Những tranh cãi xung quanh việc luận tội Quyền Tổng thống Hàn Quốc
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc đang có chiều hướng lan rộng và chưa nhìn thấy hồi kết khi Quốc hội Hàn Quốc, do đảng Dân chủ (DP) đối lập chiếm đa số, ngày 27/12 bỏ phiếu thông qua việc luận tội Quyền Tổng thống Han Duck Soo.
Ông Han mới thay thế Tổng thống Yoon Suk Yeol điều hành đất nước kể từ ngày 14/12 khi ông Yoon bị đình chỉ theo nghị quyết luận tội của Quốc hội Hàn Quốc liên quan đến trách nhiệm ban bố tình trạng thiết quân luật. Động thái luận tội Quyền Tổng thống Han là diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có trong lịch sử Hàn Quốc bắt nguồn từ việc áp đặt thiết quân luật đêm 3/12 của Tổng thống Yoon.
Việc phe đối lập luận tội Quyền Tổng thống Han Duck Soo bắt nguồn từ sự bất đồng trong việc phê chuẩn các dự luật mà phe đối lập, đứng đầu là Đảng DP thông qua và việc ông Han bác bỏ việc bổ nhiệm 3 thẩm phán Tòa án Hiến pháp do phe đối lập kiểm soát Quốc hội đề cử.
Theo quy định hiện hành, để có thể phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol, Tòa án Hiến pháp cần có sự đồng ý của ít nhất 6/9 thẩm phán. Tuy nhiên, do hiện chỉ có 6 thẩm phán đang tại vị nên khả năng đạt được sự nhất trí 100% dường như không chắc chắn. Việc bổ nhiệm thêm 3 thẩm phán để kiện toàn cả 9 vị trí là điều phe đối lập xúc tiến thông qua và cũng là tâm điểm của cuộc đấu tranh chính trị hiện tại giữa đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền và đảng DP tại Quốc hội.
Vẫn chưa rõ liệu Quyền Tổng thống Han có bị luận tội hay không cho dù Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua việc luận tội ông với 192 phiếu thuận trong tổng số 192 phiếu có mặt. Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Sik tuyên bố chỉ cần hội đủ đa số quá bán thông thường (tương đương 151/300) là đủ điều kiện thông qua nghị quyết luận tội quyền Tổng thống.
Như vậy, đảng DP đang nắm đa số ghế trong cơ quan lập pháp Hàn Quốc có thể luận tội bất cứ thành viên Nội các nào nắm giữ chức Quyền Tổng thống nếu Tòa án Hiến pháp công nhận điều kiện trên về số phiếu. Tuy nhiên, đảng PPP cho rằng nghị quyết luận tội quyền Tổng thống phải hội đủ 2/3 số phiếu tán thành tương đương với 200 trên tổng số 300 ghế quốc hội.
Đảng PPP đã phản đối động thái đơn phương do phe đối lập dẫn dắt và kiện lên Tòa án Hiến pháp về tính hợp lệ của cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội ngày 27/12. Nếu việc luận tội Quyền Tổng thống Han được phán quyết hợp hiến, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang Mok sẽ đảm nhiệm vai trò Quyền Tổng thống chính thức.
Về phần Tổng thống Yoon Suk Yeol, số phận chính trị của ông hiện phụ thuộc vào Tòa án Hiến pháp. Ngày 27/12, Tòa án Hiến pháp đã triệu tập phiên họp chuẩn bị đầu tiên để tiến hành phiên tòa luận tội Tổng thống Yoon với việc trình bày các luận điểm, sắp xếp thứ tự vấn đề tranh tụng, kiểm tra giao nộp chứng cứ, các tài liệu liệu quan cho các phiên tranh tụng. Các phiên tranh tụng chính thức dự kiến sớm nhất có thể tổ chức trong khoảng trung tuần tháng 1/2025.
Tòa án Hiến pháp có 180 ngày để ra phán quyết cuối cùng về việc luận tội Tổng thống Yoon. Nếu việc luận tội được chấp nhận, Tổng thống Yoon sẽ bị bãi nhiệm và một cuộc bầu cử sớm sẽ phải tổ chức trong vòng 60 ngày để bầu tổng thống mới. Cho đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch đảng DP đối lập Lee Jae Myung đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận với tỷ lệ ủng hộ vượt trội so với các ứng cử viên khác.