Những tượng đài bất tử

Chiến tranh qua đi, bên cạnh niềm vui thống nhất, là bao mất mát hy sinh dưới mỗi nếp nhà. Có những Bà mẹ Việt Nam anh hùng nén nỗi đau mất chồng, mất con, trở thành những tượng đài bất tử trong lòng dân tộc.

Cụ Nguyễn Thị Ngách (sinh năm 1915) ở xã Hồng Quang, Thanh Miện hiện là Bà mẹ Việt Nam anh hùng cao tuổi nhất tỉnh Hải Dương

Cụ Nguyễn Thị Ngách (sinh năm 1915) ở xã Hồng Quang, Thanh Miện hiện là Bà mẹ Việt Nam anh hùng cao tuổi nhất tỉnh Hải Dương

Tiễn con đi mãi không về

Chúng tôi có dịp về thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng cao tuổi nhất tỉnh là mẹ Nguyễn Thị Ngách (sinh năm 1915 ở xã Hồng Quang, Thanh Miện). Năm tháng dãi dầu, giờ đây mẹ không còn khỏe, trí nhớ cũng không còn được minh mẫn nhưng mỗi khi nghe ai đó nhắc đến 2 người con đã hy sinh, mắt mẹ lại rưng rưng. Đó là liệt sĩ Đặng Ngọc Thóc và liệt sĩ Đặng Văn Bằng, đều mất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Ông Đặng Xuân Chàng, con trai của mẹ Ngách kể lại rằng, sau khi nhận giấy báo tử của 2 con lần lượt vào các năm 1966 và 1970, bố mẹ ông đều rất đau buồn. Những năm ấy, vì chiến tranh còn loạn lạc nên khi nhận được giấy báo tử, bố mẹ ông vẫn nuôi hy vọng có sự nhầm lẫn, rồi một ngày các con sẽ trở về. Sau này khi tuổi cao, trí nhớ dần giảm sút, nghe tiếng mở cổng, mẹ Ngách còn giật mình tưởng các con về và thúc giục mọi người trong nhà đi nấu cơm cho các con cùng ăn.

Vậy nhưng hy vọng ấy của mẹ Ngách đã không thể thành sự thật bởi 2 người con của mẹ đã mãi mãi không về. Cách đây mấy năm, hài cốt liệt sĩ Thóc đã được đón về quê hương, còn liệt sĩ Bằng thì mãi mãi nằm lại chiến trường do không tìm thấy xác.

Cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hồng Quang thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngách

Cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hồng Quang thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngách

“Bằng chết ở Bến Lức. Lúc đó nó trên con tàu 50 tấn đang dừng lại để cho ô tô bốc vũ khí thì tàu phát nổ, bốc cháy dữ dội. Nó chết mất xác luôn rồi”, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chính (sinh năm 1934) ở xã Hà Hải (Tứ Kỳ) nghẹn ngào kể về giây phút hy sinh của con trai như vậy.

Đó là trường hợp hy sinh của liệt sĩ Hà Duy Bằng (sinh năm 1958), mất vào ngày 26/3/1978 tại Bến Lức (Long An). Sau này khi một người đồng đội chứng kiến giây phút ra đi của liệt sĩ Bằng đã về kể lại với gia đình như vậy.

Mẹ Chính còn một người con trai nữa là liệt sĩ Hà Duy San (sinh năm 1957), hy sinh tại biên giới Tây Ninh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Mẹ Chính kể, một hôm khi ông (ý nói chồng mẹ và là cha liệt sĩ San) đang cắt tóc cho trẻ ở sân đình làng thì nhận được một lá thư. Ông tức tốc về nhà, bỏ phong bì xuống bàn, ông nói “San nhà ta chết rồi”. Mẹ đang ngồi nhặt ngọn khoai lang chuẩn bị nấu cơm, nghe vậy lăn ra sân khóc. Hàng xóm thấy tiếng khóc chạy sang, có người còn động viên chỉ là một lá thư của anh em đồng chí gửi về có thể là không đúng. Nhưng bằng dự cảm của người mẹ, mẹ biết con trai mình đã thực sự hy sinh.

