Những trang đời trong Nhật ký nữ nhà báo chiến trường

Cuối năm ngoái, trong một lần ra Hà Nội, Lệ Thu đến Hội Nhà văn Việt Nam với một hòm sách nặng. Ðó là một tuyển thơ dày dặn của chị vừa xuất bản. Tôi nâng tập sách trên tay thầm cảm phục sức viết của chị và lan man nghĩ về những khuếch tán của hồn chữ. Chưa thể đọc cho xong một tuyển thơ tổng kết sức cảm, sức nghĩ công phu thì lại nhận được một bó bản thảo còn nặng hơn thế nữa, vẫn của chị gửi cho. Ðó là Nhật ký nữ nhà báo chiến trường.

Tác phẩm mới

Kỹ càng, đều đặn, cụ thể đến từng sự việc, từng chi tiết. Ðó hầu như là toàn bộ đời sống của một con người trải qua những năm tháng hệ trọng nhất của đất nước và của đời riêng. Tấm phông lớn phía sau là diễn trình dồn dập của biết bao nhiêu sự kiện trong những năm cuối cùng của chiến tranh. Hiện lên trang giấy là những lời tự bạch chân thật đến mức không thể chân thật hơn được nữa. Tôi bị cuốn vào tập nhật ký. Không thể bỏ qua một trang nào.

Sự nhạy cảm của một hồn thơ với sự kỹ càng sắc sảo của một nhà báo làm cho những trang nhật ký của chị có cái quánh bện của sự kiện và hồn người. Tôi ngạc nhiên về kỹ năng văn xuôi của Lệ Thu. Giữa sống chết, công việc với đủ sự va đập của chiến trường, chị chỉ chọn những gì nổi bật nhất trong ngày, rọi ánh sáng vào đấy, làm bật lên cốt lõi, thần thái của sự việc. Và không quên, không bao giờ quên cho ta biết nhịp đập tâm hồn của chị. Ðây là tâm trạng của người mẹ rứt ruột ra đi chiến trường khi đứa con thơ đang ngủ: "Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là mình phải ra đi - một chuyến đi có thể là "định mệnh". Nhìn đứa con bé bỏng yêu quý vô ngần của mình nằm ngủ vô tư không biết rằng, sáng mai thức dậy sẽ không còn mẹ ở bên cạnh, lòng mình cảm thấy xót xa quá. Thật tội nghiệp con. Nhưng biết làm sao bây giờ. Phải chấp nhận thôi!".

Hoàn cảnh và tâm trạng của Lệ Thu khá điển hình cho số phận của hàng triệu con người trong những năm đất nước chiến tranh, chia cắt. Vào đến khu V, vì mọi sự khó khăn nên Ðài phát thanh Giải phóng khu V không thành lập được, Ðoàn cán bộ của Lệ Thu trở thành bộ phận "thường trú" của Ðài phát thanh Giải phóng. Từ đây, biết bao nhiêu thử thách dồn dập, căng thẳng đến với chị. Lệ Thu không bỏ sót một sự kiện nào, cả đến chuyện chi bộ xem xét kết nạp đảng viên mới.

Nhật ký Lệ Thu cho ta biết ngay từ những ngày ở rừng, bệnh bè phái đã manh nha, nó như là cái mầm độc trong cơ thể của cách mạng, buộc những người cách mạng chân chính phải nghiêm mặt đấu tranh với nó để bảo đảm sự thuần khiết của đội ngũ. Cảm động biết bao những trang chị viết về những mẫu người trẻ tuổi ở vùng mới giải phóng, những sự đùm bọc của đồng chí đồng đội, những sự hy sinh thầm lặng mà vô cùng cao cả. Những mẫu người chỉ kịp thoáng qua nhưng để lại cho người đọc biết bao thiện cảm. Ðó là những ngày ta và địch quần nhau, giành giật từng thửa ruộng, từng con đường. Chiến sự cuốn như bão. Rồi quê hương giải phóng. Người còn người mất, những tên nợ máu vứt áo rằn ri trà trộn vào hàng ngũ nhân dân trốn tội.

Thật sinh động và cảm động bởi những dòng chị viết về Phước, cô du kính xã Phước Hòa có người yêu là Hải vừa bị hy sinh trong trận phục kích, và khi cô giáp mặt tên ấp trưởng ác ôn là thủ phạm: "Phước như một phản xạ tự nhiên, khẩu súng trong tay giương lên, ngón tay trỏ đặt vào cò súng... nhưng chợt nhớ chính sách của cách mạng: "không được giết tù binh" mũi súng lại từ từ hạ xuống". Tất cả dưới ngòi bút của Lệ Thu hiện lên trần trụi, khốc liệt, trộn lẫn máu và nước mắt, sống động, như bản thân cuộc sống đang diễn ra trước mắt ta.

Cảm ơn chị cho tôi được sống lại những ngày lịch sử trọng đại không bao giờ quên cách nay tròn 40 năm. Và cảm ơn hơn nữa, là được chị cởi mở hành trình tâm trạng trước biết bao thắt, mở của đời sống chiến trường. Tôi nghĩ những ai đã trải qua cuộc chiến tranh oanh liệt ấy sẽ trân trọng tập nhật ký này. Và cả những người mới đến, sinh ra và lớn lên sau chiến tranh cũng sẽ nâng niu những trang đời của một lớp người đi trước. Lệ Thu viết cho riêng chị, nhưng "tài liệu cá nhân" này cần thiết và có ích cho tất cả chúng ta.

Nhà thơ HỮU THỈNH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/25963302-nhung-trang-doi-trong-nhat-ky-nu-nha-bao-chien-truong.html