Những trang nhật ký
Nhật ký là một từ Hán Việt, có nghĩa là sự ghi chép hàng ngày. Mạng xã hội hiện nay đúng là cuốn nhật ký mở khổng lồ nếu anh tham gia. Khi nào mở ra Phây cũng hỏi: 'Ấy ơi, hôm nay ấy nghĩ gì thế?'... Bây giờ là thời của thế hệ mới, một thế hệ không thể xa chiếc điện thoại dù chỉ 1 phút, chăm chỉ chia sẻ hình ảnh, suy nghĩ của cá nhân và chăm chỉ bình luận, thể hiện quan điểm với suy nghĩ của người khác.
Thời chưa có mạng, việc ghi nhật ký hàng ngày là chuyện rất bình thường với rất nhiều người. Tối trước khi đi ngủ, lúi húi cây bút với cuốn sổ nhỏ ở một góc yên tĩnh, ghi chép lại những hoạt động, quan sát, những cảm xúc, suy nghĩ… của bản thân trong ngày, với nhiều người là một nhu cầu không thể thiếu. Thời xưa, ai có được cuốn sổ nhỏ, bìa ni-lông làm sổ nhật ký là đỉnh, chứ còn bao nhiêu người vẫn lấy luôn tập vở học trò làm nhật ký… Chẳng sao, cứ tối về lúi húi ghi, sổ nào cũng được, miễn là có nơi để cảm xúc tuôn trào.
Đương nhiên nhật ký là riêng tư, chủ yếu viết cho mình. Hàng triệu triệu cuốn nhật ký đã được cất kỹ đâu đó trong hành trang của đời mình. Nhưng có trường hợp đặc biệt, có những cuốn nhật ký của những người mà ghi chép, suy nghĩ vượt lên một cá nhân hoặc vì một lý do nào đó khi được công bố trở nên nổi tiếng.
Thế giới đã rất quen thuộc với Nhật ký Anne Frank, ghi chép lại cuộc đời của cô bé người Do Thái 12 tuổi trong khi ẩn náu lúc quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng thời Thế chiến thứ 2, sau đó chết trong trại tập trung khét tiếng Auschwitz năm 15 tuổi. Đây là một trong những quyển sách nổi tiếng nhất thế giới, tạo cảm hứng cho nhiều vở diễn và tác phẩm điện ảnh sau này. Bao thế hệ thanh niên đã đọc Nhật ký Che Guevara, người anh hùng Cuba mà Chủ tịch Phidel đã nói: “Che là hiện thân của một con người mà ý tưởng và hành động luôn đi cùng nhau. Một con người bản lĩnh và đầy tình người mà ngay cả kẻ thù cũng phải kính nể”…
Trong nước, hầu như mọi người đều biết đến Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Một cuốn nhật ký có số phận kỳ lạ. Cuốn sổ nhỏ ghi chép riêng tư nhặt được bên xác của một nữ Việt Cộng đã suýt bị người lính Mỹ ném vào lửa, nhưng người phiên dịch đã khuyên anh ta nên giữ lại vì “trong đó có lửa”. Cuốn nhật ký là thế giới riêng của người trí thức nhạy cảm mà không yếu đuối, tha thiết với cuộc sống mà không hề sợ hãi trước những gian nan nơi chiến tuyến. Cũng khá nổi tiếng là hàng trăm lá thư cùng cuốn nhật ký dày 240 trang viết tay của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc được Nhà xuất bản Thanh Niên in thành cuốn sách Mãi mãi tuổi hai mươi. Cuốn sách này cùng Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được xếp vào 1 trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu năm 2005 tại Việt Nam với số lượng phát hành kỷ lục và nhiều lần tái bản. Tháng 7 năm ngoái, bộ Nhật ký thời chiến Việt Nam gồm hàng chục cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường khác mà nhiều bạn chưa được đọc cũng đã ra mắt: “Nhật ký chiến tranh” của nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong; “Nhật ký chiến trường” của liệt sĩ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; “Những ngày trong vòng vây” của Trần Mai Hạnh…
Kể từ khi mạng Internet ra đời, rất nhiều thói quen cả trăm năm của con người đã bị đảo lộn. Trước tiên là email ra đời đã đẩy ngành bưu chính vào con đường suy tàn. Bây giờ đâu còn mấy ai ngồi tỉ mẩn viết thư, bỏ phong bì dán tem đi gửi bưu điện? Rồi khi mạng xã hội ra đời, cuốn sổ nhật ký hầu như bị khai tử. Lứa trẻ giờ viết chữ chậm hơn gõ phím (mà chữ xấu kinh khủng nữa), mạng xã hội vừa nhanh lại còn kèm hình tức thời… Bấy nhiêu đủ lý do để cuốn sổ nhật ký trở thành đồ cổ rồi.
Nhu cầu ghi chép lại những quan sát, cảm xúc, suy nghĩ, chiêm nghiệm cá nhân… thời nào cũng thế. Chỉ là phương tiện khác nhau thì cách thể hiện cũng khác nhau. Con người ngày nay hầu như không còn sự riêng tư nữa, tất tần tật đã được khoe ra, chia sẻ với thế giới. Với đà này, nhật ký của Đặng Thùy Trâm, của Nguyễn Văn Thạc, của bộ Nhật ký thời chiến Việt Nam… có khi là những cuốn nhật ký cuối cùng được công bố của nhân loại.
Thủy Ngân
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202103/nhung-trang-nhat-ky-8209486/