Những tranh chấp bồi thường bảo hiểm kéo dài
Tỷ lệ chi trả bồi thường luôn tỷ lệ nghịch với lợi nhuận, nên việc nhà bảo hiểm tìm cách giảm tỷ lệ này ở mức thấp nhất là dễ hiểu, nhưng nếu vì thế để xảy ra tranh chấp thì không nên.
Thực tế, tình trạng tranh chấp bồi thường bảo hiểm vẫn khá phổ biến trong năm qua, trong đó đa phần người tham gia bảo hiểm là bên chịu thiệt nên xảy ra tranh chấp. Chẳng hạn, Bảo hiểm AAA vướng vào 2 vụ tranh chấp, khách hàng đều gửi đơn thư khiếu nại tới cơ quan chức năng đề nghị can thiệp.
Đầu tiên, Công ty TNHH Bắc Hà cho biết, toàn bộ đội xe của doanh nghiệp đã tham gia bảo hiểm tại Bảo hiểm AAA từ năm 2015 đến nay, trong đó có bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới cho xe ô tô biển kiểm soát 17C-07308. Vào ngày 26/6/2019, tại xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, lái xe này do không chú ý quan sát khi lùi xe đã gây tai nạn khiến 1 người tử vong.
Nhà bảo hiểm đã tiến hành xử lý vụ việc, nhưng phía khách hàng cho rằng quyết định của Bảo hiểm AAA chưa đúng cả về thời gian giải quyết và số tiền bồi thường nên khiếu nại và đề nghị bồi thường theo đúng số tiền mà khách hàng đã phải chi để khắc phục tổn thất do lái xe gây ra theo pháp luật bảo hiểm và các quy định liên quan.
Trả lời Công ty Bắc Hà, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 của Bộ Tài chính, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn (Điều 9) và về nguyên tắc bồi thường bảo hiểm, đối với vụ tai nạn được cơ quan có thẩm quyền xác định nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của bên thứ ba thì mức bồi thường bảo hiểm về người đối với các đối tượng thuộc bên thứ ba bằng 50% mức bồi thường quy định tại Phụ lục 6, thông tư này (Điều 13). Trường hợp các bên không thống nhất được cách thức giải quyết bồi thường thì có thể đưa vụ việc ra tòa án theo quy định tại Khoản 3, Điều 26 - Bộ luật Tố tụng dân sự.
Ngày 24/12/2020, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm có văn bản yêu cầu Bảo hiểm AAA rà soát lại và đảm bảo việc giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định pháp luật cũng như hợp hồng bảo hiểm, báo cáo và có văn bản trả lời bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
Thứ hai, CTCP Tư vấn đầu tư xây dựng Chí Cường cũng đề nghị cơ quan này tiến hành thanh tra, kiểm tra việc giải quyết bồi thường thiệt hại trách nhiệm dân sự của Bảo hiểm AAA đối với chủ xe ô tô biển kiểm soát 29C-473.07, yêu cầu nhà bảo hiểm tuân thủ kết luận của cơ quan công an và Thông tư 22/2016/TT-BTC bồi thường đủ mức trách nhiệm bảo hiểm số tiền 100 triệu đồng.
Ngoài ra, Công ty Chí Cường còn yêu cầu làm rõ hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm của Bảo hiểm AAA trong vụ việc này để xử lý theo quy định tại Điều 14 - Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, được sửa đổi tại Nghị định số 48/2018/NĐ-CP đối với hành vi “giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra”. Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã có công văn đề nghị Bảo hiểm AAA rà soát việc này.
Mới nhất, vào cuối năm 2020, một công ty bảo hiểm thuộc tốp đầu về doanh thu bán bảo hiểm xe cũng vướng tranh chấp tương tự. Hiện tại, vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết.
Cụ thể, Công ty Hòa Thắng cho anh Thư mượn xe. Trên đường về quê, anh Thư giao anh Thành (anh trai) lái xe và bị tai nạn. Anh Thành đền cho chủ xe 80 triệu đồng, xe sửa hết 311 triệu đồng, nhưng nhà bảo hiểm chỉ bồi thường 167 triệu đồng theo kết luận của hội đồng định giá, đồng thời trừ 80 triệu đồng mà lái xe hỗ trợ chủ xe.
Theo ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair (Infair), hiện không có căn cứ pháp lý nào cho phép nhà bảo hiểm trừ số tiền này khi bồi thường cho chủ xe. Ông cũng cho biết, đa số quy tắc bảo hiểm của các công ty bảo hiểm đều quy định chủ xe phải bảo lưu quyền đòi bên thứ ba có lỗi cho nhà bảo hiểm trong trường hợp tổn thất có liên quan đến trách nhiệm của bên thứ ba, nhưng không có quy định thể hiện lái xe phải đền bù cho chủ xe hoặc đền bù lại cho nhà bảo hiểm khi lái xe (không phải là chủ xe) gây thiệt hại.
“Điều 49 - Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định chủ xe phải bảo lưu quyền đòi bên thứ ba có lỗi cho nhà bảo hiểm trong trường hợp tổn thất có liên quan đến trách nhiệm của bên thứ ba. Tuy nhiên, trong trường hợp này, trách nhiệm giữa lái xe và chủ xe là trách nhiệm trong hợp đồng, lái xe không phải là bên thứ ba nên không có trách nhiệm đền bù lại cho nhà bảo hiểm. Hay nói cách khác, nhà bảo hiểm không được trừ số tiền lái xe đã đền bù cho chủ xe”, ông Xuân nêu quan điểm.