Những trường hợp nào bắt buộc phải làm căn cước công dân gắn chip?
Căn cước công dân gắn chíp là giấy tờ chứng minh nhân thân quan trọng của công dân. Vậy những trường hợp nào bắt buộc phải làm căn cước công dân gắn chip?
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho biết, hiện nay không có bất cứ văn bản pháp quy nào quy định chấm dứt giá trị sử dụng của thẻ chứng minh nhân dân hay căn cước công dân mã vạch (không gắn chip).
Do đó các thẻ này vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Với chứng minh nhân dân loại cũ có giá trị sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp. Với các căn cước công dân 12 số mã vạch, thời hạn sử dụng được ghi ở mặt trước của thẻ căn cước.
Tuy nhiên theo đại diện C06, Bộ Công an khuyến cáo, người dân nên sớm thực hiện các thủ tục chuyển sang thẻ căn cước công dân gắn chip để sử dụng được thuận tiện, hưởng các lợi ích. Thẻ căn cước công dân gắn chip có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm.
Thẻ căn cước công dân gắn chip là gì?
Thẻ căn cước công dân gắn chip còn được gọi là thẻ căn cước điện tử e-ID là một loại giấy tờ tùy thân của cá nhân, thay thế cho chứng minh nhân (CMND) cũ và thẻ căn cước công dân (CCCD) mã vạch.
Theo quy định, từ 1/1/2021 toàn bộ thẻ CMND/thẻ CCCD cũ khi được cấp lại hoặc cấp mới cho người dân sẽ được thay thế bằng thẻ căn cước điện tử mới.
Thẻ CCCD gắn chip đóng vai trò như một thiết bị dùng để nhận diện, xác thực danh tính của cá nhân và có thể dùng để truy cập tra cứu thông tin của công dân chủ sở hữu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện nay thẻ căn cước điện tử đã được tích hợp thêm nhiều dịch vụ tiện ích về bảo hiểm, ngân hàng, bằng lái xe, sổ hộ khẩu và nhiều giấy tờ cá nhân quan trọng giúp công dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính dễ dàng, chính xác và hiệu quả.
Những trường hợp nào bắt buộc phải làm căn cước công dân gắn chip?
- Đối với người đang sử dụng CMND thì bắt buộc đổi sang CCCD gắn chíp trong những trường hợp sau:
+ Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
+ Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
+ Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
+ Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
+ Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
(Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP)
- Đối với người đang sử dụng CCCD mã vạch thì bắt buộc đổi sang CCCD gắn chíp trong những trường hợp sau:
+ Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi;
+ Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
+ Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
+ Xác định lại giới tính, quê quán;
+ Có sai sót về thông tin trên thẻ hiện tại;
+ Khi công dân có yêu cầu.
(Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014)
Năm 2023, những trường hợp nào bắt buộc đổi CCCD gắn chip?
Căn cước công dân gắn chíp là giấy tờ chứng minh nhân thân quan trọng của công dân. Công dân Việt Nam được cấp thẻ CCCD lần đầu khi đủ 14 tuổi trở lên.
Giống với CMND thì CCCD cũng có giá trị sử dụng. Tuy nhiên, thay vì CMND có giá trị sử dụng 15 năm thì CCCD lại có giá trị sử dụng đến những độ tuổi nhất định, đến độ tuổi đó bắt buộc người dân phải đi đổi thẻ CCCD mới.
Điều 21 Luật CCCD 2014 có quy định về độ tuổi phải đổi thẻ CCCD. Theo đó, thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước những độ tuổi quy định trên thì vẫn còn giá trị sử dụng đến độ tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Theo đó, tính đến năm 2023 thì những người sinh vào các năm 1998, 1983 và 1963 đã lần lượt trở thành công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Như vậy, những người thuộc các năm sinh trên bắt buộc phải đổi thẻ CCCD mới (tức CCCD gắn chíp) trong năm 2023.
