Những truyền nhân giữ lửa ở lò gốm làng Mỹ Thiện
Cùng với sự vào cuộc tìm hướng hỗ trợ cũng như tạo điều kiện để phát triển nghề của ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi, hy vọng những nghệ nhân trẻ làng gốm Mỹ Thiện (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sẽ bám giữ cái nghiệp có tuổi đời hàng trăm năm mà cha ông để lại.
Gian nan giữ nghề
Làng gốm Mỹ Thiện được hình thành cách đây hơn 200 năm. Theo sử sách, ông Phạm Công Đắc và Nguyễn Công Ất quê ở Thanh Hóa cùng gia đình di cư vào Nam, dựng lên những lò nung đầu tiên, khai mở nghề gốm sứ ở làng Mỹ Thiện bên bờ sông Trà Bồng.
Nhiều nghệ nhân có tiếng của làng gốm từng được triều đình nhà Nguyễn cho mời gọi để sản xuất các đồ gốm tinh xảo trong cung phủ và làm tặng vật. Những năm đầu thập kỷ 80, làng gốm Mỹ Thiện có hàng chục lò chuyên sản xuất các mặt hàng gốm gia dụng.
Gốm được sản xuất thủ công với kỹ thuật bàn xoay, nguyên liệu làm cốt gốm là đất sét được lọc kỹ tạp chất. Năm 1982, Hợp tác xã gốm Mỹ Thiện thành lập với hơn 200 xã viên, các lò gốm Mỹ Thiện hoạt động hết công suất để tạo nên sản phẩm gốm cung ứng cho thị trường miền Trung và Tây Nguyên.
Mặc dù sản phẩm gốm tinh xảo, dễ sử dụng lại không độc hại nhưng lại bị các mặt hàng đồ nhựa Trung Quốc có giá thành rẻ cạnh tranh khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm gốm truyền thống. Vì thế mà chỉ 10 năm sau, Hợp tác xã gốm Mỹ Thiện giải thể, các lò gốm dần đóng cửa, nhiều gia đình có nghề làm gốm lâu đời phải chuyển sang mưu sinh bằng nghề khác.
Nghệ nhân gốm Mỹ Thiện Đặng Văn Trịnh (56 tuổi) là đời thứ tư của làng gốm hơn 200 năm này. Trong thế hệ của mình, ông Trịnh là người cuối cùng còn níu kéo thời gian trên từng hình hài thân gốm. Gia đình nhiều đời làm nghề gốm nên ông quyết không để lò gốm của nhà mình tắt lửa.
Ông chuyên tâm học hỏi các kỹ thuật làm gốm thủ công từ cha mình là cụ Đặng Thạnh, một nghệ nhân có tiếng của làng gốm Mỹ Thiện. Duyên số hơn, bà Phạm Thị Thu Cúc (52 tuổi, vợ ông Trịnh) cũng xuất thân trong gia đình truyền thống làm gốm nên cùng nhau nuôi chí phục hồi gốm Mỹ Thiện.
Với quyết tâm ấy, vợ chồng ông thay đổi phương thức sản xuất, sáng tạo ra nhiều mẫu mã gốm độc đáo dùng để trang trí nội thất ở khách sạn, resort như bình hoa, bình vôi, tượng động vật, ấm trà, ché đựng rượu… tráng men tinh xảo. Rồi họ lặn lội ra Đà Nẵng, vào Phú Yên, Khánh Hòa, lên tận Gia Lai, Kon Tum... để giới thiệu, quảng bá từng sản phẩm gốm Mỹ Thiện đến người tiêu dùng.
“Có công mài sắt có ngày nên kim”, từ những đơn hàng nhỏ lẻ, càng về sau, lò gốm của vợ chồng ông Trịnh càng nhận được nhiều đơn hàng lớn từ khắp các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên. Tên tuổi gốm Mỹ Thiện dần được phục hồi trong làng gốm sứ Việt Nam.