Cả hai liệt sĩ Hà Duy Bằng và Hà Duy San đều hy sinh trong những tình huống đặc biệt, máu thịt các liệt sĩ đã hòa vào hồn thiêng sông núi. Tên tuổi các liệt sĩ đã được vinh danh tại những nghĩa trang địa phương nơi hy sinh và trên “mộ gió” ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

“Nghĩ thương chúng nó còn trẻ quá, chưa vợ con gì đã ra đi vì nước, vì dân”, mẹ Chính gạt nước mắt nhớ về các con.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chính ở xã Hà Hải (Tứ Kỳ) vẫn luôn khắc khoải, thương các con ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chính ở xã Hà Hải (Tứ Kỳ) vẫn luôn khắc khoải, thương các con ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ

Thay chồng gách vác gia đình

Có những Bà mẹ Việt Nam anh hùng vừa chịu nỗi đau mất con vừa chịu nỗi đau mất chồng. Nén lại đau thương, các mẹ đảm đương thay chồng gánh vác gia đình. Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Nghĩ (sinh năm 1933) ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) có chồng là liệt sĩ Phạm Văn Chuyển và con trai là liệt sĩ Phạm Hồng Lịch. Trong đó, liệt sĩ Chuyển hy sinh tháng 11/1971 tại mặt trận phía Nam.

Tháng 2/1968, liệt sĩ Chuyển nhập ngũ. Lúc ấy, người con út của liệt sĩ và mẹ Nghĩ mới sinh được mấy ngày. “Ông ấy hiền lành, tốt tính lắm. Chưa bao giờ nói nặng lời với vợ con. Nói chuyện với vợ lúc nào cũng xưng mình - tớ. Lúc đi ông ấy thẽ thọt dặn lại: Tớ đi sống thì về, mất thì vì nước, vì dân”, mẹ Nghĩ bùi ngùi nhớ về lời nói của người chồng đã mất cách đây 54 năm.

Kể từ ngày chồng vào Nam chiến đấu năm 1968, mẹ Nghĩ một mình tần tảo nuôi 6 người con. Thời gian này, mẹ còn tham gia đội dân quân du kích địa phương. Ngoài công việc chung, mẹ còn tích cực giúp đỡ những gia đình khó khăn.

Đến năm 1978, mẹ lại động viên con trai lớn là Phạm Hồng Lịch lên đường nhập ngũ, tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. “Lịch hay bị đau bụng, sức khỏe yếu. Thương con lắm nhưng Tổ quốc chưa yên thì mình sao nỡ giữ con lại bên mình”, mẹ Nghĩ bảo.

Chiến tranh khốc liệt, đến tháng 2/1979, liệt sĩ Lịch hy sinh. Mất chồng rồi lại mất con nhưng mẹ Nghĩ chưa bao giờ ai oán. Thương chồng, thương con, mẹ vẫn kiên cường lo cho gia đình. Mẹ bảo, mất mát đó là vì nước, vì dân.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Nghĩ ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) thay chồng gánh vác gia đình, nuôi dưỡng các con

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Nghĩ ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) thay chồng gánh vác gia đình, nuôi dưỡng các con

Trong gia đình mẹ Nghĩ có 2 người được nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ chồng của mẹ Nghĩ là cụ Nguyễn Thị Dung cũng có 2 người con là liệt sĩ và đã được truy tặng danh hiệu cao quý này.

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ và dựng xây Tổ quốc, Hải Dương có tổng số 4.125 người được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện nay, toàn tỉnh còn 30 mẹ. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm, tri ân tới người có công nói chung, Bà mẹ Việt Nam anh hùng nói riêng. Ngoài chế độ của Nhà nước, hiện tất cả Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống ở Hải Dương đều được các tổ chức, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Căn cứ theo Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Nghị định 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”: Có 2 con trở lên là liệt sĩ; chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ; có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

THANH NGA

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-410123.html