Những trường đại học tạo ra nhiều tỷ phú giàu nhất nước Mỹ
Việc đào tạo ra các tỷ phú lọt vào danh sách Forbes 400 dường như là một điều tích cực cho danh tiếng của các trường đại học. Những cựu sinh viên cực kỳ giàu có này thường trở lại với tư cách là những diễn giả nổi tiếng về khởi nghiệp và quyên góp hàng trăm triệu USD cho trường cũ.
Đại học Pennsylvania, nổi tiếng với trường kinh doanh Wharton, là lò đào tạo ra nhiều tỷ phú giàu nhất nước Mỹ với 17 cựu sinh viên góp mặt trong danh sách Forbes 400 năm nay, tăng 3 người so với năm ngoái.
“Tôi đã tham gia rất nhiều khóa học về tài chính tại Wharton. Đầu tiên họ dạy bạn tất cả quy tắc và quy định. Sau đó, họ dạy bạn rằng những quy tắc và quy định đó thực sự có thể bị phá vỡ”, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói.
Ông Trump vừa quay lại danh sách Forbes 400 năm 2022 sau một năm vắng bóng. Những cựu sinh viên Đại học Pennsylvania khác vừa lọt vào bảng xếp hạng năm nay gồm Daniel Sundheim - nhà sáng lập công ty đầu tư D1 Capital Partners và Rick Cohen – Chủ tịch công ty hàng tạp hóa C&S Wholesale Grocers. Đại học Pennsylvania còn là trường cũ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, người đã tốt nghiệp năm 1997 với tấm bằng vật lý và kinh tế.
Jon Gray, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty cổ phần tư nhân Blackstone cho biết, Đại học Pennsylvania rất quan trọng đối với ông. Vị tỷ phú này nhấn mạnh, nền giáo dục nghệ thuật tự do mà ông theo đuổi đã dạy ông cả kỹ năng phân tích và giao tiếp, giúp ông chuẩn bị tốt cho sự nghiệp kinh doanh sau này.
Tại trường đại học, ông Gray đã gặp được những sinh viên năng động khác và có những mối quan hệ lâu dài, bao gồm cả người vợ hiện tại – Mindy Gray.
“Cả nghệ thuật tự do và tài chính đều cho phép tôi gặp gỡ những người đáng kinh ngạc thực sự tạo ra bàn đạp cho phần còn lại của cuộc đời tôi. Cả Mindy và tôi đều cảm thấy biết ơn Đại học Pennsylvania”, ông Gray nói.
Tỷ phú Gray và vợ đã trở thành những nhà tài trợ lớn nhất cho Đại học Pennsylvania với tổng số tiền ủng hộ lên tới 125 triệu USD. Vào tháng 9, cặp đôi đã công bố khoản tài trợ 55 triệu USD cho Trung tâm Ung thư Abramson của trường Pennsylvania để thành lập Viện ngăn chặn ung thư Basser nhằm nghiên cứu phương pháp ngăn chặn bệnh ung thư di truyền ở giai đoạn sớm nhất.
Harvard là ngôi trường thứ hai có nhiều thành viên góp mặt trong danh sách Forbes 400 năm 2022 nhất. Đồng hạng hai là Đại học Yale. Mỗi ngôi trường có 11 cựu sinh viên lọt vào bảng xếp hạng năm nay.
70 thành viên của Forbes 400, tương đương 18% danh sách, đã tốt nghiệp tại một trong số các trường thuộc Ivy League - nhóm các trường Đại học Tư thục ưu tú và lâu đời nhất nước Mỹ, bao gồm cả các trường Pennsylvania, Harvard và Yale.
Vị trí tiếp theo thuộc về Đại học Nam California (USC). George Lucas, tác giả của loạt phim Star Wars và Indiana Jones, đã lấy bằng cử nhân mỹ thuật tại USC trước khi trở thành nhà tài trợ chính cho trường đại học. Vào năm 2006, ông Lucas đã tặng 175 triệu USD cho trường điện ảnh trực thuộc USC, vào thời điểm đó, đây là khoản quyên góp lớn nhất trong lịch sử USC.
Đại học Stanford xếp thứ 3 vào năm ngoái, song đã tụt xuống vị trí thứ 5 trong năm nay, khi người sáng lập Yahoo Jerry Yang, người đồng sáng lập Robinhood Baiju Bhatt và nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng của Facebook, Jim Breyer, đều rớt khỏi danh sách Forbes 400 năm 2022.
Tuy nhiên, đại học không phải là con đường duy nhất để ghi tên vào danh sách Forbes 400. Một số tỷ phú, như ông trùm dầu mỏ Harold Hamm và người sáng lập Ashley Furniture Ronald Wanek, chưa bao giờ ghi danh hoặc tốt nghiệp đại học.
Ít nhất 37 thành viên trong danh sách đã bỏ học đại học. Ví dụ như Harvard có 4 sinh viên bỏ học góp mặt trong Forbes 400, trong đó nổi tiếng nhất câu chuyện là Bill Gates và Mark Zuckerberg.
20 tỷ phú trong số 400 người giàu nhất nước Mỹ chỉ có bằng tốt nghiệp trung học. Và một người thậm chí chưa học hết cấp ba – đó là Todd Christopher – nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty sản phẩm chăm sóc tóc Vogue International.