Những trường hợp nào bị thu hồi giấy phép đầu mối kinh doanh xăng dầu?

Theo dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương quy định 7 trường hợp sẽ bị thu hồi giấy phép làm đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo lần 3 nghị định về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, Bộ Công Thương quy định các trường hợp xem xét thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi doanh nghiệp có văn bản đề nghị thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã cấp cho thương nhân.

Bộ Công Thương đề xuất quy định 7 trường hợp sẽ bị thu hồi giấy phép làm đầu mối kinh doanh xăng dầu. (Ảnh minh họa: ZNews)

Bộ Công Thương đề xuất quy định 7 trường hợp sẽ bị thu hồi giấy phép làm đầu mối kinh doanh xăng dầu. (Ảnh minh họa: ZNews)

Doanh nghiệp cũng sẽ bị xem xét thu hồi giấy phép làm đầu mối kinh doanh xăng dầu nếu ngừng thực hiện toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian từ 90 ngày trở lên.

Ngoài ra, doanh nghiệp không thực hiện đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương giao trong 2 năm liên tiếp cũng sẽ bị thu hồi giấy phép.

Trường hợp doanh nghiệp vi phạm quy định về điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và không khắc phục vi phạm trong thời gian 90 ngày kể từ ngày cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; vi phạm quy định về dự trữ lưu thông xăng dầu và không khắc phục vi phạm trong thời gian 90 ngày kể từ ngày cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ thị xem xét thu hồi giấy phép đầu mối xăng dầu.

Doanh nghiệp đang bị xử lý vi phạm mà tái phạm quy định về bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường tại nghị định này và các quy định của pháp luật về chất lượng và doanh nghiệp bị giải thể, phá sản là những trường hợp cuối cùng được Bộ Công Thương quy định xem xét thu hồi giấy phép làm đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Tại dự thảo này, Bộ Công Thương cũng đề xuất các quy định điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận làm doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải sở hữu cảng chuyên dụng hoặc đi thuê sử dụng dịch vụ làm hàng xăng dầu tại cảng chuyên dụng. Các cảng này phải còn thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

"Cảng chuyên dụng đảm bảo tiếp nhận được tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu 7.000 DWT, nằm trong hệ thống cảng biển Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền công bố tiếp nhận tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài", dự thảo quy định.

Ngoài ra, doanh nghiệp đầu mối cũng phải sở hữu kho tiếp nhận xăng dầu hoặc đi thuê còn thời hạn tối thiểu 5 năm. Kho tiếp nhận xăng dầu có các bồn, bể với tổng sức chứa tối thiểu 15.000 m3 để trực tiếp nhận xăng dầu từ tàu chở xăng dầu và phương tiện vận tải xăng dầu khác.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo có hệ thống phân phối xăng dầu.

Cụ thể, tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc đi thuê, được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu còn hiệu lực, trong đó tối thiểu 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đầu mối phải có tối thiểu 40 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối, được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu còn hiệu lực.

Các doanh nghiệp đầu mối cũng phải kết nối mạng với Bộ Công Thương về dữ liệu kho chứa xăng dầu, tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu, nhập, xuất, tồn kho và các dữ liệu khác theo quy định.

"Đối với thương nhân đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, hoàn thành kết nối mạng với Bộ Công Thương trong thời gian 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Đối với thương nhân đề nghị cấp mới giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, phải hoàn thành kết nối mạng với Bộ Công Thương trước khi gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận", Bộ Công Thương lưu ý.

Ngoài ra, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo đã kinh doanh, là nhà phân phối xăng dầu trong tối thiểu 36 tháng liên tục trước khi đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm doanh nghiệp đầu mối.

Trường hợp đến thời điểm thương nhân được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thời hạn thuê cảng chuyên dụng, thuê kho tiếp nhận xăng dầu còn dưới 5 năm, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận vẫn chấp nhận để cấp Giấy xác nhận cho thương nhân.

Ngay sau khi được cấp giấy xác nhận, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm điều chỉnh thời hạn thuê cảng chuyên dụng, thuê kho tiếp nhận xăng dầu đảm bảo đủ thời hạn quy định tại giấy xác nhận và báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận để kiểm tra, giám sát.

Các điều kiện về kho, bồn, bể tiếp nhận xăng dầu, hệ thống phân phối xăng dầu, kho tiếp nhận nhiên liệu hàng không, phương tiện và trang thiết bị tra nạp nhiên liệu hàng không đã được sử dụng để làm hồ sơ xin làm doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thì không được cho thương nhân khác sử dụng để làm điều kiện xin làm doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Thành Lâm

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-truong-hop-nao-bi-thu-hoi-giay-phep-dau-moi-kinh-doanh-xang-dau-ar883302.html