Những trường hợp này sẽ không được hưởng thừa kế đất đai theo quy định mới nhất

Theo quy định, đất đai là tài sản đặc biệt và có những quy định riêng về thừa kế. Tuy nhiên có những trường hợp sẽ không được hưởng thừa kế. Đó là trường hợp nào?

Thừa kế đất đai là gì?

Thừa kế đất đai là quá trình chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất từ người đã chết sang người còn sống, theo quy định của pháp luật hoặc theo di nguyện của người để lại di sản (di chúc). Đất đai, theo quy định của pháp luật Việt Nam, là tài sản đặc biệt và có những quy định riêng về thừa kế.

Năm 2025, trường hợp nào không được hưởng thừa kế đất đai?

Các quy định về thừa kế di sản được thực hiện theo Bộ luật Dân sự 2015. Trong đó đối với đất đai, nhà ở (gọi chung là bất động sản) được xem là di sản của người đã mất (theo Điều 105 và Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015).

Tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định những người sau đây sẽ không được quyền hưởng di sản, bao gồm đất đai, nhà đất như sau:

Trường hợp 1: Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.

Trường hợp 2: Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.

Trường hợp 3: Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.

Trường hợp 4: Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý của người để lại di sản.

Tuy nhiên, những người này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Trường hợp 5: Con đã thành niên có khả năng lao động nhưng không được chỉ định trong di chúc: Nếu con đã thành niên, có khả năng lao động và toàn bộ di sản được thừa kế theo di chúc hợp pháp nhưng người để lại di sản không cho họ hưởng, họ sẽ không có quyền hưởng thừa kế.

Lưu ý

Trong một số trường hợp, nếu người để lại di sản biết được hành vi vi phạm của người thừa kế nhưng vẫn quyết định để lại di sản cho họ theo di chúc, thì người đó vẫn có quyền hưởng thừa kế.

Theo khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

"1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động".

Từ quy định trên, nếu con đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) có khả năng lao động không được hưởng di sản sản thừa kế khi:

- Người lập di chúc không cho người đó hưởng thừa kế theo di chúc.

- Toàn bộ di sản là quyền sử dụng đất, nhà ở được thừa kế theo di chúc hợp pháp.

Theo Bộ luật Dân sự 2015, nhiều trường hợp không được hưởng quyền thừa kế đất đai. Ảnh minh họa: TL

Theo Bộ luật Dân sự 2015, nhiều trường hợp không được hưởng quyền thừa kế đất đai. Ảnh minh họa: TL

Trường hợp được thừa kế đất đai, thực hiện quyền thừa kế ở đâu?

Việc thực hiện các thủ tục liên quan đến thừa kế đất đai có thể được thực hiện tại các địa điểm sau:

Văn phòng công chứng: Theo quy định, việc khai nhận di sản thừa kế thường được thực hiện tại văn phòng công chứng nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản.

Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã: Trong một số trường hợp, chẳng hạn như chứng thực các văn bản liên quan đến thừa kế (ví dụ: từ chối nhận di sản), có thể thực hiện tại UBND cấp xã.

Văn phòng đăng ký đất đai: Đây là nơi để thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai sau khi đã hoàn thành các thủ tục khai nhận và phân chia di sản.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhung-truong-hop-nay-se-khong-duoc-huong-thua-ke-dat-dai-theo-quy-dinh-moi-nhat-172250506161940303.htm