiếc F-100D làm nhiệm vụ hộ tống. Trận này, Phi đoàn trưởng, Trung tá Robinson Risner lại dẫn đầu. Ngoài ra còn có hơn 30 chiếc F-4B của Hải quân Mỹ làm nhiệm vụ hỗ trợ khi cần thiết.
Thời tiết ngày 4-4 vẫn xấu, có mù khô dày đặc từ độ cao 4.000m đến 5.000m, khiến cho đội hình cường kích phải bay vòng chờ ở phía Nam Hàm Rồng để lần lượt vào công kích mục tiêu. Do hơn 80 máy bay của Không quân Mỹ cùng sử dụng trên một tần số, khiến liên lạc vô tuyến đối không bị tắc nghẽn.
Trung đoàn Không quân 921 giao nhiệm vụ đánh chính cho biên đội Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm.
Lúc 10 giờ 22 phút, biên đội tấn công gồm Hanh số 1, Giấy số 2, Huân số 3, Năm số 4 cất cánh. Sau khi xuyên mây, biên đội bay về hướng 230 độ, rồi bất ngờ ngoặt xuống hướng Đông Nam, tiến vào khu vực chiến đấu.
Lúc 10 giờ 30 phút, các phi công trong biên đội đều báo cáo phát hiện mục tiêu trên không bay từ phía Đông vào. Số 1 Trần Hanh phát hiện 4 chiếc F-105 đang kéo lên sau khi cắt bom nên hoàn toàn rơi vào thế bất lợi.
Các máy bay F-105 với cấu hình cường kích, đeo 8 bom MK117 (250kg) và 2 thùng dầu phụ, rất nặng nề, lại phải vòng chờ đến lượt ném bom nên tất cả đều bay với tốc độ 600-650km/h. Đây là tốc độ bất lợi khi chuyển sang không chiến. Các máy bay F-100D làm nhiệm vụ hộ tống cũng phải giảm tốc độ bay để bám theo các máy bay F-105. Vì vậy, khi phát hiện MiG, F-100D phải mất thêm thời gian tích lũy để đạt tốc độ không chiến với MiG.
Trong khi đó, biên đội MiG-17 của Trần Hanh đã khéo léo chen vào giữa tốp F-105 và tốp F-100D để chiếm vị trí công kích máy bay cường kích của Không quân Mỹ.
Quan sát thấy chiếc F-105 số 1 đang kéo lên, Trần Hanh quyết định bám theo, lệnh Phạm Giấy yểm hộ. Lúc này, các máy bay F-105 vừa bắt đầu vào vòng chờ ném bom (Orbit). Chiếc F-105 số 3 phát hiện hai máy bay lạ đang bổ nhào tiếp cận khoảng 3km phía sau các máy bay F-105. Đến cự ly 1.200m thì chiếc F-105 số 3 nhận ra đó là hai chiếc MiG đang chiếm vị trí tấn công hai chiếc F105 phía trước.
Hai chiếc F105 số 3 và số 4 báo động cho số 1 và số 2 xong không thấy hai chiếc của tốp đầu phản ứng gì. Hai chiếc MiG-17 lao vượt qua đầu 2 chiếc F-105 với tốc độ lớn...
Chiếc MiG của Trần Hanh bắt đầu bám theo công kích chiếc F-105 số 1. Đến cự ly 400m, số 1 Trần Hanh bắn hai loạt đạn nhưng không có kết quả. Anh bình tĩnh chiếm lại vị trí và ngắm bắn lần thứ ba, ở cự ly 150m, siết cò cả 3 khẩu pháo. Anh nhìn thấy đạn trùm lên hai bên cánh, chiếc F-105 bốc khói, lật ngửa, nổ tung và rơi xuống. Chiếc MiG-17 của Trần Hanh lướt qua ngay trên đầu chiếc F-105 đang bốc cháy.
Viên phi công điều khiển chiếc F-105 bị Trần Hanh bắn hạ là Thiếu tá Frank Everett Bennett thuộc Phi đoàn 354 Không đoàn 355 TFW. Máy bay của Bennett bị trúng đạn, tuy cố bay ra biển nhưng đã rơi cách Thanh Hóa 30km, gần đảo Hòn Mê. Bennett nhảy dù ra, nhưng bị chìm mất trước khi lực lượng cứu hộ kịp đến.
Gần như đồng thời, số 3 Lê Minh Huân được số 4 Trần Nguyên Năm yểm hộ vào công kích chiếc F-105 số 2. Lê Minh Huân đã nổ súng, nhiều phát đạn đã trúng thân chiếc F-105 của Đại úy James A.Magnusson. Chiếc máy bay này rơi ở phía Nam Thanh Hóa 30km. Cả hai chiếc MiG-17 tiếp tục bám theo công kích F-105 đến cự ly 250m thì dừng bắn, và bay mất hút trong lớp mù khô.
