Những trang nhật ký lưu giữ thời hào hùng của dân tộc

Bộ sách 'Nhật ký thời chiến Việt Nam' thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt là giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Buổi tọa đàm, ra mắt bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam diễn ra mới đây tại địa chỉ https://book365.vn, thuộc khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia.

 Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Công trình tri ân một thế hệ

Nhà văn Đặng Vương Hưng - chủ biên bộ sách - dành nhiều thời gian chia sẻ về sự ra đời của Nhật ký thời chiến Việt Nam. Theo ông, đây là công trình ý nghĩa, với sự nỗ lực cống hiến của cả tập thể, mà ông may mắn là chủ biên.

Khi được hỏi về cơ duyên đến với ý tưởng tập hợp, biên soạn tư liệu chiến tranh của những người lính, ông chia sẻ cách đây 16 năm, ông gặp nhà sưu tầm người Italy, tìm kiếm những kỷ vật, bút tích chiến tranh. Từ cuộc gặp gỡ ấy, nhận rõ ý nghĩa quan trọng của di vật thời chiến, ông và một số cựu chiến binh, nhà văn nảy ra ý định sưu tầm, biên soạn và giới thiệu những lá thư và nhật ký về thời chiến tranh ở Việt Nam.

"Năm 2005, chúng tôi đã xuất bản 4 tập sách, tập hợp thư thời chiến của những người lính Việt Nam. Trong đó, có những sách đã in hàng triệu bản như Nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Nhật ký Đặng Thùy Trâm của anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm”, ông Hưng nói.

Theo nhà văn Đặng Vương Hưng, mỗi cuốn sổ nhật ký, tư liệu gửi đến cho chương trình, ông cùng những người thực hiện bộ sách đều rất trân trọng.

Ông cảm thấy thật may mắn khi được thân nhân gia đình liệt sĩ tin cậy, gửi gắm những di vật quý giá. Bởi vậy, mỗi tư liệu gửi đến đều được xử lý cẩn trọng, công phu với mong muốn giữ đúng tinh thần những tâm sự của thế hệ chiến sĩ ấy.

Đối với những người đã thực hiện bộ sách, đây có thể nói là tập hồ sơ đầy đủ, di sản văn hóa. Bộ sách đem đến nhiều ý nghĩa quan trọng, giúp độc giả hiểu biết hơn về lịch sử của dân tộc. Dù không muốn, những con người dũng cảm phải đối diện chiến tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước.

 Một phần nhật ký, lá thư, tư liệu của những người lính gửi về cho ban tổ chức biên soạn bộ sách. Ảnh: Ban tổ chức.

Một phần nhật ký, lá thư, tư liệu của những người lính gửi về cho ban tổ chức biên soạn bộ sách. Ảnh: Ban tổ chức.

Những tiếng lòng riêng được lắng nghe

Theo nhà văn Lê Thị Bích Hồng, bộ sách có sức lay động lớn trong cộng đồng. Bà tin rằng đó là bởi chất nhân văn chất chứa trong từng trang nhật ký, tư liệu. Dẫu mỗi cuốn sách, tác giả đều bày tỏ nhiều nỗi niềm riêng tư của đời sống mình, trên hết ấy là lý tưởng hòa bình, tỏa sáng trên từng trang viết.

Trong buổi tọa đàm, nhà văn Bích Hồng trích đọc những trang nhật ký xúc động của tác giả, nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý.

“Trong toàn bộ nhật ký của Dương Thị Xuân Quý đều xuất hiện hình ảnh của người con bé nhỏ, đó cũng như nguồn động lực của chị. Chị đã viết cho con những trang nhật ký thẫm đẫm tình cảm, yêu con, yêu nước. Những trang văn khiến bao nhiêu trái tim cảm động”, bà Hồng nói.

Buổi giao lưu cũng có sự tham gia của bà Đặng Kim Trâm, em gái của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Là một trong những người được tham gia hành trình của Nhật ký thời chiến Việt Nam ngay từ khi phát động, bà Kim Trầm rất xúc động khi chia sẻ về bộ sách.

“Chị Đặng Thùy Trâm chỉ là đại diện cho cả một thế hệ đã tham gia cuộc chiến hào hùng của dân tộc... Cầm cuốn sách trên tay, chúng tôi thấy vô cùng cảm động, vui mừng, vì những tâm tư, trăn trở của cả một thế hệ nay đã được lắng nghe. Tôi cũng hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều cuốn sách như thế được xuất bản, để thế hệ tương lai hiểu hết những tâm tư của thế hệ đi trước”, bà Đặng Kim Trâm tâm sự.

 Chù biên bộ sách Nhật ký thời chiến, nhà văn Đặng Vương Hưng. Ảnh: Báo Tin Tức.

Chù biên bộ sách Nhật ký thời chiến, nhà văn Đặng Vương Hưng. Ảnh: Báo Tin Tức.

Nguồn sử liệu hấp dẫn, chân thật

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử tại trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, có những chia sẻ chân thành về vai trò của bộ sách đối với việc dạy và học lịch sử hiện nay.

Theo ông, Nhật ký thời chiến Việt Nam là công trình đồ sộ, trở thành bộ sách quý trong lịch sử văn học Việt Nam nói chung.

Cầm cuốn sách trên tay, chúng tôi thấy rất cảm động, vui mừng, vì những tâm tư, trăn trở của cả một thế hệ nay đã được lắng nghe.

Bà Đặng Kim Trâm

“Đây là bộ nhật ký đặc biệt. Bộ sách sẽ là nguồn sử liệu quý cho việc dạy và học lịch sử, bổ sung những kiến thức đang còn thiếu trong giáo trình hiện chưa có”, nam giáo viên nói.

Thầy giáo Trần Trung Hiếu nói ông đánh giá rất cao công sức của nhà văn Đặng Vương Hưng với vai trò chủ biên cùng sự nhiệt tình của nhóm cộng sự với nhiều trăn trở, công sức và tiền bạc.

Trong bối cảnh hiện nay, khi bộ môn Lịch sử chưa được đánh giá đúng vai trò của nó, nguồn sử liệu trong nhà trường chưa tạo được sức hút lớn, giá trị lớn nhất của bộ sách là cung cấp cho nhiều giáo viên, bạn trẻ có hệ thống kiến thức lịch sử, làm cho họ có sự thay đổi về mặt nhận thức lịch sử về chiến tranh.

Cựu chiến binh Trương Công Đạo cũng khẳng định bộ sách chính là kho báu để lại cho đời sau. Nó như một phần đặc biệt trong hồ sơ văn hóa của một thế hệ, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.

Bộ sách này cũng sẽ giúp thế hệ hôm nay và mai sau được khích lệ lòng yêu nước, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh.

Thủy Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-trang-nhat-ky-luu-giu-thoi-hao-hung-cua-dan-toc-post1093297.html