Những 'trụ cột' để kinh tế Khánh Hòa tăng trưởng

Đối với phát triển kinh tế, Khánh Hòa hiện nay đứng trước những lợi thế chưa từng có, là cơ hội để đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, năng lượng, phát triển đô thị.

Yến sào là mặt hàng giá trị, đang hình thành thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh. Ảnh: TTXVN phát

Yến sào là mặt hàng giá trị, đang hình thành thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh. Ảnh: TTXVN phát

Việc hợp nhất hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận (cũ) trở thành tỉnh Khánh Hòa mới là bước ngoặt quan trọng, vừa đáp ứng mục tiêu tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vừa mở ra không gian phát triển mới, rộng lớn hơn của một tỉnh duyên hải thuộc vùng Nam Trung bộ.

Đối với phát triển kinh tế, Khánh Hòa hiện nay đứng trước những lợi thế chưa từng có, là cơ hội để đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, năng lượng, phát triển đô thị.

Kết nối và tiếp tục trên đà phát triển Tỉnh Khánh Hòa sau hợp nhất có diện tích tự nhiên trên 8.555 km², dân số hơn 2,2 triệu người, với 65 đơn vị hành chính cấp xã. Cả hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận trước đây đều có những tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng và cả những lợi thế riêng biệt. Nay về chung “một nhà”, Khánh Hòa mang tâm thế sẽ khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tiềm năng, tận dụng không gian phát triển mới, khai thác tối đa mọi tiềm lực, cơ hội nổi trội, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực, tạo động lực cho sự phát triển ở giai đoạn mới.

Qua đánh giá của Tỉnh ủy Khánh Hòa về kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm gần đây cho thấy, kinh tế Khánh Hòa tiếp tục tăng trưởng, thuộc nhóm tăng trưởng cao trên cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng cân bằng, đa dạng hóa các động lực tăng trưởng. Việc hợp tác, liên kết vùng được tăng cường, hiệu quả thu hút và sử dụng các nguồn lực được nâng cao; cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị và hành chính công cấp tỉnh có sự chuyển biến tích cực, tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển…

Chỉ tính riêng Khu kinh tế Vân Phong nằm ở phía Bắc tỉnh, đến nay đã thu hút được 155 dự án đầu tư; trong đó 131 dự án trong nước và 24 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 5,4 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 3,3 tỷ USD (chiếm 61% vốn đăng ký), có 106 dự án đã đi vào hoạt động.

Còn 6 tháng đầu năm nay, Khánh Hòa đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,33%. Đặc biệt, 6 tháng qua Khánh Hòa đã thu hút 61 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 388 nghìn tỷ đồng. Trong số đó có các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp, đô thị tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng như: Nhà máy nhiệt điện LNG Cà Ná (56 nghìn tỷ đồng), Khu đô thị mới Cam Lâm (trên 283 nghìn tỷ đồng), Khu đô thị mới Tu Bông (43 nghìn tỷ đồng)…

Tuy nhiên, phát triển kinh tế của Khánh Hòa chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương và thiếu bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thu hút đầu tư các dự án mới có tính lan tỏa còn ít; phát triển doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; công nghiệp chưa đóng vai trò trụ cột dẫn dắt tăng trưởng kinh tế bền vững, thiếu động lực tăng trưởng mới...

Ông Trần Hòa Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: gần đây, UBND tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số. Khánh Hòa cũng đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý vướng mắc giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, động lực trên địa bàn tỉnh.

Bốn trụ cột làm “điểm tựa”

Tỉnh Khánh Hòa tăng tốc chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Tỉnh Khánh Hòa tăng tốc chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Trung tuần tháng 7 này, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết về tăng trưởng kinh tế hai con số tỉnh giai đoạn 2025 – 2030, nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Nâng tầm phát triển, tăng trưởng kinh tế hai con số, là cực tăng trưởng cao của cả nước, nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc”. Trong số đó, Khánh Hòa đặt ra mục tiêu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và là một cực tăng trưởng cao của cả nước.

