Những trường đại học nào sắp chuyển thành đại học?
Thời gian tới, ngoài Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Kinh tế TP.HCM chuyển đổi mô hình, nhiều trường đại học khác cũng đang chuẩn bị các điều kiện để chuyển từ trường đại học thành đại học.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết sẽ thành lập thêm 3 trường trong năm học tới nhằm đạt đủ điều kiện để chuyển thành đại học vào năm 2025.
Trước đó, vào tháng 12/2021, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch. Đây là trường đầu tiên được thành lập trong Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, trên cơ sở nhập Khoa Ngoại ngữ và Khoa Du lịch. Đến tháng 8/2023, Trường Cơ khí - Ô tô được thành lập trên cơ sở sáp nhập và phát triển khoa Cơ khí và khoa Công nghệ ô tô. Việc thành lập các trường này nằm trong kế hoạch chuyển đổi mô hình lên đại học với đa lĩnh vực, ngành đào tạo vào năm 2025.
TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, trong lộ trình chuyển đổi, bài toán của chúng tôi là tái cấu trúc các khoa sẵn có, không phải là tăng quy mô.
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, trường cũng định hướng trở thành đại học đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng đa năng, phát triển theo mô hình đại học thông minh. Trong lộ trình trở thành đại học, nhà trường chủ trương hoạt động đào tạo phải gắn với thực tiễn nhầm cung cấp ra thị trường lao động đội ngũ nhân sự có chất lượng cao, có khả năng làm việc trong thực tế.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng dự kiến thành lập thêm 3 trường trực thuộc: trường Kinh doanh, Kinh tế và Công nghệ trong lộ trình phấn đấu lên thành đại học vào năm 2025.
Theo GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng nhà trường, trong số 3 trường mới sẽ thành lập, trường Kinh tế sẽ chú trọng đào tạo các ngành kinh tế với đầu ra chủ yếu là các cán bộ quản lý, các nhà nghiên cứu, hoạch định, xây dựng và thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Trường Kinh doanh hướng đến đào tạo các nhà quản trị, vận hành các doanh nghiệp, thiên về quản trị kinh tế vi mô. Trường Công nghệ tuy mới thành lập nhưng được xây dựng dựa trên nền tảng của 3 đơn vị đào tạo đang có sức thu hút mạnh mẽ đối với sinh viên là: Viện Công nghệ thông tin và kinh tế số, khoa Toán kinh tế và khoa Thống kê.
GS.TS Phạm Hồng Chương cho biết, thực tế Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mong muốn và xác định định hướng phát triển thành đại học từ lâu. Để thực hiện điều này, trường đã xây dựng và ban hành chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, trong đó xác định rõ lộ trình để hướng tới đại học.
Với Trường ĐH Y Hà Nội, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường phấn đấu xây dựng Đại học Y Hà Nội trở thành Đại học sức khỏe đa ngành, đa cấp, đào tạo cán bộ y tế có năng lực học tập vươn lên, tận tụy với nhiệm vụ được giao, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe ở mọi nơi, mọi lúc.
Trường ĐH Y Hà Nội hiện đang đào tạo ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học dự phòng, Y học cổ truyền (thời gian học 6 năm, tốt nghiệp trở thành bác sĩ). Ngoài ra, Trường có các ngành đào tạo khác: Cử nhân Điều dưỡng, Cử nhân Kỹ thuật y học, Cử nhân Y tế công cộng, Cử nhân Dinh dưỡng, Cử nhân Khúc xạ nhãn khoa, Cử nhân phục hồi chức năng (thời gian học 4 năm, tốt nghiệp là cử nhân).
Hiện Trường ĐH Y Hà Nội có mối quan hệ rộng khắp với các tổ chức quốc tế đa phương lớn như WHO và các tổ chức liên hợp quốc như NGOs quốc tế. Các hợp tác song phương cũng không ngừng được phát triển, đặc biệt với Thụy Điển, Hà Lan, Pháp, Nhật, Úc, Mỹ,…
Còn tại Trường ĐH Cần Thơ, GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đang sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và xúc tiến thành lập hai phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng. "Đây là những bước tiến quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2030, chuyển Trường ĐH Cần Thơ trở thành ĐH Cần Thơ.
Để thực hiện mục tiêu này, Trường ĐH Cần Thơ dự kiến thành lập 4 trường trực thuốc, 1 khoa và 1 viện mới trên cơ sở các đơn vị hiện có. Cụ thể, các đơn vị trực thuộc gồm: Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Bách khoa, Khoa Giáo dục Thể chất, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm.
Điều kiện chuyển từ trường đại học lên đại học
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 267 cơ sở đào tạo bậc đại học (chưa tính khối an ninh quốc phòng). Với quyết định của Thủ tướng vào tháng 12/2022, ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên chuyển từ trường đại học thành đại học sau khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 và Nghị định 99 năm 2019 có hiệu lực. Tiếp đến tháng 10/2023, ĐH Kinh tế TP.HCM là đơn vị thứ hai chuyển đổi mô hình theo quy định mới.
Như vậy, hiện cả nước có 7 đại học (gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM) với những sứ mệnh và nhiệm vụ phát triển khác nhau.
Theo Luật Giáo dục Đại học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Trong khi đại học sẽ đào tạo trên nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có nhiều ngành. Do đó, đại học sẽ bao gồm các trường đại học.
Theo Nghị định 99, để chuyển từ trường đại học thành đại học, cần phải đáp ứng 3 điều kiện.
Thứ nhất, trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp.
Thứ hai, cần có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người.
Thứ ba, cần có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.