Đặc biệt, để chinh phục những khách hàng khó tính, họ còn tìm cách phục hồi công thức pha chế men gốm cổ truyền từ đá núi trong vùng. “Một trong những nét độc đáo của gốm tráng men Mỹ Thiện là kỹ thuật nung qua 2 lửa. Lần nung thứ nhất để tạo cho xương gốm chắc, lần thứ 2 sản phẩm gốm được nhúng men rồi cho vào lò nung và màu sắc của sản phẩm sẽ thay đổi theo nhiệt độ. Nhìn vào lớp men gốm có thể thấy được kỹ thuật điêu luyện và sự tài hoa của người làm gốm đạt đến giới hạn nào”, ông Trịnh chia sẻ.
Nhờ đôi bàn tay tài hoa và công sức phục hồi làng gốm truyền thống Mỹ Thiện, năm 2016, ông Trịnh đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
“Công đoạn, kỹ thuật làm gốm Mỹ Thiện khá phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó của người thợ. Tôi luôn mong mỏi lớp trẻ tiếp tục theo đuổi nghề này để làng nghề gốm truyền thống do cha ông đã bỏ nhiều công sức dựng xây không bị mai một. Tuy nhiên, có lẽ “hậu duệ” đến nay chỉ có mình anh Ngô Đào Giang”, ông Trịnh bộc bạch.
Niềm hy vọng với truyền nhân
Nhiều người cứ ngỡ sau đời vợ chồng ông Trịnh thì làng gốm Mỹ Thiện sẽ bị thất truyền. Nhưng giờ đây, làng gốm này đã xuất hiện “hậu duệ”. Đó là anh Ngô Đào Giang (38 tuổi), một công chức, nhưng rất tâm huyết với làng gốm truyền thống của quê hương.
Anh Giang từng là một vận động viên thể thao, hiện đang công tác tại UBND thị trấn Châu Ổ. Thế nhưng, đam mê lớn nhất của anh chính là làm gốm. Mỗi ngày, sau giờ làm ở công sở, anh Giang dành hơn 3 tiếng đồng hồ cặm cụi nhào nặn mớ đất sét, để làm ra những sản phẩm theo ý mình.
Theo nghề làm gốm đã hơn 10 năm, lại là người con của làng nghề nức tiếng một thời, nên từ cách nhồi đất, đến công đoạn canh lửa để nung gốm, anh Giang đều thuần thục.
“Mẻ gốm đầu tiên tôi làm là lồng đèn và các vật trang trí đơn giản. Đất sét thì có sẵn, còn lò và cách nung tôi phải nhờ nghệ nhân Trịnh chỉ bảo thêm. Sau mấy ngày, sản phẩm ra lò, tất cả đều thành công. Bây giờ, tôi vẫn giữ lại chúng để trang trí khắp các gian nhà và coi đó như những báu vật đầu tay”, anh Giang tự hào.
Ở cái thời buổi mà những sản phẩm gốm sứ được làm thủ công không còn được ưa chuộng, đòi hỏi các nghệ nhân phải thay đổi để thích nghi và bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường gốm, sứ. Thế là, nhiều lần anh Giang rong ruổi tìm đến các làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Phước Tích (Huế), Thanh Hà (Hội An), Bàu Trúc (Ninh Thuận), những làng gốm có tiếng trong nước, để học hỏi. Không dừng lại ở đó, anh còn lặn lội mang sản phẩm của mình ra Bắc, vào Nam để trao đổi, quảng bá.
Anh Giang chia sẻ: “Tôi nghĩ, khi các làng gốm khác vẫn còn phát triển, sản phẩm được nhiều người biết đến, còn gốm Mỹ Thiện thì sắp bị lãng quên, nên phải làm một cái gì đó để vực dậy làng gốm có thâm niên hơn 200 năm tuổi này”.
Để tiếp sức cho làng gốm Mỹ Thiện, vừa qua, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã đến khảo sát, hỗ trợ máy móc nhằm giúp cơ sở gốm tiết kiệm được phần lớn thời gian công sức bỏ ra, tăng số lượng mặt hàng hơn so với làm theo kiểu truyền thống như trước; đồng thời tìm cách thu hút khách du lịch đến với cơ sở sản xuất gốm, với mong muốn quảng bá hình ảnh sâu rộng. Thông qua đó, thực hiện hai chức năng đó là bảo tồn văn hóa song song với phát triển du lịch.