Những trọng tâm trên bàn hội nghị

Mặc dù phần nào bị 'sao nhãng' bởi cuộc chiến ở Ukraine, Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN do Mỹ đăng cai vào ngày 12 - 13.5 tại Washington, vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Đây là cuộc hội ngộ trực tiếp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Mỹ với các nhà lãnh đạo ASEAN và một số chủ đề quan trọng được kỳ vọng sẽ thống trị các cuộc thảo luận.

Ukraine

Chính quyền Tổng thống Biden hoàn toàn ý thức được rằng các quan điểm về cuộc chiến Ukraine của các nước Đông Nam Á không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Một số nước như Myanmar công khai ủng hộ Nga, những quốc gia như Indonesia theo đường lối trung lập, trong khi những quốc gia như Singapore có lập trường rất gần với Hoa Kỳ, Nhật Bản và các đồng minh châu Âu. Chính quyền Mỹ kỳ vọng có thể cố gắng thúc ép một số đối tác Đông Nam Á quan trọng, tách mình ra xa hơn với Nga, đồng thời thúc ép các đối tác khác, chẳng hạn như Indonesia và Thái Lan, áp dụng các lập trường quan trọng hơn.

Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương

Mỹ đang thúc đẩy Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF), một kế hoạch rộng lớn được cho là cốt lõi trong các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm cho thấy Hoa Kỳ một lần nữa sẵn sàng đi đầu trong các vấn đề kinh tế và thương mại trong khu vực. IPEF được Mỹ đưa ra hồi tháng 2, nhằm đặc mục tiêu phối hợp chặt chẽ hơn với các nước đối tác về nhiều vấn đề, bao gồm thương mại kỹ thuật số, chuỗi cung ứng và công nghệ xanh.

Mỹ muốn sử dụng IPEF để lấp lỗ hổng trong chiến lược châu Á của Mỹ do việc rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017 - một hiệp định thương mại mạnh mẽ mà Mỹ đã có công thiết kế như một đối trọng với Trung Quốc. Nhưng khuôn khổ này khác xa với một thỏa thuận thương mại - ngay cả khi các nước châu Á đã hội nhập chặt chẽ hơn thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - phiên bản thu gọn của TPP) và đang lên kế hoạch cho các thỏa thuận thương mại lớn hơn mà không có Mỹ. Thậm chí, khuôn khổ có thể không chứa bất kỳ cam kết ràng buộc nào đối với việc mở cửa tiếp cận thị trường của Mỹ. Thay vào đó, khuôn khổ kinh tế này có thể là một tài liệu rất linh hoạt tập trung vào các lĩnh vực như cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, cải thiện cơ sở hạ tầng và có thể tạo ra một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số.

Nhưng sự linh hoạt rộng rãi như vậy - được thiết kế để cho phép hầu như bất kỳ quốc gia nào trong khu vực tham gia - sẽ đồng nghĩa với việc là khuôn khổ sẽ không tạo ra quá nhiều thay đổi cho khu vực và sẽ không chứng tỏ rằng Mỹ có thể dẫn đầu thương mại khu vực. Nhiều quốc gia Đông Nam Á chỉ thể hiện sự quan tâm tối thiểu đối với khuôn khổ, như một phép lịch sự, trong khi các cường quốc châu Á khác, như Nhật Bản, đã đưa ra yêu cầu rằng nó phải trở thành một văn bản nghiêm túc hơn bao gồm các cam kết ràng buộc và cung cấp quyền tiếp cận thị trường của Mỹ trong một số lĩnh vực nhất định.

Myanmar

Tình hình ở Myanmar tiếp tục xấu đi khi lực lượng đang cầm quyền đất nước tăng cường các biện pháp trấn áp đối với dân quân dân tộc thiểu số và dân quân du kích, nổi dậy sau cuộc đảo chính tháng 2.2021. Quân đội đang phải đối mặt với một số tổn thất và đào tẩu nghiêm trọng. Trong khi đó, nền kinh tế đang kiệt quệ và y tế công cộng ngày càng xuống cấp do đội ngũ bác sĩ, y tá không hợp tác với chính quyền đảo chính.

Đến nay, ASEAN vẫn đang tích cực thúc đẩy tiến trình hòa giải nhưng chưa thu được kết quả tích cực. Hiệp hội đã không cho phép lãnh đạo của quân đội tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối vào năm ngoái, và mời những thành phần phi chính trị đại diện cho Myanmar tại các cuộc họp ASEAN. Tháng 4 năm ngoái, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đạt được Đồng thuận 5 điểm về tình hình Myanmar, trong đó yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế, tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình...

Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn các yêu cầu của Đồng thuận đều bị phớt lờ. Chính quyền Tổng thống Biden có tham vọng thuyết phục ASEAN thực hiện các bước đi cứng rắn hơn đối với Myanmar, nhưng nguyên tắc không can thiệp và đồng thuận của ASEAN sẽ là một rào cản đối với ý định của Washington.

Covid-19, Trung Quốc

ASEAN và Mỹ chủ động, tích cực phối hợp ứng phó dịch Covid-19 ngay khi mới bùng phát, đề xuất và tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ thông tin kinh nghiệm, nâng cao năng lực, hỗ trợ nhau khắc phục những hậu quả kinh tế - xã hội của dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi toàn diện và bền vững.

Mỹ đã công bố các đề xuất, sáng kiến hợp tác hỗ trợ ASEAN ứng phó Covid-19 như Sáng kiến Tương lai Y tế ASEAN, lập Nhóm đặc trách Phòng chống và Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, lập Mạng lưới các chuyên gia y tế ASEAN - Mỹ; công bố đóng góp 500.000 USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 và cam kết hỗ trợ ASEAN triển khai Khung Phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF). Đến cuối năm 2021, Mỹ công bố đã cung cấp hơn 42 triệu liều vacc 0ine và hỗ trợ hơn 200 triệu USD cho các nước ASEAN nhằm ứng phó Covid-19.

Nhân chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris đến Việt Nam ngày 24 - 26.8.2021, Mỹ đã tổ chức Lễ khai trương Văn phòng Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội vào ngày 25.8.2021.

Thông qua các sáng kiến hợp tác nhằm phục hồi sau đại dịch, Chính quyền Tổng thống Biden có thể cố gắng sử dụng hội nghị thượng đỉnh để tiếp tục củng cố mối quan hệ với các quốc gia ASEAN, vốn trước đó có xu hướng tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh (như Indonesia) so với các đối tác thân thiết hơn của Hoa Kỳ như Singapore.

QUỐC ĐẠT

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/nhung-trong-tam-tren-ban-hoi-nghi-i288118/