Những 'Từ mẫu' trên biển cả

Vừa là người Lương y, vừa là người lính, những bác sĩ trên biển cả luôn vượt mọi trùng khó, hoàn thành nhiệm vụ cứu chữa bệnh ở biển đảo, là điểm dựa tinh thần vững chắc cho cán bộ, người dân và ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Công việc nhọc nhằn, những hy sinh thầm lặng của những bác sĩ đang ngày đêm công tác tại các điểm đảo thuộc vùng biển Trường Sa, trên tàu Quân y xứng đáng để gọi họ cũng là những “Từ mẫu của biển cả", là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những cán bộ chiến sỹ, ngư dân đang ngày đêm vươn khơi bám biển.

Người “từ mẫu” của ngư dân và chiến sỹ

Gặp Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh xá trưởng đảo Phan Vinh) vào những ngày cuối cùng trong chuyến hải trình kéo dài 19 ngày lênh đênh trên biển, những gì mà chúng tôi cảm nhận được đó là sự tận tụy, hết lòng vì người bệnh ở người bác sĩ đã sắp sửa bước vào cái tuổi Ngũ tuần. Hai bảy năm gắn liền với quân đội, gần 20 năm gắn bó mình với công việc của người thầy thuốc, bác sỹ Dũng luôn tâm niệm rằng nghề Y nói chung luôn phải đặt Y đức lên trên hết, phải hết lòng cứu chữa bệnh nhân đến cùng. Người bác sĩ ở trong đất liền đã có trọng trách lớn, làm bác sĩ ở nơi biển đảo thì mình càng phải cố gắng nhiều hơn trong khi khó khăn gấp bội.

Chia sẻ về cái duyên đến với công việc của mình, bác sĩ Dũng cho biết, nghề y đã là sở thích và mơ ước từ nhỏ của mình. Để từng bước thực hiện ước mơ ấy, từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, câu học sinh Nguyễn Tiến Dũng đã tham gia vào hội chữ thập đỏ của trường. Chính trong thời gian này, Dũng được những nhân viên hội chữ thập đỏ của tỉnh dạy cách sơ cứu, cấp cứu người bị nạn. Càng đi sâu vào tìm hiểu, Dũng càng say mê với nghề và cảm thấy đây chính là con đường của cuộc đời mình. Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh đi học tiếp về Quân y, nhận nhiệm vụ công tác tại Móng Cái (Quảng Ninh). Sau đó anh hoàn thành chương trình sau Đại học và về làm việc tại bệnh viện Quân y 5.

Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh xá trưởng đảo Phan Vinh, Trường Sa) khám bệnh cho một chiến sỹ tại đảo.

Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh xá trưởng đảo Phan Vinh, Trường Sa) khám bệnh cho một chiến sỹ tại đảo.

Bác sĩ Dũng cho biết khi đang công tác tại Bệnh viện Quân y 5 thì được phân nhiệm vụ ra công tác ở biển đảo Trường Sa trong thời gian 1 năm, vào tháng 8-2019. "Trước khi đi, đã chuẩn bị tâm lý nhưng vừa bước chân lên đảo, cảm xúc nhớ đất liền, gia đình, vợ con cứ ùa về. Bên cạnh đó, áp lực về công việc nơi biển đảo; suy nghĩ làm sao để thích ứng với công việc, môi trường… làm tôi vô cùng lo lắng. Nhưng tình đồng chí, tình đồng bào của ngư dân biển đảo đã làm tôi thêm ấm lòng. Tôi không còn cảm thấy lo lắng, mà biết mình nên làm gì để đảm đương nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất"- bác sĩ Dũng chia sẻ.