Tuy nhiên, nếu những người sinh vào các năm trên đã đổi thẻ CCCD mới từ năm 2021 thì vẫn được tiếp tục sử dụng thẻ này cho tới độ tuổi cần đổi thẻ tiếp theo. Đặc biệt, đối với người sinh năm 1963 đã đổi thẻ CCCD mới từ năm 2021 sẽ được sử dụng thẻ cho đến khi qua đời.
Ngoài ra, tại Điều 2 Nghị định 05/1999, CMND chỉ có giá trị trong vòng 15 năm. Vì thế, những người đang sử dụng CMND được cấp từ năm 2008 trở về trước cũng cần chú ý để làm CCCD mới.
Không đổi căn cước công dân gắn chíp đúng quy định bị phạt bao nhiêu?
Đối với vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy CMND, CMND hoặc thẻ CCCD, tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Không xuất trình Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMMD khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;
- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
- Không nộp lại Giấy CMND, CMND hoặc thẻ CCCD cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại Giấy CMND, CMND hoặc thẻ CCCD cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Như vậy, nếu thuộc một trong số những trường hợp đã nêu trên mà không đổi sang thẻ CCCD gắn chip, người dân có thể bị phạt số tiền lên đến 500.000 đồng.
Vừa được cấp căn cước thường thì sau bao lâu phải đổi sang cước công dân gắn chip?
Theo Điều 38 Luật Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực (01/01/2016) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân.
Còn theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 06/2021/TT-BCA:
- Thẻ cước công dân đã được cấp trước ngày 23/01/2021 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.
- Khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ cước công dân gắn chip.
Như vậy, các trường hợp công dân đã được cấp chứng minh nhân dân, cước công dân gắn mã vạch mà còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng, không thuộc trường hợp phải đổi, cấp lại, nếu người dân chưa có nhu cầu đổi sang cước công dân gắn chip thì vẫn sử dụng bình thường cho đến khi hết hạn.
Theo chỉ đạo của Bộ Công an, từ ngày 22/01/2021, Công an các tỉnh dừng cấp chứng minh nhân dân 9 số, thẻ cước công dân mã vạch để chuyển sang cấp cước công dân gắn chip điện tử. Nghĩa là trước ngày này, nhiều người dân vẫn được cấp chứng minh nhân dân, cước công dân mã vạch.
Chứng minh nhân dân có thời hạn rất dài, lên đến 15 năm. Đối với những người vừa được cấp chứng minh nhân dân cuối tháng 01/2021 thì 15 năm nữa (tháng 01/2036) những thẻ này mới hết hạn sử dụng. Lúc này, người dân mới bắt buộc phải đổi sang cước công dân gắn chip.
Còn với những người đủ 40 tuổi, vừa cấp cước công dân mã vạch cuối tháng 01/2021 thì đến 60 tuổi (20 năm nữa - năm 2041) họ mới đến tuổi bắt buộc đổi thẻ tiếp theo. Những người đủ 38 tuổi đổi thẻ cuối tháng 01/2021 (được đổi thẻ ở mốc 40 tuổi trước 02 năm) thì đến năm 2043 họ mới phải đổi thẻ.
Như vậy, không có quy định bắt buộc tất cả người dân phải đổi sang cước công dân, nếu bạn đang sử dụng chứng minh nhân dân và chưa có nhu cầu đổi sang cước công dân thì bạn có thể tiếp tục sử dụng đến khi hết hạn chứng minh nhân dân.
Lệ phí làm căn cước công dân gắn chip là bao nhiêu?
Tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC lệ phí làm căn cước công dân gắn chip được quy định:
- Công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân: 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
- Đổi thẻ căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
- Cấp lại thẻ căn cước công dân khi bị mất thẻ căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
Làm căn cước công dân gắn chíp trường hợp nào được miễn lệ phí?
Các trường hợp làm căn cước công dân gắn chíp miễn lệ phí
- Đổi thẻ căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính;
- Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là:
- Bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;
- Con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới;
- Công dân thường trú tại các huyện đảo;
- Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
- Công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;
- Đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
Các trường hợp làm căn cước công dân gắn chíp không phải nộp lệ phí
- Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lần đầu.
- Đổi thẻ căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
- Đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.