Những tựa game đặt nền móng cho Black Myth: Wukong
Các trò chơi Nhật Bản từ thập niên 80 của Nhật Bản đã mở đường cho Black Myth, đưa câu chuyện của Tôn Ngộ Không trở thành biểu tượng lớn của làng game Trung Quốc và toàn cầu.
Khi đoạn giới thiệu game đỉnh đám nhất năm mở màn, ánh sáng từ màn hình rực rỡ chiếu lên khuôn mặt nhợt nhạt của nam game thủ. Người chơi điều khiển gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không, đập tan lũ yêu quái và mở đường thỉnh kinh cho sư phụ,
Nhưng đây không phải là câu chuyện thời hiện đại với trò chơi Black Myth: Wukong. Đó là mùa hè năm 1984. Game thủ đang đứng trong một phòng game ở Osaka, bỏ 100 yên vào máy để chơi Son Son: Let's Go Tenjiku của Capcom - một tựa game dựa trên tác phẩm kinh điển Tây Du Ký.
Từ rất sớm, những tựa game như Son Son: Let's Go Tenjiku đã bắt đầu khai thác văn học kinh điển Trung Hoa, đặc biệt là Tây Du Ký.
Hành trình của Tây Du Ký trong thế giới game
Capcom ra mắt Son Son vào năm 1984, một tựa game dạng đi cảnh (side-scroller) khá đơn giản. Dù có lối chơi khá đơn giản và không thực sự nổi bật theo tiêu chuẩn thời bấy giờ, Son Son lại gây ấn tượng mạnh bởi lấy cảm hứng từ Tây Du Ký.
Khi đó, không nhiều người chơi tại Nhật Bản đã đọc qua tác phẩm này. Nhưng họ vẫn nhận ra các nhân vật nổi tiếng như Son Son (biệt danh của Tôn Ngộ Không) hay Ton Ton (Trư Bát Giới).
Câu chuyện về Tôn Ngộ Không và hành trình đến Tây Trúc thỉnh kinh đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa đại chúng. Không chỉ qua tiểu thuyết mà còn qua các phiên bản truyện tranh, phim ảnh và trò chơi điện tử.
Tựa game Cloud Master của Taito và Saiyūki World của Westone vào năm 1988 là bản biến tấu sau đó, dựa trên Tây Du Ký.
Tuy nhiên, không phải tất cả trò chơi đều thành công. Một số cái tên như Super Monkey Daibōken của VAP (1986) hay Yūyūki của Nintendo (1989) lại thất bại nặng nề, đi vào lịch sử những thảm họa của ngành công nghiệp game.
Không chỉ dừng lại ở Nhật Bản, các nhà phát triển ở Đài Loan cũng từng tạo ra rất nhiều bản sao giá rẻ từ Tây Du Ký. Chúng kéo dài từ những tựa game arcade đơn giản đến những game nhập vai đầy phức tạp như Legend of Wukong cho hệ máy Sega Mega Drive. Các trò chơi này dần trở nên công phu hơn. Cốt truyện phát triển hoàn chỉnh, lồng ghép yếu tố văn hóa cổ điển vào sản phẩm giải trí hiện đại.
Black Myth: Wukong là bước ngoặt ngành game Trung Quốc
Năm 2024, Black Myth: Wukong, tựa game mới nhất từ nhà phát triển Trung Quốc Game Science, đã nhanh chóng tạo cơn sốt toàn cầu với đồ họa đỉnh cao và lối chơi hiện đại. Nhưng trước khi có được bước đột phá này, hành trình của Tây Du Ký trong thế giới game không hề dễ dàng.
Các tựa game như Fantasy Westward Journey của NetEase hay Asura Online của Tencent đã mở đường cho sự phát triển của Black Myth. Đây là những trò chơi đa người chơi trực tuyến. Chúng phần nào đã chứng minh các nhà phát triển Trung Quốc có thể chuyển hóa thành công nền văn học của mình vào những tựa game đỉnh cao, hiện đại.
Tây Du Ký không phải là tác phẩm duy nhất trong "Tứ Đại Danh Tác" nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới game thủ. Nếu Tây Du Ký tập trung vào những cuộc phiêu lưu đầy phép thuật, Tam Quốc Diễn Nghĩa lại là nền tảng cho nhiều trò chơi chiến thuật chính trị và quân sự.
Tựa game nổi tiếng nhất, Romance of the Three Kingdoms của Koei, lần đầu ra mắt vào năm 1985. Đến năm 2020, Koei vẫn ra mắt phiên bản Romance of the Three Kingdoms XIV dành cho PlayStation 4, Windows và Nintendo Switch.
Do đó, nếu bạn gặp bất kỳ ai dưới 40 tuổi có kiến thức về Tam Quốc, rất có thể họ biết Tào Tháo hoặc trận Hổ Lao Quan nhờ chơi game chứ không phải từ việc đọc sách, World of Chinese nhận định.
Giống như Tam Quốc, tác phẩm Thủy Hử - câu chuyện về 108 anh hùng Lương Sơn Bạc - cũng đã được chuyển thể thành trò chơi điện tử. Ra mắt năm 1995 cho PlayStation, tựa game Suikoden đã kể câu chuyện về các anh hùng chống lại thế lực triều đình với lối chơi nhập vai giống như Final Fantasy hay Dragon Quest.
Trong khi đó, Hồng Lâu Mộng dù được coi là tác phẩm có nhiều chuyển thể thành phim và kịch, lại ít được quan tâm trong thế giới game, có lẽ vì nội dung lãng mạn và mang tính triết lý sâu sắc. Một số tựa game như The Dream of Red Chamber (1998) hay Hong Lou Meng (2009) đã thử nghiệm với thể loại game mô phỏng tình yêu. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đạt được thành công tương tự như Tam Quốc hay Thủy Hử.
Theo World of Chinese, Black Myth có thể được coi là bước ngoặt trong chuyển thể văn học cổ điển Trung Quốc lên game. Tuy trước đó có không ít sản phẩm, đa phần các tựa game chuyển thể kinh điển đều đến từ các nhà phát triển Nhật Bản.
Phải đến những năm 2000, các nhà phát triển Trung Quốc mới có đủ nguồn lực để cạnh tranh. Để rồi chỉ trong thập kỷ qua, họ mới có thể đánh bại các đối thủ nước ngoài.
Đến nay, Black Myth là sản phẩm game lớn đầu tiên của một studio Trung Quốc thực hiện dựa trên chủ đề văn học cổ điển. Trò chơi này không chỉ là một phiên bản chuyển thể đơn thuần, mà nó đã mở rộng cốt truyện, diễn ra sau khi hành trình đến Tây Trúc kết thúc.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-tua-game-dat-nen-mong-cho-black-myth-wukong-post1502986.html