Thoát chết trong gang tấc
Sau khi bắn rơi chiếc F-105D và thoát ly, phi công Trần Hanh nhìn thấy rõ các máy bay F-100D đang rút ngắn cự ly bám theo phía sau. Khi viên phi công của F-100D phóng tên lửa, anh lập tức lật ngửa máy bay, kéo lộn xuống với quá tải rất lớn. Khi mũi máy bay chìm xuống dưới đường chân trời khoảng 30 độ, thì 2 quả tên lửa Sidewinder bay vút qua phía trên.
Động tác cơ động của Trần Hanh mạnh đến nỗi càng máy bay bật ra khỏi chốt khóa, hệ thống con quay định vị của la bàn máy bay bị hỏng, khiến máy bay sau đó mất khả năng định vị. Ngay sau khi phóng 2 quả tên lửa không trúng mục tiêu, chiếc F-100D tiếp tục bám theo số 1 Trần Hanh để công kích, nhưng chiếc MiG đã kéo cao và biến mất trong mây.
4 chiếc F-100D làm nhiệm vụ RESCAP (tuần tiễu, cứu nguy) cũng phát hiện ra một MiG-17 (có thể là MiG của Trần Hanh) ngay trước mũi, trong tư thế đối đầu. 4 chiếc F-100D ép độ nghiêng định bám theo thì phát hiện ra thêm 2 chiếc MiG khác đang bám theo phía sau. Các máy bay F-100D vòng gắt khiến 2 chiếc MiG bị xông lên trước...
Nhưng ngay lúc đó, chiếc MiG bằng động tác điều khiển khéo léo kịp vòng gấp lại, bám theo số 1 của biên đội RESCAP. Do lo ngại chiếc MiG đã vào vị trí công kích nên chiếc F100D số 2 vội bắn ra một loạt đạn dài từ cự ly xa. Chiếc MiG khoan một vòng, lật úp xuống và biến mất.
Trong khi đó, số 4 Năm bám theo chiếc F-100D số 3 và bắn ra một loạt đạn nhưng không trúng mục tiêu. Tiếp đó anh lại bám theo F-100D số 4 nhưng chiếc này cũng khôn khéo bổ nhào chạy thoát.
Riêng Trần Hanh, sau khi thoát ly khỏi khu vực chiến đấu ở độ cao thấp, mất liên lạc với Sở chỉ huy, không xác định được chính xác vị trí. Do hết dầu, anh đã quyết định nhảy dù. Nhưng khi nhìn thấy một vệt dài bằng phẳng phía dưới, anh thay đổi quyết định, hạ cánh xuống một thung lũng ở bản Kẻ Tằm, Nghệ An.
Sau khi tiếp đất bên một con lạch nhỏ, thấy mô đất cao đã đạp lái hướng cho máy bay quay ngang. Máy bay chạy thêm một đoạn thì dừng lại trên ruộng lúa, bùn sâu khoảng 15cm. Phi công bị ngất một lúc. Khi tỉnh lại vẫn đang tư thế ngồi sau tay lái.
Những thông tin khác nhau từ hai phía
Ngày 4-4-1965, trong buổi họp báo ở Sài Gòn, Tướng William W.Momyer – Tư lệnh Tập đoàn Không quân Mỹ số 7 đã phải thừa nhận rằng, các máy bay của không lực Bắc Việt Nam đã dùng súng Cannon bắn hạ các máy bay phản lực siêu âm của Mỹ, “trong khi chúng tôi không bắn rơi chiếc nào”.
Hãng tin Mỹ - UPI thì đưa tin: “Việc máy bay MiG bắn hạ những máy bay phản lực bay nhanh gấp 2 lần tiếng động, khiến Nhà Trắng phiền lòng, còn Lầu Năm góc thì đang loay hoay tìm cách thay đổi chiến thuật ném bom ở Bắc Việt Nam…”.
Các tài liệu của Mỹ ghi nhận có 3 chiếc F-105 bị rơi. Hai chiếc thừa nhận do MiG bắn rơi, nhưng chiếc thứ 3 thì không khẳng định do Không quân hay Phòng không bắn rơi.
Theo phân tích các hành động của biên đội MiG trong trận chiến, chiếc F-105 thứ ba này rất có thể do phi công Phạm Giấy hoặc Trần Nguyên Năm bắn rơi, đặc biệt là các động tác bám theo và xạ kích của phi công Năm vào cuối trận không chiến.
Mặc dầu phía Mỹ công bố không bắn rơi máy bay nào của Việt Nam, tuy nhiên, phía Việt Nam công khai ghi nhận có 3 phi công hi sinh trong chiến đấu. Đó là Phạm Giấy, Lê Minh Huân và Trần Nguyên Năm.