Nỗi buồn vì xa gia đình của anh đã được bù đắp ngày tiếp theo tháng vì ngư dân trên đảo sống rất tình cảm, mộc mạc và chân tình. Ai cũng nghèo nhưng cái tình dành cho bác sĩ luôn dạt dào, chính những tình cảm đó đã giúp các anh em bác sĩ có thể yên tâm tận lực cứu chữa bệnh nơi đảo xa. Theo bác sĩ Dũng, những khó khăn mà các bác sĩ ở những tuyến đảo đó là lúc nào cũng áp lực nặng trĩu, thường gặp nhất là những ca phẫu thuật viêm ruột thừa và phẫu thuật đầu tay. Đa phần các ngư dân đánh bắt ở vùng biển xa, họ ngại đi khám, khi bệnh đã nặng rồi thì mới tìm đến đảo, điều đó vô hình chung tạo nên áp lực rất lớn.

Kể về một trường hợp điển hình, bác sỹ Dũng chia sẻ câu chuyện một người ngư dân tên Phạm Một phải phẫu thuật vùng mí mắt khi đang đánh bắt cá. “Người ngư dân này bị cá đâm vỡ mắt kính lặn, rách một phần trên mí mắt khi đó đang ở cách xa chúng tôi hàng chục hải lý. Bệnh nhân này được cấp cứu tại đảo Tiên Nữ nhưng sau vài ngày vẫn không thể cầm máu. Lúc này, chỉ huy đảo đã yêu cầu chuyển bệnh nhân về đảo Phan Vinh. Sau khi thực hiện xong phẫu thuật, bệnh nhân sau 5 ngày đã được xuất viện. Chỉ một tháng sau là bệnh nhân Một đã đi đánh cá lại và quay trở lại đảo thăm cảm ơn các bác sĩ” – bác sĩ Dũng kể lại.

Ở nơi biển đảo xa xôi của Tổ quốc, bác sĩ cùng mọi người sinh hoạt, gắn bó như một gia đình thật sự. Trong không gian đặc biệt ấy, sự gắn kết giữa họ càng trở nên khăng khít hơn. Bác sĩ Dũng cũng nói về sự may mắn của mình khi được gia đình làm hậu phương vững chắc, luôn động viên và hỗ trợ để anh có thể yên tâm công tác nơi đầu sóng ngọn gió. “Đây là công việc thiêng liêng. Nếu chỉ còn phụ trách 1 ngày, tôi cũng sẽ làm hết mình vì chiến sỹ và ngư dân đang ngày đêm bám biển” – người “từ mẫu” của biển cả khẳng định.

Chỗ dựa tinh thần cho chiến sỹ, ngư dân vươn khơi bám biển

Ở tuổi còn rất trẻ, Trung úy, bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng (Quân y tàu 561) nhận nhiệm vụ công tác trên tàu Bệnh viện. Nghe anh chia sẻ với ánh mắt hạnh phúc rạng ngời mới thấm cái tình yêu của anh với nghề Y và đặc biệt là công việc của những thầy thuốc trên biển. “Trên biển đảo, những bác sĩ không chỉ khám, chữa bệnh đơn thuần mà quan trọng hơn, họ còn là một chỗ dựa tinh thần, là “liều thuốc tâm lý” cho các cán bộ, chiến sỹ và ngư dân. Hãy thử tưởng tượng, trong một môi trường bốn bề là biển cả mênh mông, nếu một cá nhân gặp trục trặc về sức khỏe mà không có bác sĩ thì mọi người sẽ hoang mang lắm chứ. Chính vì thế mà mình mới yêu cái công việc của một người thầy thuốc trên biển như vậy” – Tùng nói.