Theo đó Khánh Hòa xác định tập trung xây dựng bốn trụ cột động lực tăng trưởng kinh tế, bao gồm công nghiệp, năng lượng, du lịch - dịch vụ; đô thị - xây dựng. Đây sẽ là giai đoạn Khánh Hòa nâng tầm phát triển, tăng trưởng hàng năm liên tục đạt 2 con số về tăng trưởng GRDP, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người; nằm trong 10 tỉnh, thành phố thu ngân sách nội địa cao nhất, có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất...

Đối với lĩnh vực công nghiệp, Tỉnh ủy Khánh Hòa xác định phát triển công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Theo đó, phấn đấu đạt tốc độ phát triển công nghiệp của tỉnh bình quân tăng từ 15% - 20%/năm trong giai đoạn 2026 – 2030, đến năm 2030 đưa vào khai thác 3.000 ha đất công nghiệp mới.

Trong thực tế, Khánh Hòa đang có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và đang trong quá trình tiếp tục mở rộng đầu tư. Theo đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam (HVS) được đánh giá là một “điểm sáng” với hành trình 28 năm hoạt động tại Khánh Hòa, trở thành công ty hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á trong lĩnh vực đóng mới tàu. Tính đến nay, HVS đã đóng và bàn giao hơn 170 tàu, bao gồm tàu hàng với tải trọng đến 75.000 tấn và tàu dầu đến 110.000 tấn cho các khách hàng trên toàn thế giới như Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hy Lạp, Đan Mạch, Singapore…. Lãnh đạo HVS cho biết, trong năm nay, công ty có kế hoạch giao 16 tàu và 9 cabin tàu, với doanh thu hơn 700 triệu USD và hiện nay đang triển khai dự án đóng tàu thân thiện với môi trường thế hệ mới, với việc sử dụng năng lượng gió và ứng dụng nhiều kỹ thuật tiến bộ, hiện đại khác.

Về lĩnh vực năng lượng, Tỉnh ủy Khánh Hòa xác định đây là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm năng lượng điện quốc gia. Qua đó phấn đấu đạt tốc độ phát triển ngành năng lượng của tỉnh bình quân tăng 20%/năm trong giai đoạn 2026 – 2030 và đến năm 2030 đưa vào khai thác, vận hành 14.000 MW. Trong đó các xã ở phía Nam tỉnh như: Vĩnh Hải, Phước Dinh và khu vực lân cận là địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân; các xã Thuận Nam, Thuận Bắc và khu vực lân cận sẽ là nơi hát triển điện mặt trời, điện gió, LNG.

Ở lĩnh vực du lịch – dịch vụ, ông Nghiêm Xuân Thành – Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết: Ngành du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các trụ cột kinh tế khác cùng phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân.

Theo đó, Khánh Hòa phấn đấu đạt tăng trưởng khách du lịch hàng năm 15%, trong đó ưu tiên phát triển du lịch theo định hướng hiện đại, chất lượng, xây dựng uy tín thương hiệu; Đến năm 2030, tổng lượt du khách lưu trú đạt 20,5 triệu lượt, khách quốc tế 10,5 triệu lượt.

Cuối cùng là “trụ cột” phát triển đô thị, xây dựng, mục tiêu là góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026 – 2030; mở rộng khu vực đô thị, tạo cảnh quan đô thị đẹp, văn minh và gia tăng nguồn thu ngân sách, qua đó tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

UBND tỉnh Khánh Hòa đang chuẩn bị tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2025 với chủ đề "Khánh Hòa - Hội tụ giá trị, Đầu tư bền vững". Dự kiến sẽ có đại diện khoảng 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham dự.

Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa thể hiện tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị trong việc xây dựng môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư phát triển lâu dài.

Đồng thời, cũng là không gian kết nối hiệu quả giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp trong, ngoài nước và khu vực đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), để lắng nghe trực tiếp, trao đổi và đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từ đó đề ra giải pháp và chính sách thiết thực, hiệu quả và mang tính đồng bộ, ổn định lâu dài.

Tiên Minh/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhung-tru-cot-de-kinh-te-khanh-hoa-tang-truong/381675.html