Bác sĩ Tùng cho biết, bệnh tật của cán bộ chiến sỹ trên tàu, trên đảo thường đột ngột, đó có thể là những tai nạn nhỏ gây xây xát ngoài da, có thể là vấn đề về tiêu hóa, huyết áp, thậm chí là say sóng... Song đôi khi bác sĩ cũng gặp những trường hợp đã ủ bệnh từ đất liền, khi ra khơi mới phát bệnh. Như vừa qua, khi trên chuyến hải trình 19 ngày cuối năm, khi tàu 561 đang neo đậu ở bên vòng ngoài đảo Tiên Nữ, có một chiếc thuyền cá của ngư dân phát tín hiệu xin được cấp cứu. “Bệnh nhân trên thuyền cá ấy lên tàu để khám và xin thuốc chữa trĩ. Bệnh nhân bị trĩ ngoại ở giai đoạn đầu và tình cờ gặp tàu nên các y bác sĩ trên tàu tiến hành chạy chữa tận tình. Trước khi về thuyền, thuyền viên của tàu 561 cũng gửi tặng bệnh nhân ít rau xanh và nhu yếu phẩm để tiếp tục hành trình” – bác sĩ trẻ cho biết thêm.

Trung úy, Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng (Quân y tàu 561) tặng thuốc cho ngư dân.

Trung úy, Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng (Quân y tàu 561) tặng thuốc cho ngư dân.

Hiện nay, trên tàu 561 có phòng y tế được trang bị giường bệnh, máy đo điện tim, máy đo đường huyết, bình oxy, dụng cụ khí dung... như một trạm y tế trên bờ, thế nhưng thiết bị máy móc xét nghiệm chuyên sâu thì không thể trang bị được. Thay vào đó, bác sĩ sẽ là những “cỗ máy xét nghiệm tối tân nhất” bằng chính kiến lâm sàng rất vững chắc của mình. Nghĩa là, chỉ qua những thăm khám thông thường bằng mắt, ống nghe y tế, rồi bằng kinh nghiệm và kiến thức, bác sĩ sẽ đưa ra những chẩn đoán ban đầu để kịp thời có hướng xử lý thích hợp nhất. Bởi ở giữa biển khơi, chỉ cần chẩn đoán sai hay xử lý chậm thì hậu quả sẽ rất nặng nề.

Theo thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nếu như gặp một trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe, rất cần hoặc chưa cần cấp cứu đưa về bờ lập tức, mà bác sĩ đưa ra chẩn đoán, quyết định sai thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu chậm trễ, hoặc sẽ gây lãng phí không cần thiết. “Ở những trường hợp gấp, cần phải đưa về bờ bằng trực thăng, thậm chí còn phải xin ý kiến từ Lữ đoàn rồi mới có thể chuyển bệnh nhân được, ở những trường hợp đó, người bác sĩ trên biển sẽ phải quyết đoán đưa ra những chẩn đoán chính xác và hợp lý nhất” – bác sĩ Dũng chia sẻ.

Bác sĩ, thuyền viên tàu 561 tặng rau xanh, nhu yếu phẩm cho ngư dân trước khi quay trở lại thuyền.

Bác sĩ, thuyền viên tàu 561 tặng rau xanh, nhu yếu phẩm cho ngư dân trước khi quay trở lại thuyền.

Bác sĩ trên biển là vậy, họ tự mang trên mình một trọng trách là tấm gương, là liều thuốc tâm lý cho các cán bộ, chiến sỹ và ngư dân. Từ xưa tới nay, người ta vẫn hay nói về nghề y rằng “Lương y như từ mẫu”, điều đó thật chính xác đối với những bác sĩ đang công tác ở trên tàu, ở những nơi điểm đảo xa xôi. Vừa là người thầy thuốc, vừa là một người lính, những bác sĩ nơi biển đảo vẫn ngày đêm hoàn thành công tác ở những nơi đầu sóng ngọn gió, gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

“Là một người bác sĩ đóng quân tại biển đảo xa xôi, bản thân tôi cũng xác định tư tưởng ra để cùng chia sẻ, gắn bó với anh em cán bộ chiến sỹ, cùng thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo, thềm lục địa. Đồng thời, bản thân tôi cũng muốn làm nên một chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho các anh em chiến sỹ và những người dân yên tâm vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc” – thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng tâm sự.

Khánh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-tu-mau-tren-bien-ca-181564.html